| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất rau cao cấp - Cách làm của Sa Pa

Thứ Năm 27/12/2007 , 09:51 (GMT+7)

Trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng SX hàng hoá của huyện, hàng trăm ha ruộng sẽ được người Mông, Dao, Dáy ở các xã Sa Pả, Tả Phìn, Tả Van, Lao Chải không trồng lúa nữa mà chuyển sang chuyên trồng rau cao cấp phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và XK và những sản phẩm này sẽ mang lại nhiều nguồn lợi, tạo thương hiệu cho rau Sa Pa, là sản phẩm của đất du lịch Sa Pa.

Do những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng về điều kiện đất đai, khí hậu nên nghề trồng rau hàng hoá ở Sa Pa phát triển rất sớm. Từ những thập kỷ sáu mươi, bảy mươi Sa Pa đã nổi tiếng là vùng SX su hào giống cung cấp cho cả nước, ngoài ra với các loại rau của địa phương như su su, cải nương, cải xoong… nổi tiếng không những ở trong tỉnh Lào Cai mà còn được người tiêu dùng các địa phương khác rất ưa chuộng do chất lượng ngon, sạch và giá thành khá rẻ so với các loại rau an toàn cùng loại. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu tăng mạnh, rau ở Sa Pa làm ra chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ, ngay ở Sa Pa là vùng rau nhưng cũng phải sử dụng đến trên 50% là rau nhập từ Trung Quốc và từ khu vực vùng thấp lên.

Làm thế nào đẩy mạnh SX để tăng mạnh về số lượng, chủng loại và đặc biệt là ngoài những loại rau truyền thống có thêm nhiều chủng loại rau cao cấp để cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa và XK là bài toán không đơn giản đối với nghề trồng rau ở Sa Pa. Do vậy tìm được hướng đi phù hợp để phát triển mạnh SX rau cao cấp ở Sa Pa được cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp hết sức quan tâm. Hiện nay ở Sa Pa đang áp dụng các loại hình trồng rau như sau:

Trồng rau theo phương pháp truyền thống: Hàng năm người trồng rau ở Sa Pa trồng khoảng 400 – 500 ha rau các loại bằng các giống rau của địa phương, kỹ thuật trồng truyền thống nên năng suất không cao vì vậy sản lượng hàng năm không thể tăng lên được. Mỗi năm bằng cách làm này Sa Pa chỉ SX được khoảng trên 2.000 tấn rau các loại. Số lượng này đáp ứng được rất thấp so với nhu cầu tiêu dùng tại chỗ chưa nói đến việc XK.

Các doanh nghiệp (DN) thuê đất của Nhà nước để trồng rau: Hiện ở Sa Pa đang triển khai mạnh cách làm này. Đã có 3 DN đầu tư trồng khoảng 200 ha (trong đó có 1 DN của nước ngoài), năm 2006 ngoài tiêu thụ nội địa, các DN này XK được trên 100 tấn và năm 2007 dự kiến XK 500 tấn rau sang Đài Loan. Đây là các DN đầu tư vốn tương đối lớn, SX theo công nghệ tiên tiến (qui trình sạch, sử dụng kho lạnh bảo quản, bao bì đóng gói đạt chuẩn và đặc biệt các loại giống lai được đưa vào SX nên rau có chất lượng rất cao), thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu là XK. Có thể khẳng định đây là cách làm tốt để Sa Pa có thể áp dụng được những công nghệ tiên tiến vào SX để tăng nhanh sản lượng các loại rau chất lượng cao. Hiện có nhiều DN trong và ngoài nước đang muốn đầu tư SX rau tại Sa Pa. Tuy nhiên do đất đai ở Sa Pa rất hạn chế vì địa hình dốc, phần lớn diện tích đất những nơi thuận lợi, tương đối tập trung và bằng phẳng, gần thị trấn, thuận lợi giao thông thì đã dành cho việc phát triển đô thị và du lịch. Bên cạnh đó nhu cầu đất SX của nông dân là rất lớn nên họ rất sợ bị mất đất, do đó khi tiến hành giải phóng mặt bằng để giao đất cho các DN nhiều nơi nông dân không đồng tình. Thực tế ở Sa Pa có một số dự án đã được tỉnh cấp phép nhưng triển khai rất chậm do không giải phóng được mặt bằng. Nếu Sa Pa tiếp tục  triển khai theo cách làm này sẽ rất khó khăn và không thể mở rộng SX được. Vì vậy Sa Pa bắt đầu triển khai một cách làm mới, đó là:

Nhà nước vận động các DN và nhân dân hợp tác để chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau: Giữa năm 2006 có một số DN ở TP.HCM và Đài Loan hợp tác với DN của địa phương xin được làm dự án trồng rau theo phương thức này. Sau khi xem xét phương án SX của các DN, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn làm trung gian thông qua xã vận động nông dân thoả thuận với các DN cho họ thuê đất trồng rau. Kết quả đầu năm 2007 đã có 2 DN được lựa chọn để triển khai là DN Cát Lợi Lai ở TP.HCM và DN Chấn Thăng của Đài Loan (DN nước ngoài này hợp tác với Cty TNHH Mường Hoa ở Sa Pa SX rau để xuất sang thị trường Đài Loan). Tuy mô hình với diện tích chưa nhiều, hiện mỗi DN ban đầu chỉ làm ở mỗi nơi gần chục ha nhưng kết quả cho thấy sẽ mở ra nhiều triển vọng, các DN đều có kế hoạch mở rộng SX từ cuối năm 2007. Khả năng với cách làm này vài vụ tới Sa Pa sẽ triển khai tới vài trăm ha rau cao cấp.

Đánh giá qua 2 vụ SX vừa qua cho thấy:

a)      Đối với nông dân:

-          Người dân không mất đất vì họ cho DN thuê đất theo thời gian thoả thuận do đó không cần phải giải phóng mặt bằng như cách làm trước đây.

-          Nông dân có thu nhập hơn nhiều so với trồng lúa: Các DN trả tiền thuê đất cho nông dân bằng với sản lượng thóc mà nông dân thu được hàng năm. Như vậy là nông dân không phải bỏ các loại chi phí như giống, công lao động, phân bón, thuốc trừ sâu mà vẫn thu đủ sản lượng thóc trên mảnh ruộng của họ. Người nông dân lại được DN thuê làm công nhân SX trên chính mảnh ruộng của họ. Có 2 cách trả công lao động: DN có thể trả công thoả thuận khoảng 30.000đ/ngày công hoặc hợp đồng thuê lao động theo mùa vụ, trả lương tháng, có ngày nghỉ cuối tuần như công nhân các xí nghiệp.

-          Nông dân học được cách SX rau tiên tiến, thay đổi cách SX truyền thống.

b)      Doanh nghiệp:

Thời gian triển khai dự án nhanh do không phải xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án như các dự án thuê đất lâu dài của Nhà nước và nhất là thời gian chờ đợi giải phóng mặt bằng thường rất lâu (2 DN thực hiện theo cách này triển khai từ đầu năm 2007 đến nay đã SX và XK được 2 lứa rau với trên 600 tấn).

Tuy đầu tư thuê đất ruộng của nhân dân có cao hơn so với thuê đất của Nhà nước nhưng bù lại những diện tích đất họ thuê là đất tốt, bằng phẳng nên đỡ được rất nhiều công cải tạo, bón phân ít hơn, thủy lợi và giao thông thuận lợi… nên họ có nhiều lợi thế để giảm giá thành.

c)       Đối với Nhà nước:

-          Thực hiện nhanh chóng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để SX hàng hoá nhằm tăng nhanh thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác.

-          Không phải tiến hành giải phóng mặt bằng mà vẫn có đất để giao cho các DN SX mặt khác với cách làm này có thể chuyển đổi rất nhiều diện tích đất ruộng sang trồng rau hoặc các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn.

-          DN đầu tư nhanh có hiệu quả thì Nhà nước cũng nhanh có thêm nguồn thu. 

Xem thêm
Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Thăm nhà nuôi tằm kiểu mẫu

Phải đợi mấy tháng, khi mùa đông kết thúc cái hẹn của tôi với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương mới thành bởi đó cũng là vào mùa tằm.

85% đàn chó, mèo phải được tiêm phòng dại

LONG AN Năm 2024, Long An sẽ tiêm vacxin phòng bệnh dại trên đàn vật nuôi chó, mèo đạt trên 85% với số lượng dự kiến gần 91.000 liều.

Đưa quy trình sản xuất lúa phát thải thấp vào đồng ruộng

KIÊN GIANG Quy trình tích hợp những kỹ thuật sản xuất lúa phù hợp nhất đã được ban hành, các kết quả nghiên cứu và mô hình thành công trong thực tiễn từ các địa phương.

Phần mềm giúp quản lý chăn nuôi nhàn tênh

QUẢNG NINH Anh Vũ Đức Tuấn (sinh năm 1990 ở thị xã Quảng Yên) là người sáng lập phần mềm quản lý trang trại FarmGo, mang lại hiệu quả cao trong hành trình số hóa nông nghiệp.