| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

Thứ Tư 17/04/2024 , 17:46 (GMT+7)

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Chất lượng tôm giống được cải thiện rõ rệt

Ngày 17/4, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2024. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Theo Cục Thủy sản, năm 2023, ngành tôm đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, vật tư, thức ăn thủy sản tăng. Suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại nhiều nước xuất khẩu dẫn đến giá bán tôm nguyên liệu giảm sâu, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Mặc dù vậy, diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2023 cả nước vẫn đạt 737 nghìn ha, sản lượng đạt 1,12 triệu tấn, trong đó sản lượng tôm sú đạt 274 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 845 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sản xuất giống tôm nước lợ vẫn còn tồn tại một số bất cập. Ảnh: PC.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sản xuất giống tôm nước lợ vẫn còn tồn tại một số bất cập. Ảnh: PC.

Cũng theo Cục Thủy sản, với diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước khoảng 737.000ha, nhu cầu tôm giống hiện nay khoảng 150 - 155 tỷ con, số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống khoảng 260.000 con. Hiện cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ với sản lượng tôm giống đạt 153 tỷ con. Các địa phương sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta hiện nay gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau (chiếm khoảng 93% tổng cơ sở sản xuất và 63,6% sản lượng giống).

Về triển khai quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ, sau hội nghị quản lý giống và ký quy chế phối hợp trong năm 2023, Cục Thuỷ sản đã khẩn trương phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện. "Đến nay, đã có 17 địa phương ký quy chế phối hợp, việc thực thi các quy định của pháp luật về giống thủy sản dần đi vào nề nếp. Nhiều địa phương có tỷ lệ cấp giấy nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương giống tôm đạt xấp xỉ 100%. Cùng với đó, nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ”, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết.

Theo Cục Thủy sản, năm 2024, kế hoạch sản xuất tôm cả nước đạt 737.000ha; sản lượng tôm các loại 1,065 triệu tấn, trong đó tôm sú 300 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 765 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu: 4 - 4,3 tỷ USD.

Để phục vụ diện tích nuôi tôm trên, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 - 270.000 con; tôm giống sản xuất và ương dưỡng khoảng 140 - 155 tỷ con.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang phấn đấu thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Ảnh: PC.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang phấn đấu thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Ảnh: PC.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 453 cơ sở hoạt động sản xuất tôm giống, hàng năm cung ứng cho thị trường trên 40 tỷ con tôm giống, chiếm hơn 30% sản lượng tôm giống của cả nước.

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước với cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống được đầu tư hoàn thiện. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 20% số cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản theo quy định và được giám sát an toàn dịch bệnh đối với các bệnh nguy hiểm. Sản lượng tôm giống hơn 60 tỷ con/năm, 100% tôm giống xuất trên địa bàn tỉnh được kiểm dịch đủ điều kiện...

“Việc ký kết quy chế phối hợp năm 2024 tại Ninh Thuận có ý nghĩa lớn trong việc đánh giá kết quả và thực hiện công tác quản lý giống tôm nước lợ thời gian qua, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm trên phạm vi cả nước trong thời gian tới”, ông Trịnh Minh Hoàng cho biết.

Vẫn phụ thuộc vào tôm bố mẹ nhập khẩu

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, giá tôm thương phẩm năm 2023 trên thế giới giảm nhưng đầu năm 2024 đã tăng lên. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cần nguồn nguyên liệu rất lớn để chế biến tôm nhưng bài toán nuôi tôm hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do giá giống cao.

Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm nên việc sản xuất tôm giống của Tập đoàn rất hiệu quả và ổn định, cơ bản cung ứng đủ cho Tập đoàn và đáp ứng cho người nuôi với giá cả phải chăng.

Sản phẩm tôm giống của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú: Ảnh: MP.

Sản phẩm tôm giống của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú: Ảnh: MP.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Ninh Thuận cho biết, tôm giống là một trong số 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Năm qua, tỉnh đã cung cấp 41 tỷ con giống cho người nuôi. Cái khó của tỉnh là phải nhập tôm bố mẹ từ nước ngoài nhưng vừa qua có nhiều lô tôm nhập khẩu phải hủy do bị lỗi, không đẻ được. Sản xuất tôm giống là nghề kinh doanh có điều kiện, do đó cần tuân thủ quy định kiểm tra về chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học, nuôi hiệu quả.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả của lĩnh vực sản xuất tôm giống nước lợ đã đạt được trong năm 2023. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý giống thuỷ sản đã góp phần hình thành được liên kết giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ tôm giống; minh bạch thông tin trong quản lý, sản xuất, cung ứng giống, nâng cao chất lượng giống, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sản xuất giống tôm nước lợ vẫn còn tồn tại một số bất cập. Hiện chúng ta chưa hoàn toàn chủ động được tôm bố mẹ. Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý tôm giống có lúc, có nơi còn yếu, nhất là về điều kiện cơ sở, điều kiện giống trước khi lưu thông, chất lượng giống trong lưu thông…

Năm 2024, theo dự báo, ngành tôm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để phấn đấu đạt mục tiêu của ngành tôm năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, các địa phương, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ tập trung triển khai các giải pháp.

Các bên ký quy chế phối hợp trong quản lý giống thuỷ sản năm 2024. Ảnh: PC.

Các bên ký quy chế phối hợp trong quản lý giống thuỷ sản năm 2024. Ảnh: PC.

Theo đó, phải chủ động nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước. Tổ chức liên kết trong nghiên cứu và sản xuất, đặc biệt chú ý liên kết giữa các doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất. Tiếp tục nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp phục vụ nhu cầu sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Song song đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, nhất là những điểm mới về quản lý giống tôm nước lợ. Tập trung tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về giống tôm nước lợ, tập trung kiểm tra điều kiện sản xuất, quản lý chất lượng giống trong sản xuất và lưu thông.

Đồng thời, triển khai các giải pháp an toàn sinh học trong cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ theo hướng an toàn dịch bệnh. Thực hiện quan trắc, kiểm soát tốt chất lượng nước sử dụng trong sản xuất tôm giống...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y tăng cường kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh trên giống tôm nước lợ để có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại cho người nuôi; tổ chức xây dựng, phát triển cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ an toàn dịch bệnh.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.