Đi sớm về muộn
Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể về việc sắp xếp, đổi mới của 11 doanh nghiệp đóng trên địa bàn Nghệ An. Tưởng như đây sẽ là “làn gió mới” thổi hồn vào bộ máy vỗn dĩ đã quá lạc hậu so với đòi hỏi của thời cuộc.
Tiếc thay đã qua gần 6 năm ròng rã nhưng mọi thứ vẫn rối như tơ vò.
Thực tế cũng có mô hình sát nhập thành công như Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Quỳnh Lưu và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quỳnh Lưu sát nhập thành BQL RPH Bắc Nghệ An hoạt động theo cơ chế sự nghiệp có thu cơ bản ổn định.
Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu các Công ty TNHH MTV theo hình thức nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng hiệu quả hoạt động lại rất kém. Họa chăng chỉ Công ty TNHH MTV lâm nông nghiệp Sông Hiếu tự tin “sống khỏe” nhờ vào diện tích rừng gỗ lớn hình thành từ trước đó. Trong khi 3 cái tên còn lại là Lâm nghiệp Tương Dương, Đô Lương và Con Cuông đang vô cùng khốn khó.
Một phương diện khác, tính đến tháng 7/2020, Sở TN-MT tỉnh đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi đất của 11 công ty nông, lâm nghiệp với quy mô trên 11.500ha để bàn giao lại cho UBND các huyện, thị xã quản lý, sử dụng nhằm tránh thất thoát nguồn tài nguyên.
Rất đáng lo khi nhiều diện tích trong số này vẫn chưa tìm ra hướng xử lý thấu đáo, nguyên do bắt nguồn từ công tác rà soát, đo đạc (cắm mốc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ chuyển giao, thu hồi) thiếu nhất quán, mất nhiều thời gian. Một số nơi thực hiện chuyển giao diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng tự nhiên còn nhùng nhằng.
Cùng với đó, việc bố trí không đầy đủ, không kịp thời nguồn kinh phí đo đạc, lập trích lục cũng là lý yếu tố tiên quyết cản trở tiến độ chung. Không hẹn mà gặp nhiều huyện miền núi như Quỳ Hợp, Quỳ Châu… đang loay hoay như gà mắc tóc, sự việc ngâm càng lâu áp lực ngày một đè nặng.
Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia đầu ngành chung quan điểm: Nghệ An là tỉnh có nhiều đơn vị thực hiện sắp xếp, đổi mới với diện tích quản lý rộng, trải dài từ đồng bằng, trung du đến tận khu vực biên giới. Quá trình triển khai đã bám sát chủ trương, định hướng nhưng kết quả thực tế chỉ ra rằng địa phương này đang “đi sớm về muộn”.
Nỗi lòng người trong cuộc
Xét tổng thể chính sách sắp xếp, đổi mới thì tiến độ thực hiện của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An là khả thi nhất, dù vậy cán đích được hay không lại là câu chuyện khác.
Trao đổi với PV NNVN, ông Hồ Viết An, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc cho hay, đơn vị chính thức khởi động chủ trương Cổ phần hóa từ đầu năm 2015, hiện đã phê duyệt xong phương án sử dụng đất, phương án sử dụng nhà, tài sản trên đất, phương án sử dụng lao động và phương án giá trị doanh nghiệp.
“Về phía công ty các phần việc cơ bản đã xong, chúng tôi đang chờ phê duyệt phương án cổ phần, sau đó mới tiến tới bán cho người lao động và đối tác có nhu cầu. Nội dung này đã thẩm định xong, hiện đang chờ UBND tỉnh phê duyệt”.
Qua tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với 6 xí nghệp trực thuộc, chuyên ngành nghề trồng, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu chè. Trước đây đơn vị quản lý khoảng 5.000ha đất, thực hiện theo phương án cổ phần hóa chỉ giữ lại khoảng 1.900ha vùng lõi, phần còn lại sẽ bàn giao về cho các huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Con Cuông, nhìn chung biến động về quỹ đất rất lớn.
Đánh giá “chặng đường Cổ phần hóa gian nan”, người đứng đầu công ty Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An khẳng định tập thể lãnh đạo đơn vị đã kịp thời nắm bắt chủ trương, thực hiện khách quan, quyết liệt, tập trung toàn lực nhằm giải quyết các vấn đề hóc búa nhất, tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động nên tiến độ bị ảnh hưởng.
Thứ nhất, phải thấy rằng chủ trương Cổ phần hóa trên địa bàn thay đổi liên tục khiến nhiệm vụ tổ chức, thực hiện cũng phải thay đổi theo. Cụ thể, ban đầu áp dụng theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP, nửa chừng lại chuyển sang Nghị định 126/2020/NĐ-CP, áp dụng Nghị định mới đồng nghĩa phải chờ hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo đầy đủ về mặt pháp lý, do đó rất mất thời gian.
Thứ hai, bản chất của Cổ phần hóa đòi hỏi phải giải quyết ổn thỏa nhiều phần việc cùng lúc, từ đất đai, lao động đến nhà cửa, tài sản, những nội dung này đều mang tính bao hàm nên công tác xử lý không hề giản đơn.
Khách quan mà nói Cổ phần hóa là chính sách lớn nên không thể lơ là, chủ quan, đặc biệt về tính pháp lý. Hiểu rõ điều này tỉnh Nghệ An đã chủ động thành lập Ban Cổ phần hóa nhưng lại mang tính chất “kiêm nhiệm” là chính. Đội ngũ kiêm nhiệm bao gồm lãnh đạo của các sở ngành, thêm công tác cán bộ thường xuyên có sự thay đổi nên việc tổ chức, lấy ý kiến, chốt phương án khó tránh khỏi xáo trộn.
Về phần Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An, sau nhiều lần lỡ hẹn đơn vị này đang phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2021. Quyết tâm là vậy nhưng chẳng ai dám chắc điều gì: “Theo quy định, 9 tháng sau thời điểm phê duyệt giá trị doanh nghiệp nếu công ty không bán được cổ phần thì phải làm lại quy trình từ đầu”, ông An lý giải.
Cần biết rằng, tháng 4/2019 đơn vị này đã được Sở Tài chính phê duyệt giá trị doanh nghiệp lần đầu tiên, thế nhưng đến “vòng chung khảo” lại ngã chỏng vó. Càng gỡ càng rối, lỗi hẹn hết lần này lượt khác khiến tâm lý của những người trong cuộc thực sự rối bời:
“Người lao động công ty rất băn khoăn, nhiều ý kiến thắc mắc năm nào cũng bàn đến chuyện cổ phần nhưng mãi không xong”, Tổng Giám đốc Hồ Viết An bộc bạch.
Xin nhắc lại, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An là đơn vị thực hiện sắp xếp, đổi mới theo yêu cầu của Chính Phủ thuộc diện nhanh nhất trên địa bàn . Thế mới thấy, bức tranh tổng quan còn lắm nét cọ buồn.
“Chủ trương sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An trong những năm qua thay đổi liên tục, nhiều nội dung không rạch ròi, đụng cái này vướng cái kia”, lãnh đạo một công ty nói thẳng.