| Hotline: 0983.970.780

Sau mục tiêu, phải cụ thể hóa bằng chính sách

Thứ Ba 18/01/2011 , 08:58 (GMT+7)

Động lực phải dựa vào chính sách

(Đại biểu Lê Dũng- Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau)

Trong Dự thảo chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 phần phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững với định hướng khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp với quy mô điều kiện của từng vùng là tạo động lực cho nông nghiệp phát triển. Một thực tế cho thấy, trong những năm qua, ở các tỉnh phía Nam đã xuất hiện việc tích tụ ruộng đất. Một số nông dân có điều kiện đã mua thêm ruộng đất, mở rộng diện tích sản xuất và đó là cơ sở, tiền đề tốt cho họ đầu tư máy móc, nhân công và sau đó đã gặt hái được hiệu quả lớn.

Hiện ở vùng nông thôn đất đai manh mún, mỗi hộ mỗi khoanh trên vùng đồng rộng lớn đã tạo tâm lý bất an cho nông dân khi đầu tư vào chính mảnh ruộng của mình. Bởi khi đầu tư vào đó (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) nhưng đám ruộng kế bên không đầu tư thì rất khó làm đồng bộ. Tóm lại, ruộng đất manh mún thì rất khó nói chuyện đầu tư.

Bản thân tôi nghĩ, nếu chính sách tốt, tạo điều kiện cho những cá nhân, tập thể có thể tập trung, tích tụ ruộng đất để làm ăn sẽ là một bước tiến lớn. Một đám ruộng lãi được mười đồng, rõ ràng không đáng vào đâu, nhưng một trăm, một ngàn đám ruộng thì lãi lớn lắm. Đó chính là động lực để người ta đầu tư, để bỏ đồng vốn làm ăn, kiếm lãi. Một cách tính đơn giản, cùng một đám ruộng, một chất đất nhưng ông A có điều kiện đầu tư, làm có lãi mười triệu đồng, ông B chỉ lãi 2 triệu đồng thì hà cớ gì mà không tạo điều kiện cho ông A làm để tạo giá trị thặng dư lớn cho gia đình, xã hội...

Có một câu hỏi nhiều người hay đặt ra, mặt sau của việc tích tụ ruộng đất là một bộ phận không nhỏ người nông dân khi không có ruộng đất sẽ mưu sinh bằng gì?  Theo tôi nghĩ, thoạt tiên, người lao động sẽ làm công cho những người có ruộng đất. Trong giai đoạn này, nông dân chưa chuyên nghiệp thì cần có sự bảo hộ nhất định của các cá nhân, tổ chức có ruộng đất. Nghĩa là anh phải có trách nhiệm tạo việc làm, thu nhập cho tôi thì tôi mới “đưa" ruộng đất cho anh.

Còn sau đó, khi đã trở thành chuyện nghiệp thì họ trở thanh “công nhân” nông nghiệp chính trên mảnh đất của mình. Vì đến lúc này, “ông chủ" ruộng đất sẽ thấy cần phải đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn cho “công nhân" của mình phù hợp với kế hoạch, chính sách phát triển. Lúc đó, không phải hô hào thì người “công nhân” nông dân cũng phải thấy được mình cần phải làm gì để đáp ứng công việc được giao, đó cũng là chuyên môn hóa trong lao động nông nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách nhằm hỗ trợ, tạo việc làm cho cho những hộ nông dân không có ruộng đất để họ có cuộc sống ổn định.

Chính sách phải cụ thể, lâu dài, bền vững 

(Đại biểu Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp)

Để tạo điều kiện cho nông dân vươn lên thoát nghèo đến ổn định cuộc sống,  sau đó vươn lên làm giàu, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc biệt cho người trồng lúa, địa phương sản xuất lúa thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia. Những năm qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho nông dân, ngư dân, nhưng những chính sách đó phần lớn mang tính giải quyết khó khăn tức thời mà chưa có tính bền vững, lâu dài. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể hơn như về tập trung ruộng đất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, thâm canh đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đầu tư nâng cao khoa học-công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới như: giống cây, giống con, quy trình sản xuất tốt (Viet GAP, Global GAP…), chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp, giảm tổn thất sản xuất, trong thu hoạch nông, lâm thủy sản…

Vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng hết sức cần thiết và mang tính chiến lược. Đưa công nghệ vào nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là một chặng đường dài. Do đó, phải đưa ra chính sách phù hợp với từng vùng miền, đào tạo nghề nghề phải gắn chặt với tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Chẳng hạn những nơi có tiềm năng biển, nuôi trồng thủy sản thì chú trọng đào tạo đánh bắt, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá; hoặc nơi có thế mạnh về rừng thì gắn với nghề lâm sinh, chế biến gỗ…

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách về liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ đối với các loại nông sản chủ lực (lúa gạo, cá tra, cá basa, tôm sú…), đảm bảo phân phối hợp lý trong từng công đoạn. Mỗi mục tiêu ưu tiên, tôi cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư thỏa đáng, có như vậy mới hy vọng tạo ta những bước đột phá trong tương lai.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất