| Hotline: 0983.970.780

Sau Quảng Bình, Quảng Trị, đến lượt Quảng Nam!

Thứ Tư 16/10/2013 , 09:40 (GMT+7)

Cơn bão số 11 đi qua, cũng là lúc người trồng cao su ở Quảng Nam tắt ngấm nụ cười. Từng giọt mủ cao su chảy xuống đất chẳng khác những giọt nước mắt lăn dài trên má người trồng ra nó. Sau bão, cả ngàn ha cao su bị gãy, đổ.

Cơn bão số 11 đi qua, cũng là lúc người trồng cao su ở Quảng Nam tắt ngấm nụ cười. Từng giọt mủ cao su chảy xuống đất chẳng khác những giọt nước mắt lăn dài trên má người trồng ra nó. Sau bão, cả ngàn ha cao su bị gãy, đổ.

CÀNG TO CAO CÀNG DỄ GÃY

Cơn bão số 10 đã bẻ hàng vạn ha cao su của Quảng Trị, Quảng Bình và một phần Hà Tĩnh, thì nay cơn bão số 11, dù nhẹ hơn nhưng vẫn kịp hạ gục hàng trăm ha cao su tỉnh Quảng Nam. 

Trưa 15/10, chúng tôi theo QL14E lên vùng cao su tỉnh Quảng Nam là huyện Hiệp Đức. Dọc tuyến đường, cây cối đổ nghiêng ngả. Gặp những người dân hỏi về cây cao su sau bão, trăm người như một mà rằng: "Xót lắm, đau lắm chú ơi! Vườn nào, vườn nấy cũng gãy, ngã đổ. Phen này, có gia đình ôm nợ, hết vốn đầu tư. Các xã Sông Trà, Phước Trà… cao su gãy, ngã nhiều lắm".

Khuôn mặt buồn rười rượi, ngồi nhìn những cây cao su gãy đổ, ông Trần Tông (ở thôn 3, xã Sông Trà) buồn bã: "1 ha cao su 6 năm tuổi của tôi mới hôm qua còn mơn mởn rứa mà từ 4-6 giờ sáng nay có hơn 2 tiếng bão cấp 9, cấp 10 đã cướp ngang 50 cây rồi. Ngoài ra, còn 2 ha cao su 4 năm tuổi cũng bị ngã đổ rất nhiều. Chỉ có 3 ha cao su 2 tuổi là không bị gì".


Ông Trần Tông xót xa trước những cây cao su 6 năm tuổi bị ngã

Bà vợ của ông chen vào: “Để có được chừng ni cao su vợ chồng tôi bỏ vốn gom góp bấy nhiêu năm trời để nuôi nó. Ngoài ra, còn vay ngân hàng 32 triệu đồng mua phân bón tiếp sức, rứa mà hắn không trả công cho chủ, chưa kịp khai thác đã mất chú ạ!

May loại cây 6 năm tuổi mới có 1 ha nếu không thiệt hại còn nặng nữa. Cao su ni lạ lắm, cây càng to cao, gió bão vào càng dễ gãy. Nhà tôi rứa là ít, chứ ở thôn còn nhiều lắm, có nhà gãy mất cả trăm cây”.

Rời Sông Trà, chúng tôi sang xã Quế Bình, nơi có nhiều “đại gia” đổ tiền gom đất trồng cao su. Đang loay hoay với gần 300 cây cao su gãy, anh Trần Văn Hiếu, thôn 4, xã Quế Bình cho biết: Anh trồng 3 ha cao su 4 năm tuổi, thế nhưng cứ cây nào to cao là bão bẻ sạch. Bốn năm trời chăm sóc, bỏ biết bao nhiêu công của mà giờ thành thế này đây!



Anh Trần Văn Hiếu buồn bã trước những cây cao su gãy, bật gốc sau bão

“Những cây mới nghiêng thì mình có thể cứu chữa bằng cách dựng dậy, còn những cây bật gốc, gãy coi như vứt đi”, anh Hiếu chua chát.

HÀNG CHỤC TỶ MẤT SAU 1 ĐÊM

Thực tế, cao su tiểu điền tại Hiệp Đức bắt đầu nở rộ từ năm 2006. Trước đó, người dân nơi đây chưa biết đến cao su. Từ khi các công ty, doanh nghiệp cho cao su “cắm rễ” người dân mới học hỏi. Không những thế, chính quyền địa phương còn ra sức ủng hộ người dân mở rộng diện tích nên dân càng đua nhau trồng.

Hiệp Đức hiện có hơn 2.550 ha cây cao su đại điền, còn cao su tiểu điền 1.500 ha. Ông Đào Bội Thuyên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết: “Thống kê sơ bộ cơn bão số 11, trên địa bàn huyện có hơn 178 ha cao su gãy, ngã. Tuy nhiên con số này không phải nằm ở đấy mà còn sẽ tăng thêm. Hiện chúng tôi đang kiểm đếm, lúc đó mới có số liệu chính xác”.


Rất nhiều cây cao su ở thủ phủ cao su Hiệp Đức bị gã sau bão số 11

Được biết, với diện tích cao su bị gãy, ngã đó ở huyện Hiệp Đức, thiệt hại phải hàng chục tỷ đồng. Hầu hết, người trồng cao su ở Hiệp Đức theo dạng có tiền đến đâu thì đầu tư đến đó. Như gia đình ông Tông, trước đây 3 ha trồng sắn, tràm nhưng khi phong trào trồng cao su nở rộ, ông “nhường” hết đất cho cao su.

Ông Tông buồn bã: “Cả gia đình trông chờ vào từng nớ cao su, 1 ha 6 năm tuổi sang năm mở miệng. Bão không phải lớn lắm mà bẻ mất 50 cây to nhất rồi. Cứ tình hình bão như thế này, công chăm sóc 5-6 năm lại mất trắng mất”.

Cũng chẳng khác gì Hiệp Đức, cây cao su tiểu điền, đại điền tại các huyện Phước Sơn, Trà My, Núi Thành, Tây Giang… cũng gãy đổ rất nhiều. Cơn bão số 11 vừa đi, người dân và chính quyền địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả.

Người dân và các doanh nghiệp chưa đi kiểm đếm nhưng một điều chắc chắn rằng, con số thiệt hại về cao su gãy, ngã ở địa bàn Quảng Nam không nhỏ. Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết: “Các địa phương có trồng cây cao su vẫn chưa báo cáo cụ thể diện tích cao su bị thiệt hại sau bão”. 

Được biết, năm 1998, tỉnh Quảng Nam bắt đầu trồng thí điểm 10 ha cây cao su tại huyện Hiệp Đức. Sau đó, cây cao su được mở rộng diện tích trồng tại địa phương này.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã trồng được 14.592 ha cao su. Trong kế hoạch phát triển cao su thời gian tới, tỉnh Quảng Nam hạ quyết tâm trồng gần 50.000 ha cây cao su ở 8 huyện.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Để Ba Chẽ không chia cắt trong mùa mưa bão

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo người dân không bị 'ngăn sông, cách suối' trong mùa mưa bão.