| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng chực chờ lên 'cơn sốt'

Thứ Năm 23/02/2023 , 18:15 (GMT+7)

Thời điểm này, sản lượng sầu riêng thu hoạch ở ĐBSCL còn ít do đang mùa nghịch vụ, cộng với thị trường Trung Quốc hút hàng đang đẩy giá sầu riêng lên cao chót vót.

Chợ Tết qua rồi, điểm lại trái cây có loại trúng chợ, bán được giá như bưởi ngon da xanh, năm roi, xoài; Hòa Lộc, Cát Chu… Dân nhà vườn nói đó là do ít hàng ra chợ nên giá tốt, còn một vài loại như quýt bị dội chợ; chuối, mận, ổi, cam sành… chờ mãi tới chợ sau Tết vẫn ế.

Tuy vậy, dân buôn bán hàng bông (cách gọi mua bán mặt hàng rau, củ, quả) chạy chợ nội địa cho rằng: Nếu chỉ nhìn sức mua chợ Tết sẽ khó đánh giá đầy đủ về thị trường tiêu thụ trái cây. Hàng trái cây ở miền Tây đa dạng, phong phú. Một khi ngành công nghiệp chế biến rau quả chưa nhiều, mùa trái chín đi từ đầu vụ đến chín rộ, cuối mùa chủ yếu bán tươi, giá cả lên xuống khác nhau như một chu kỳ hình sin thường kỳ.

Sầu riêng Phong Điền bán ra phố chợ Cần Thơ Ảnh Hữu Đức

Sầu riêng Phong Điền bán ra phố chợ Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

Ngày nay, muốn tránh yếu điểm này, kỹ thuật và tay nghề nhà vườn có thể xử lý làm cây ra hoa, cho trái nghịch vụ, rải vụ để bán được giá cao, chủ yếu nhắm vào một số giống trái ngon, thời gian bảo quản tươi dài ngày, vận chuyển đi chợ xa và nhất là được thị trường tiêu thụ tương đối ổn định.

Còn lại, một số trái tươi khó bảo quản chủ yếu bán chợ nội vùng, giá trị không cao. Nhóm mặt hàng trái cây loại này diện tích trồng nhỏ lẻ, phân tán, sản lượng không lớn như: Mận, ổi, sa pô chê, quýt… Đầu năm nay vẫn vậy, tới mùa trái chín rộ lại dội chợ, rớt giá, có loại thu hái tại vườn bán chỉ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Nhiều nhà vườn còn nhớ một thời sau sự nổi lên của cây nhãn, phong trào trồng cam sành "lên hương", bán trái giá tốt thấy ham. Có xã ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nhiều nhà vườn thu hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ…, xây được nhà tường mái ngói bề thế, giàu lên cả xóm. Cơn sốt kéo theo một số địa phương nông dân đưa cam trồng như rau để cùng đi tới gánh nỗi buồn lo. Hiện thời hệ quả đã thấy, chuyện thời sự vừa qua cam sành ở Tam Bình (Vĩnh Long) bán rẻ bọt bèo. Trong mấy ngày qua, có thương lái miệt vườn ở Thới Lai, TP Cần Thơ gọi điện người thân quen “giải cứu” cam sành trái to, ngon, ngọt… chở tới nơi bán chỉ có 7 ngàn đồng/kg.

Hiện nay ở các tỉnh Miền Tây, xoài, vú sữa đã vào cuối mùa, nối vụ sắp tới là măng cụt, sầu riêng. Sau tiết trời se lạnh tháng Giêng chừng hơn chục ngày, trời nắng gắt như phả làn gió nóng phủ khắp các vườn sầu riêng. Nhà vườn trồng sầu riêng càng thêm sốt ruột khi hay tin từ đầu năm cánh cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc mở ra. Giới thương lái và một số doanh nghiệp tư nhân cung hàng trái cây ở các tỉnh phía Nam đã sốt sắng nhập cuộc. Một số công ty về khảo sát vùng trồng đặt hàng, tìm HTX ký kết, hứa hẹn tiêu thụ.

Hiện phần lớn vườn sầu riêng chính vụ ở Hậu Giang, TP Cần Thơ mới ra hoa, thụ phấn, ước chừng non 100 ngày nữa mới tới lứa chín rộ. Hiện đã có một số nhà vườn trồng sầu riêng trái vụ thu đợt trái chín, bán được giá cao, lãi như trúng số.

Một thương lái về miệt vườn Phong Điền (Cần Thơ) thu gom sầu riêng xuất đi Trung Quốc cập nhật giá thu mua mới nhất ngày 23/2: Sầu riêng Thái (từ 7 đến 8 tuổi) loại A giá 140 ngàn đồng/kg, cỡ trái từ 2 đến 5,5kg/trái (trái 2,7 hộc trở lên); loại B giá 120 ngàn đồng/kg, cỡ trái từ 1,8 đến 6 kg/trái, (trái 2,5 hộc trở lên). Sầu riêng Ri6, loại A giá 110 ngàn đồng/kg, cỡ trái 1,8 - 5kg/trái (trái 2,7 hộc trở lên); loại B giá 90 ngàn đồng/kg, cỡ trái 1,6 - 5,5kg/trái (trái 2,5 hộc trở lên).

Trái cây bán lẻ theo đường quốc lộ về Miền Tây Ảnh Hữu Đức

Trái cây bán lẻ trên quốc lộ về Miền Tây. Ảnh: Hữu Đức.

Mặc dù giá sầu riêng hiện đang "sốt xình xịch", tuy nhiên dân thương lái thu mua sầu riêng ở ĐBSCL cho rằng, giá cả sầu riêng lên xuống, biến động liên hồi là chuyện rất bình thường. Hàng xuất khẩu cần đóng đủ container nhà vựa sẽ mua giá tốt. Đơn cử như sầu riêng Ri6 ngày 23/2 giá cao hơn ngày 17/2, tăng lên 5 ngàn đồng/kg. Nhưng bây giờ giá trái mùa nghịch, trái đầu vụ sẽ khác đi so với vào mùa chính vụ.

Suy cho cùng, giá cả trái cây lên xuống, mùa trúng - mùa thất… là theo thị trường. Hơn nữa, dù nhà vườn thời nay nhạy bén theo dõi thị trường qua nhiều kênh thông tin, nhưng một khi tiếp nhận thông tin chưa đầy đủ, thiếu chính xác cũng dễ dẫn tới dự đoán sai lệch, khác biệt. Nhất là trong tình hình mặt hàng sầu riêng sốt nóng đang cạnh tranh ráo riết giữa một số nước có vùng trồng, nguồn cung lớn cả về số lượng và chất lượng.

Tháng 10/2022, Bộ NN-PTNT phê duyệt quyết định phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 - 2030. Trong đó có 14 loại cây có kim ngạch xuất khẩu cao được chọn để tập trung phát triển. Theo đó, đến năm 2025, cả nước có 1,2 triệu ha cây ăn quả, sản lượng trên 14 triệu tấn. Riêng cây ăn quả chủ lực 960.000ha, sản lượng 11 - 12 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu cây ăn quả đạt trên 5 tỷ USD.

Đến năm 2030, cả nước có 1,3 triệu ha cây ăn quả, sản lượng trên 16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD. Đối với mỗi loại cây ăn quả chủ lực, sẽ xác định rõ quy mô vùng sản xuất tập trung có mã số vùng trồng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm