| Hotline: 0983.970.780

Buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm giảm mạnh ở biên giới

Thứ Ba 14/11/2023 , 06:17 (GMT+7)

Cơ quan Quản lý Thị trường Lạng Sơn cho biết tình hình buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm giảm mạnh sau khi các lực lượng chức năng tăng cường ngăn chặn.

Công chức Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 3 và lực lượng phối hợp đang kiểm đếm gia cầm giống nhập lậu từ Trung Quốc về qua huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn.

Công chức Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 3 và lực lượng phối hợp đang kiểm đếm gia cầm giống nhập lậu từ Trung Quốc về qua huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn.

Buôn lậu gia cầm giảm mạnh

Theo ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) Lạng Sơn, từ ngày 4/10/2023 đến nay, tình trạng kinh doanh, vận chuyển trái phép gia cầm giống, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được kiểm soát, hoạt động vận chuyển gia cầm từ bên kia biên giới vào nội địa đã giảm rõ rệt (từ ngày 4/10 đến 31/10 chỉ phát sinh 3 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh, vận chuyển nhỏ lẻ trái phép gia cầm giống).

Ông Ngọc cho biết, một ngày sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài phản ánh về tình trạng nhập lậu gia cầm giống tại khu vực biên giới xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng và UBND các huyện biên giới để quyết liệt triển khai và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh vào hôm 3/10.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu, đã chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng và UBND các huyện biên giới để quyết liệt triển khai và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Theo đó, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, nhất là địa bàn huyện Lộc Bình và các huyện dọc tuyến quốc lộ 4B, quốc lộ 1A đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống nhập lậu gia cầm. Việc ngăn chặn này khiến tình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm từ gia cầm giảm mạnh.

Theo Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, từ đầu tháng 7/2023 đến cuối tháng 9/2023, xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới, chủ yếu là khu vực biên giới huyện Lộc Bình.

Thủ đoạn hoạt động là lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng khu vực biên giới để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã Tú Mịch, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, sau đó vận chuyển bằng xe máy từ các thôn bản khu vực biên giới về khu vực dọc quốc lộ 4B để đưa lên xe ô tô tải nhỏ theo các tỉnh lộ, quốc lộ 1A về các tỉnh nội địa tiêu thụ.

Các đối tượng vận chuyển bằng xe máy, xe ô tô rất manh động như cắt cử người theo dõi lực lượng chức năng, điều khiển phương tiện giao thông luồn lách, chạy xe tốc độ cao nhằm trốn tránh lực lượng chức năng, thậm chí có đối tượng còn rất manh động đâm xe vào các lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ, gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại các cuộc họp sơ kết, tổng kết, các cuộc kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã lồng ghép chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Ngày 9/10, dựa trên phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam và qua công tác nắm tình hình, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức đoàn công tác tiến hành xác minh, kiểm tra tình hình kinh doanh, vận chuyển gia cầm nhập lậu trên địa bàn các xã Yên Khoái, xã Tú Mịch, làm việc với các đơn vị chức năng và lãnh đạo UBND huyện Lộc Bình.

Đêm 4/10, rạng sáng 5/10, Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình tổ chức kiểm tra công tác chống buôn lậu tại khu vực các mốc biên giới; các lực lượng chức năng đã tăng cường lực lượng, cụ thể: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã tăng cường 20 cán bộ, chiến sỹ từ các đơn vị về Đồn biên phòng Chi Ma để bổ sung lực lượng chốt trực tại các lán, tổ chức tuần tra thường xuyên trên địa bàn, lực lượng Hải quan đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong phạm vi địa bàn hải quan, lực lượng Quản lý thị trường, lực lượng Công an huyện tăng cường phương tiện, nhân lực ngăn chặn gia cầm nhập lậu trên các tuyến đường từ biên giới vào nội địa.

Do đó, từ ngày 4/10/2023 đến hết ngày 31/10/2023, tình hình vận chuyển gia cầm qua biên giới đã giảm rõ rệt so với những ngày cuối tháng 9/2023.

Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy gia cầm giống nhập lậu qua khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn.

Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy gia cầm giống nhập lậu qua khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn.

Xử lý hơn 30 vụ buôn lậu gia cầm

Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch, tăng cường lực lượng, phương tiện triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tình trạng nhập lậu gia cầm giống, trọng tâm tại khu vực biên giới xã Yên Khoái, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, các tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa.

Số liệu thống kê từ ngày 4/10/2023 đến ngày 31/10/2023, các lực lượng chức năng chỉ phát hiện, kiểm tra, xử lý 3 vụ việc (Cục QLTT 1 vụ ngày 5/10/2023; Cục Hải quan 2 vụ ngày 4/10/2023 và 26/10/2023) vi phạm liên quan đến kinh doanh, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính 3.065 con gia cầm giống; như vậy, tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới đã giảm nhiều so với giai đoạn trước ngày 4/10/2023.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý tổng cộng 33 vụ việc vi phạm liên quan đến kinh doanh, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm; xử phạt vi phạm hành chính trên 340 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính, gồm: 103.065 con gà vịt giống, 8.532kg sản phẩm từ gia cầm các loại (1.732kg chân gà, 270kg đùi gà bảo quản đông lạnh, 4.000kg vịt thịt nguyên con đã qua giết mổ bảo quản đông lạnh, 2.530 chân gà đóng túi hút chân không…).

Cơ quan QLTT tỉnh Lạng Sơn dự báo hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nội địa thường diễn biến phức tạp theo mùa vụ chăn nuôi, nhất là dịp 2-3 tháng trước và 2-3 tháng sau Tết Nguyên đán hàng năm. Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này, Cơ quan Thường trực đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về chống buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới nhằm hạn chế tối đa phát sinh hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, không để hình thành các đường dây, tụ điểm buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới và các đối tượng khác có liên quan về tác hại, hậu quả của buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới đến sản xuất và sức khỏe con người; tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm của các ngành trong thực hiện nhiệm vụ chống buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Xem thêm
Bị giật dây chuyền khi đi tập thể dục buổi sớm

Công an huyện Lương Sơn vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Điền (Nhuận Trạch, Lương Sơn, Hòa Bình) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm