| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, phòng dịch tả Châu Phi

Thứ Năm 24/10/2024 , 10:06 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều ổ dịch tại nhiều địa bàn của tỉnh Đắk Nông. Ngành chức năng đã tiêu hủy gần 400 con heo bệnh.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 6/8 huyện của tỉnh Đắk Nông, gồm Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Glong. Tổng số heo bị tiêu huỷ gần 400 con, với trọng lượng khoảng 7.795kg.

 

Ngành chức năng tiêu huỷ heo mắc bệnh DTLCP. Ảnh: Phúc Lập.

Ngành chức năng tiêu huỷ heo mắc bệnh DTLCP. Ảnh: Phúc Lập.

Thông tin từ Sở NN-PTNT  Đắk Nông, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận một số ổ DTLCP tại một số huyện. Nguyên nhân đến từ các hộ chăn nuôi nhỏ, quy mô nông hộ, không áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, mua lợn giống không rõ nguồn gốc và một số phương tiện vận tải hành khách chở lợn giống từ các tỉnh miền Trung nhập vào địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP trên địa bàn. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để nhanh chóng xử lý các ổ dịch, triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, không để dịch lây lan diện rộng. 

Tập trung kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển lợn, đặc biệt là mua bán, vận chuyển lợn giống ra vào địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp mua bán lợn giống không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bị bệnh; chấn chỉnh việc nhập gia súc vào cơ sở giết mổ; thực hiện ghi chép đầy đủ thông tin, số lượng gia súc, gia cầm nhập vào để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc.

Tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo định kỳ là một biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả cho đàn heo. Ảnh: Phúc Lập.

Tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo định kỳ là một biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả cho đàn heo. Ảnh: Phúc Lập.

Tiến hành điều tra, truy xuất, làm rõ nguồn gốc ổ dịch bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn. Đối với các trường hợp dịch bệnh xảy ra do người chăn nuôi mua bán lợn trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ không tổng hợp và đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, nguồn gốc con giống rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y nơi xuất phát, tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, không sử dụng thức ăn dư thừa, chưa qua xử lý nhiệt; khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi (DTLCP, dịch tả cổ điển, phó thương hàn, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng). 

Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật và các văn bản hiện hành; kịp thời đề xuất các giải pháp để công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đạt hiệu quả.

Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh (trực 24/24h tại điểm kiểm dịch động vật cầu 14 xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút và điểm kiểm dịch động vật Cai Chanh, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp). Tuyệt đối không cho vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có kết quả xét nghiệm đối với bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh.

Kiểm soát chặt nguồn gia súc vận chuyển từ các địa phương khác vào tỉnh nhằm ngăn chặn dịch. Ảnh: Phúc Lập

Kiểm soát chặt nguồn gia súc vận chuyển từ các địa phương khác vào tỉnh nhằm ngăn chặn dịch. Ảnh: Phúc Lập

Lực lượng thanh tra ngành nông nghiệp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là mua bán vận chuyển lợn giống, lợn nuôi thương phẩm qua hình thức bán rong không đúng quy định; các trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn giống nghi mắc bệnh, lợn bệnh, lợn chết và sản phẩm từ lợn chết trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh tăng cường kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách để phát hiện các trường hợp chở động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Xử lý nghiêm các trường hợp xe khách liên tỉnh vận chuyển lợn giống, lợn nuôi thương phẩm vào địa bàn tỉnh nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Tăng cường điều tra, nắm bắt thông tin; phối hợp với Sở NN- PTNT xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ không đúng quy định.

Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kiểm tra vận chuyển, buôn bán trái phép lợn giống, lợn nuôi thương phẩm, sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực chia sẻ thông tin, dữ liệu với cơ quan thú y các cấp theo quy định.

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Đắk Nông, nhờ công tác bám sát địa bàn, cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan DTLCP diện rộng. Cụ thể, tại xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức, khi phát hiện người dân mang 196 con heo giống từ nơi khác về, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện toàn bộ số heo này đều mắc bệnh DTLCP, nên kịp thời tiêu hủy trước khi số heo giống này xâm nhập vào môi trường chăn nuôi trên địa bàn.

 

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

2.300ha lúa nhiễm bệnh do thời tiết bất lợi

Vĩnh Long Thời tiết lạnh về đêm và sương mù sáng sớm, tạo điều cho sâu bệnh và thiên địch gây hại phát triển tấn công 2.300ha lúa đông xuân, tăng 46ha so với tuần trước.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.