| Hotline: 0983.970.780

Số 0 tròn trịa

Thứ Ba 28/05/2013 , 10:37 (GMT+7)

Mấy năm nay, trong tình cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm liên tục hoành hành trên cả nước thì Viện Thú y - đơn vị có vai trò nghiên cứu khoa học hàng đầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi của nước ta lại gần như “mất hút”. Vì sao vậy?

Mấy năm nay, trong tình cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm liên tục hoành hành trên cả nước thì Viện Thú y - đơn vị có vai trò nghiên cứu khoa học hàng đầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi của nước ta lại gần như “mất hút”. Vì sao vậy?

Chẳng hiểu lãnh đạo Viện Thú y bận tới cỡ nào, thế nhưng phải đăng ký đặt lịch và chờ đợi suốt hơn hai tuần lễ, PV mới được lãnh đạo Viện này ủy quyền cho ông Chu Văn Thanh - Trưởng phòng Khoa học tiếp xúc làm việc. Với mong muốn có thông tin về những nghiên cứu phục vụ công tác phòng chống hai dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm nhất hiện nay là dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm (CGC), chúng tôi càng thất vọng hơn khi thông tin của vị Trưởng phòng Khoa học cho thấy trong suốt 5 năm gần đây, việc nghiên cứu về hai dịch bệnh nguy hiểm trên ở Viện Thú y dường như chỉ là con số 0 tròn trịa!

Báo cáo rà soát của Phòng Khoa học (Viện Thú y) cho thấy, nếu lật lại giai đoạn trước năm 2008, trong bối cảnh dịch CGC lẫn dịch tai xanh càn quét dữ dội khắp cả nước, Viện Thú y cũng đã từng có một số đề tài nghiên cứu về bệnh CGC tiêu tốn không ít tiền.


Những thiết bị giải trình tự gen trị giá tiền tỉ như thế này thường xuyên nằm “đắp chiếu”, chẳng mấy khi dùng tới ở Viện Thú yc

Cụ thể, đề tài cấp Nhà nước thứ nhất có tên “Nghiên cứu SX vacxin tái tổ hợp phòng bệnh CGC bằng kỹ thuật biểu hiện gen mã hóa của virus cúm trong nấm men”. Đề tài này có kinh phí tới hơn 2 tỉ đồng, với hi vọng cho ra đời một loại vacxin hiệu quả như “bức tường thép” phòng bệnh CGC đang lan rộng ở nước ta lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khi mà kết quả của công trình nghiên cứu chưa tới đâu thì vào năm 2008, cùng với “lùm xùm” quanh những tiêu cực của lãnh đạo Viện Thú y, đề tài đã phải tạm ngừng và buộc phải chuyển cho Viện Công nghệ Sinh học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp quản. Kết quả của nó sau đó ra sao, không ai còn để tâm tới nữa. Bằng chứng là từ đó tới nay, Việt Nam vẫn phải liên tục nhờ cậy vào nguồn vacxin CGC NK từ Trung Quốc, mỗi năm tốn hàng chục tỉ đồng để phục vụ phòng chống dịch.

Cùng với sự “chết yểu” của đề tài vacxin CGC, một đề tài cấp Bộ khác được tiến hành trước năm 2008, có kinh phí tới 2,6 tỉ đồng do Viện Thú y nghiên cứu về giám sát dịch tễ đối với CGC của nước ta cũng đã phải kết thúc vào năm 2008. Kết quả ứng dụng trong việc giám sát, dự báo dịch bệnh của đề tài đó cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Theo dõi tình hình dịch CGC và dịch tai xanh suốt từ 2008 đến nay, gần như năm nào hai dịch bệnh nguy hiểm này cũng thay phiên nhau bùng lên dữ dội, virus (đặc biệt là virus CGC) liên tục biến chủng, phân bố lưu hành ngày càng phức tạp. Trong lúc cả vacxin CGC và vacxin tai xanh, nước ta liên tục phải NK gần như 100% thì suốt 5 năm qua, Viện Thú y - đơn vị khoa học hàng đầu về thú y của cả nước đã làm gì trong việc nghiên cứu SX vacxin phòng bệnh? Câu trả lời là... không làm gì!


Suốt 5 năm gần đây, Viện Thú y không có lấy một nghiên cứu nào liên quan trực tiếp đến các dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm

Báo cáo của Viện Thú y cho thấy từ năm 2008 đến nay, Viện này không có bất kỳ đề tài hay công trình nghiên cứu nào liên quan trực tiếp đến virus CGC lẫn virus tai xanh, cũng như vacxin phòng bệnh hay công tác điều tra, giám sát dịch tễ... đối với cả hai loại dịch này. Duy nhất, chỉ có một đề tài liên quan đến dịch tai xanh, đó là “Nghiên cứu mối liên quan giữa hội chứng PRRS ở lợn với một số vi khuẩn gây bệnh kế phát và xác định một số biện pháp phòng trị bệnh”. Theo ông Chu Văn Thanh, vai trò và ý nghĩa đề tài nghiên cứu này là khá quan trọng, gồm việc phát hiện ra các vi trùng kế phát của bệnh tai xanh; phát hiện ra các kháng sinh điều trị vi trùng đó cũng như các vi trùng kháng kháng sinh...? Với kinh phí khoảng 600 triệu đồng, đề tài được giao hoàn thành trong giai đoạn 2007 - 2010. Oái oăm là đến nay, dù thời hạn đã quá gần 3 năm, nhưng đề tài vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn I (giai đoạn nghiên cứu). Còn việc thử nghiệm, tiến tới chuyển giao phổ biến kết quả nghiên cứu ra sao trên thực tế chẳng biết bao giờ mới có thể thành hiện thực.

Liên quan đến dịch CGC và dịch tai xanh, được biết ngoài đề tài nghiên cứu duy nhất vừa nêu, Viện Thú y còn được Bộ NN-PTNT giao thực hiện một số nhiệm vụ về dự báo dịch bệnh, an toàn sinh học trong việc tìm hiểu các nhóm yếu tố, các nhóm nguy cơ để nhận định dự báo về tình hình diễn biến dịch, kinh phí mỗi năm không hề nhỏ. Tuy nhiên đến nay, kết quả của công tác này cũng chưa “ra tấm ra món” gì, mà mới chỉ dừng lại ở việc... "đang rà soát, đánh giá”!

Năm 2013, trong tổng số 13 đề tài nghiên cứu mà Viện Thú y đang thực hiện, đa số chỉ là các đề tài liên quan đến lĩnh vực vi trùng, ATVSTP và cả môi trường. Trong khi đó, lĩnh vực virus vốn là lĩnh vực khó và quan trọng lại chỉ có 2 đề tài nghiên cứu (kinh phí tổng cộng 1,2 tỉ đồng). Đáng tiếc là cả 2 đề tài này đều không liên quan gì tới hai dịch bệnh nguy hiểm là tai xanh và CGC (một đề tài nghiên cứu liên quan đến bệnh dịch tả lợn, đề tài còn lại nghiên cứu về virus dịch tả gà - Newcastle).

Khó "gột nên hồ"!

Theo số liệu của Viện Thú y, tổng số cán bộ, nhân viên, bao gồm cả các phân viện, xí nghiệp, trung tâm trực thuộc Viện hiện nay lên tới khoảng 500 người.

Theo tìm hiểu của PV, số lượng nhân sự này tương đương với số lượng cán bộ của một số đơn vị Cục - Vụ lớn cỡ nhất nhì Bộ NN-PTNT. Trong đó, riêng cơ quan chính của Viện Thú y đóng tại Hà Nội hiện có tới hơn 100 cán bộ. Chỉ tính riêng kinh phí Nhà nước phục vụ cho các đề tài, công trình nghiên cứu của cơ quan chính tại Hà Nội, mỗi năm Viện Thú y tiêu tốn ít nhất khoảng 5 tỉ đồng (chưa kể tiền lương).

Điều đáng nói là ở bộ môn Virus của Viện, vốn là bộ môn quan trọng nhất trong công tác nghiên cứu phục vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiện nay, cơ cấu nhân sự lại hết sức èo uột. Cụ thể, bộ môn này hiện chỉ có 6 cán bộ. Trong số 2 cán bộ có trình độ tiến sỹ ở bộ môn này, chỉ có một tiến sỹ chuyên ngành về virus thực sự, tiến sỹ còn lại có chuyên ngành công nghệ sinh học. Trong 4 cán bộ còn lại, một người hiện là nghiên cứu sinh, chưa có nghiên cứu về virus; 1 bác sỹ thú y; 2 kỹ thuật viên. Nhiều ý kiến trong ngành chăn nuôi - thú y cho rằng, nhìn vào đội ngũ nhân sự như vậy, thật khó để Viện Thú y “gột nên hồ” trước những nhiệm vụ hóc búa phục vụ nghiên cứu về các virus nguy hiểm ở nước ta như CGC, tai xanh hay LMLM.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất