| Hotline: 0983.970.780

Sở ngành can ngăn, UBND tỉnh Hải Dương cố ý làm trái

Thứ Tư 08/01/2020 , 09:54 (GMT+7)

Qua văn bản trả lời của Sở GT-VT tỉnh Hải Dương, có thể thấy từ lâu các sở, ngành, địa phương đều mệt mỏi với những chỉ đạo trái pháp luật từ UBND tỉnh.

Cảng  Phú Thái đang hoạt động ổn định.

Do UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Thế Anh không phù hợp với quy hoạch cảng Thủy nội địa đã được phê duyệt nên Sở GT-VT Hải Dương cùng UBND huyện Kim Thành, UBND thị trấn Phú Thái, UBND xã Kim Lương đã phải họp rất nhiều lần cùng Cục Đường thủy Nội địa (trước đây là Cục Đường sông) để xin điều chỉnh vùng nước của cảng Thủy nội địa Phú Thái nhưng không được chấp thuận.

Mặc dù trước đó, để dọn đường cho nội dung này, ngày 18/1/2010, Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đã có công văn số 35 cho rằng Sở NN-PTNT không có thỏa thuận nào để Cục Đường thủy nội địa ra Quyết định 211 về việc công bố cảng Thủy nội địa Phú Thái, và việc xây dựng cảng ở khu vực trên  khi chưa có QĐ cho phép của UBND tỉnh Hải Dương là vi phạm pháp luật Đê điều.

Ngày 4/10/2010, UBND tỉnh Hải Dương cũng có công văn đề nghị xem xét lại hồ sơ xin lập công bố cảng Thủy nội địa Phú Thái với lý do “Tờ trình đầu tư xây dựng cảng, chủ đầu tư đề nghị chiều dài dọc sông xây dựng cảng không phù hợp với phạm vi đất được giao trong giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, Cục Đường thủy Nội địa đã rắn rỏi bác bỏ mọi lý do mà UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đưa ra, vì chính Quyết định 648/2003 của UBND huyện Kim Thành và QĐ 162/2004 của UBND tỉnh Hải Dương đều đã ghi rõ diện tích cho thuê đất giao đất của cảng Phú Thái.

Trong quá trình thẩm định dự án, thỏa thuận đê điều là điều kiện bắt buộc phải có. Để tỉnh Hải Dương ra QĐ 162/2004 thì Sở NN-PTNT đã phải có Tờ trình 29 tham mưu cho UBND tỉnh do Phó GĐ Bùi Đình Hoan kí.

Cục Đường thủy Nội địa không có trách nhiệm phải xin ý kiến thỏa thuận với cơ quan chức năng quản lý đê điều tại địa phương nên ý kiến của Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương là không đúng.

Khiếu nại, rồi xin điều chỉnh vùng nước cảng đều không được, UBND tỉnh Hải Dương tỏ ý bất chấp pháp luật, liên tục thúc ép các sở, ngành, địa phương tổ chức bàn giao đất cho Cty Thế Anh thực hiện dự án mà bỏ qua quy hoạch. Lúc này hầu hết các sở, ngành, địa phương đều bị đặt vào tình thế “đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Nếu thuận theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh thì trái với pháp luật, còn không theo lại bị quy thành chống đối dự án giống ông Lê Văn Minh, nguyên Chủ tịch thị trấn Phú Thái.

Do vậy, mỗi khi những văn bản chỉ đạo, đốc thúc dự án của lãnh đạo tỉnh trát xuống, các sở, ngành, địa phương cũng lại văn bản gửi cho nhau với nội dung chung chung lựa theo ý của tỉnh. Riêng Sở GT-VT Hải Dương sau một thời gian dài chung chiêng cùng lãnh đạo tỉnh cũng đã cảm thấy mệt mỏi và lên tiếng “can ngăn”.

Cụ thể: Ngày 9/1/2017, tỉnh Hải Dương có công văn số 41 yêu cầu Sở GT-VT có ý kiến tham mưu giải quyết kiến nghị của Cty Thế Anh. Sở này đã tổ chức họp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ngành đường thủy về việc điều chỉnh vùng nước cảng Thủy nội địa Phú Thái. Báo cáo của Sở GT-VT gửi UBND tỉnh Hải Dương cho thấy tại cuộc họp các cấp chính quyền địa phương từ UBND huyện Kim Thành, UBND thị trấn Phú Thái, UBND xã Kim Lương đều đề nghị không điều chỉnh vùng nước của cảng Phú Thái và đề nghị tỉnh nên tạo điều kiện cho Cty Thế Anh hoạt động tại một vị trí khác.

Về chuyên môn, Sở GT-VT cũng cho rằng nếu điều chỉnh vùng nước trước cảng hẹp lại sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các phương tiện thủy cỡ lớn khi ra vào cảng.

Ý kiến của Sở GT-VT đã rõ ràng như vậy nhưng lãnh đạo UBND tỉnh cố tình không lắng nghe, tiếp tục gửi công văn số 152 ngày 18/9/2017 yêu cầu tham mưu điều chỉnh vùng nước cảng thủy Phú Thái. Trả lời lãnh đạo tỉnh, ông Lê Đình Long - GĐ Sở GT-VT không chỉ nhắc lại ý kiến đề nghị không điều chỉnh vùng nước trước cảng mà còn trích dẫn quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa yêu cầu cảng Phú Thái phải có “vùng nước neo đậu, quay trở”.

Qua văn bản trả lời của Sở GT-VT tỉnh Hải Dương, có thể thấy từ lâu các sở, ngành, địa phương đều mệt mỏi với những chỉ đạo trái pháp luật từ UBND tỉnh và muốn di chuyển dự án của Cty Thế Anh đi nơi khác. Vậy nhưng, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương không cần quan tâm. Điều duy nhất mà lãnh đạo tỉnh này muốn là hỗ trợ Cty Thế Anh thực hiện bằng được dự án, cho dù có phải vi phạm pháp luật.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.