Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, là địa phương có thế mạnh kinh tế nông nghiệp. Với nhiều sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng như hành tím Vĩnh Châu, gạo thơm ST25. Trong đó, thương hiệu Gạo ST25 được thị trường rất ưa chuộng và 2 lần đoạt giải gạo ngon nhất thế giới.
Năm 2023, tổng sản lượng lúa của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, cho kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 450 triệu USD.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, mặc dù bối cảnh kinh tế nói chung gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt mốc 925 triệu USD, xuất khẩu gạo là 450 triệu USD. Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh cũng đã được xuất sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh thế mạnh nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng cũng hội tụ nhiều lợi thế lớn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển với 72km bờ biển. Nhất là cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, phát triển điện gió ngoài khơi và du lịch.
Đặc biệt, cảng biển nước sâu Trần Đề cùng với các tuyến cao tốc đường bộ, cầu Đại Ngãi… đang trong quá trình xây dựng. Tương lai sẽ hình thành một mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông, thủy sản.
Theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương sẽ trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL. Đồng thời là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển Trần Đề.
Tại buổi gặp gỡ lần này, đại diện các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh và thế mạnh của từng doanh nghiệp. Qua đó, tìm hiểu và mở rộng các lĩnh vực tiềm năng hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh cảm kích trước sự đón tiếp chân tình của lãnh đạo và cộng đồng các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Ông Tường chia sẻ, gạo ST25 của tỉnh Sóc Trăng đã được trưng bày tại trụ sở Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh và được sử dụng hàng ngày.
Thời gian tới, ông mong muốn doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có cơ hội tiếp xúc, hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng để thúc đẩy thương mại, du lịch. Ông Tường đánh giá, Sóc Trăng là môi trường đầu tư tiềm năng để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đến tìm hiểu, cùng phát triển.
Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tin tưởng, sau sự kiện, địa phương sẽ đón nhận những dự án tốt từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh sẽ luôn là cầu nối tin cậy giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh và cơ quan chức năng khi đến Sóc Trăng. Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Sóc Trăng đã, đang và sẽ là địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài.
Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch và phát triển 10 khu công nghiệp với diện tích gần 5.000 ha và 18 cụm công nghiệp tổng diện tích khoảng 1.000 ha.
Địa phương đang ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ hay sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư ngành nghề dịch vụ, thương mại chất lượng cao kết hợp với du lịch nhằm đồng bộ: du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí.