Đồng lúa xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương
Sơn Dương hội đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển công, nông, lâm, ngư nghiệp. Trên núi cao có nhiều tài nguyên khoáng sản quý, như thiếc, chì, kẽm, volfam, barit, đá, sỏi, cát, sét nung... Dưới thung lũng có sông Lô chảy qua, thuận tiện giao thông đường thủy và nguồn nước trồng cấy cây lương thực.
Ngoài ra, đồng bào các dân tộc Sơn Dương rất chăm chỉ phát triển nghề trồng rừng, luôn duy trì hơn 20 nghìn ha cây rừng lấy gỗ, còn rừng trồng thường xuyên chiếm hơn 54,5% diện tích tự nhiên, cùng với hàng loạt các loại cây công nghiệp như chè, mía, cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi bò hàng hóa...
Sức dân cùng với sự đoàn kết, thống nhất cao của đồng bào các dân tộc đã giúp Sơn Dương tạo nên phong trào xây dựng NTM rộng khắp. Nhờ đó, đến nay 100% đường liên xã, trục chính các xã được nhựa hóa; 80% đường nội thôn, liên thôn và 50% đường nội đồng được bê tông hóa...
Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, một trong những xã cán đích 19 tiêu chí sớm nhất tỉnh cho biết việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về lợi ích của việc xây dựng NTM được xã đặt lên hàng đầu, bởi khi người dân đã hưởng ứng thì khó mấy cũng có thể vượt qua.
Đồng thời phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tinh thần làm chủ thể thực sự của người dân - dân đóng góp, dân họp bàn, dân làm, dân kiểm tra, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ các cấp chính quyền đến người dân ở tận các thôn bản.
Xây dựng NTM, nhưng người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào vẫn giữ lại những ngôi nhà sàn truyền thống
Còn ông Phạm Ngọc Thảnh, Trưởng thôn Vĩnh Tân, một thôn điển hình xây dựng NTM ở xã Tân Trào cho biết, điểm nổi bật nhất ở thôn là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thôn có 109 hộ, cuối năm 2013, còn 10 hộ nghèo, đến nay không còn hộ nghèo nào. Đặc biệt, thôn đã thành lập HTX sản xuất và chế biến chè Vĩnh Tân, góp phần nâng cao thu nhập lên 25 - 30 triệu đồng/người/năm.
Sơn Dương có 32 xã và 1 thị trấn. Trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện gặp rất nhiều khó khăn, bởi tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, hầu hết các xã chỉ đạt từ 3 - 4 tiêu chí.
Tuy nhiên, Ðảng bộ huyện Sơn Dương đã tập trung chỉ đạo theo phương thức gắn chính sách với thực tiễn, phù hợp thực tế địa phương; khuyến khích người dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; lựa chọn các tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau…
Nhờ đó, Sơn Dương đã huy động được trên 1.280 tỷ đồng làm NTM, trong đó dân đóng góp trên 320 tỷ đồng; bê tông hóa được gần 940km đường nông thôn; kiên cố hóa 442km kênh mương. Nhiều trường, lớp học, nhà văn hóa được xây dựng theo hướng hiện đại và đồng bộ, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.
Ông Hoàng Việt Phương, Bí thư Huyện ủy: "Kinh nghiệm xây dựng NTM của Sơn Dương là nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc, thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị. Sơn Dương phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn NTM, để xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của miền đất vốn được mệnh danh là Thủ đô kháng chiến". |