Khóc cha mẹ thì ít, khóc sợ mất trâu thì nhiều
Luật tục với dân tộc Mông nhiều đời là thế! Người chết không được cho vào quan tài mà cáng đặt ngay giữa nhà, giết một con gà treo cạnh chân, mấy ngày liền vẫn nhét cơm, thức ăn vào miệng. Gà thối, người thối đã kinh vẫn không sợ bằng chuyện bản bắt mổ nhiều trâu để cúng. Thường ít nhất cũng phải tốn 3 con để chia cho những ai đụng tay vào giúp buổi hôm ấy trong khi người nhà có thể không được một miếng nào.
Bởi thế, ở các đám ma con cái khóc bố mẹ thì ít mà khóc vì sợ mất trâu thì nhiều. Không có trâu, họ phải đi vay rồi cày, cuốc thay trâu hùng hục cả chục năm thậm chí đến cuối đời có khi vẫn còn mang nợ. Quay trở lại chuyện đám ma bố ông Hờ A Cho ở bản Ta Đứng (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) hôm ấy, khi nghe thấy đám người trong bản nói thế ông giận sôi máu, bảo: “Muốn giàu phải bớt thủ tục đi! Nhà tôi chỉ có 1 con trâu, có mổ thì mổ không thì thôi!”. Thấy ông nói cứng cuối cùng họ đành chịu. Kể từ đó người Mông ở bản có đám ma không bị ép mổ trâu nữa, thời gian sau còn biết bỏ người chết vào quan tài.
Trong căn lều nương đơn sơ mặt ngoảnh ra hồ Nong La đẹp như một bức tranh thủy mặc, ông rủ rỉ kể trước đây người Mông thường di cư và hay trồng cây thuốc phiện để hút. Bố mẹ ông cũng từng nghiện suốt ngày nằm bẹp tai bên cái đèn bàn trong ngôi nhà tối tăm, quanh năm ám mùi khói. Là con cả ông phải lo cho đàn em 6 đứa trong đó có 1 tàn tật, khổ không biết kể đâu cho hết: “4 giờ sáng đã phải dậy nấu ăn rồi lên nương đến khi trời tối, con kiến đốt chân không nhìn thấy loại kiến gì thì mới về. Gạo không có để ăn phải vào rừng kiếm củ mài, củ nâu, đào sâu 1-2 m mới thấy. Tiền không có để mua dép, mua mũ, mua đài nên chẳng dám đi đâu chơi”.
Sau những cơn say thuốc triền miên, bố mẹ ông thỉnh thoảng cũng đi nương nhưng không phải để trồng ngô mà là trồng cây thuốc phiện. Mỗi năm số nhựa họ thu được cỡ 1,5-2kg, chẳng có thừa để bán bao giờ mà lại còn thiếu, phải mang lợn đi bán rồi mua đèn pin về đổi thêm thuốc phiện. Bố ông nghiện đến chết còn mẹ ông đến cuối đời cũng cai được nhưng lại chuyển sang nghiện rượu. Mỗi khi lên cơn bà lò dò đi khắp bản xin rượu uống, có lần say ngã gãy cả răng mà hôm sau vẫn lọ mọ đi tiếp.
Rời quê gốc ở xã Hang Chú huyện Bắc Yên gia đình ông như những cơn gió hoang, di cư đến nhiều vùng đất, chỗ nào cũng chỉ được một thời gian rồi lại đi, bàn chân mỏi nhưng chẳng biết phải dừng ở đâu nữa.
Giết được tôi thì còn có những người khác
Năm 1975 ông đi lính đến năm 1980 thì về làm trưởng một bản ở huyện Mai Sơn. Đói nghèo cộng thêm lạc hậu nên người Mông rất mê tín. Nhức đầu, sổ mũi, mổ lợn mời thầy. Đi ngoài phân lỏng, mổ lợn mời thầy. Ngủ mơ nhiều, mổ lợn mời thầy…Nhà ông có 3 con lợn nái, mỗi năm đẻ 2 lứa, được tổng cộng cỡ 40-50 con mà có khi không đủ để làm cúng. Thấy vậy, ông xin đi học y tá, trước tiên để chữa bệnh cho gia đình, sau đó cho bà con mà không lấy tiền nên dần dần không mấy nhà còn mổ lợn, mời thầy về nữa…
Người Mông lúc đầu còn không biết chặt tre vì lười, cán bộ vào bảo thu mua để bán cho người xuôi thì họ lý sự chặt gai cào vào mặt, chặt cây chọc vào bụng chết, ai đền? Tức mình ông Cho nói: “Tôi là người Mông, đi bộ đội tôi chặt tre còn giỏi hơn cả người Kinh mà mắt không sao, người chẳng có sẹo thì sao bà con lại không dám?”.
Di cư mãi rồi một ngày ông đến được bản Ta Đứng, đọc chệch đi của hai từ ta lứng nghĩa là con lửng tắm ở mó nước nhưng cũng có nghĩa là ta đứng chứ ta không đi đâu nữa vì ở đây có đất tốt rồi. Bản do ông thành lập, lúc đầu chỉ có vài hộ về sau lên tới 62 hộ, hầu hết là người Mông nên vẫn tiếp tục trồng cây thuốc phiện.
Thêm vào đó có giai đoạn cây này còn được Nhà nước khuyến khích trồng làm dược liệu để xuất khẩu nên phát triển rất mạnh, mãi về sau thấy bà con nghiện nhiều quá mới cấm đoán. Nhưng không trồng cây thuốc phiện thì người Mông biết lấy lương thực ở đâu? Nghĩ mãi rồi ông lên huyện xin gạo về đưa cho dân bản để họ không trồng thứ cây ma quỷ đó nữa. Mỗi lần phát 2-3 tấn, ròng rã suốt từ năm 1993-1996 thì tệ nạn này mới chấm dứt.
Nhưng bản vẫn còn có người buôn thuốc phiện, họ nhà mình ông còn nói được còn họ nhà khác thì khó: “Người ta muốn giàu mà không phải làm mà, đi tù mấy người nhưng họ vẫn không sợ. Tôi bảo đất ở đây màu mỡ, anh em nghe tôi không thiếu gì cách làm kinh tế đâu. Phạm pháp kể cả bằng một sợi tóc cũng không được bước qua!”. Bị ngáng đường làm ăn, một số kẻ tìm cách trả thù. Biết chuyện, giữa cuộc họp, ông phanh ngực ra mà tuyên bố: “Có trả thù giết được tôi thì còn có Nhà nước bên cạnh. Không có tôi làm cán bộ thì còn có người khác. Không giết được hết đâu!”...
Đến khi vận động thu súng cán bộ cũng phải nhờ đến ông nói hộ: “Thú rừng giờ đã không còn, có cầm súng vào rừng cũng dễ bị bắn nhầm người mà thôi!”. Vậy là hầu hết đều nghe, đợt đầu thu được gần 30 khẩu trong đó có khẩu của chính nhà ông Cho nhưng vẫn còn mấy người lén lút giấu trên nương, trong rừng, lại phải kiên trì thuyết phục tiếp.
Chiếc chìa khóa vàng
Chỉ có đường độc đạo vào bản. Không có nghiện cũng không có trộm cắp nên bà con cứ việc để thịt treo, gạo thóc hay xoong nồi ngay tại lán nương cũng không ai lấy của ai. Ở lán của mình ông Cho viết: “Ai đi đường đói quá thì cứ lấy ăn nhưng sau đó phải báo cho tôi một câu là xong, nếu không báo mà lấy sẽ thành kẻ trộm, phạt một gấp mười”. Tục lệ đẹp đó duy trì được chừng 10 năm thì về sau dân đông lên, đường đi dễ, mất tiền, mất của cũng không biết ai lấy thành ra phải bỏ.
Năm 1992 ông Cho là người đầu tiên trồng nhãn ở xã Chiềng Sung với 1,7 ha rồi sau đó là 7.000m2 mận, 5.000m2 mơ. Trồng sớm quá nên lúc thu hoạch chẳng biết bán cho ai bởi không có đường ô tô vào, 10 năm sau thì phải phá bỏ. Ngã đâu, đứng dậy ở ngay chỗ đấy, mới đây ông lại đi đầu trong việc trồng 500 gốc xoài, 100 gốc bưởi, 200 gốc bơ rồi làm hệ thống tưới cho ngô ngọt để thâm canh được tới 3 vụ.
Ông vận động dân rằng: “Trong nhà không trồng được cây nhưng từ mái nhà nước rơi xuống, cây có thể mọc thì một tấc đất cũng là một tấc vàng. Khi tra ngô bà con phải nhốt gà lại 1-2 tháng, phải làm chuồng lợn để chúng không phá chuối, mía cho con cháu còn có cái mà ăn, trâu bò phải chăn chứ đừng thả rông nữa. Không có chuyện không làm mà lại có ăn đâu. Theo tà đạo không thờ ông bà mỗi tuần 1 lần đi sinh hoạt mất 1 buổi lao động thì cũng không thể làm giàu…”.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi thầy giáo Dương Văn Nam đến bản vận động mở lớp nhưng dân không nghe. Nhớ lại thời xưa mình đi lính, ra quân huyện đội muốn giữ lại cho đi học tiếp mà phải xin về bởi trong đầu không có chữ, ông họp bà con lại mà khuyên: “Nhà nào có con học giỏi chẳng khác gì có chìa khóa vàng, ăn mãi đến tóc bạc, răng rụng cũng không hết đâu”. Dân bản nhao nhao hỏi: “Chìa khóa vàng là thế nào?” Ông đáp: “Là khi trẻ làm cán bộ được Nhà nước trả lương, khi già có lương hưu, con cái không nuôi vẫn tự mình sống được”.
Rồi ông huy động dân chặt cây rừng dựng một lớp học mái tranh, một gian nhà vách nứa để cho thầy giáo ở rồi động viên: “Thầy Nam cứ ở đây chúng tôi nuôi, ốm đau sẽ có dân quân khiêng đi viện”. Thấy thầy sống một mình buồn quá nên về sau ông còn mời về ở trong nhà mình 7-8 năm, cơm nước phục vụ đầy đủ. Khi lớp trở lên chật hẹp, năm 2017 ông còn ủng hộ 2.500m2 đất để mở rộng, xây dựng thành điểm trường mẫu giáo, cấp I Ta Đứng mới.
Thấy xe qua lại đoạn dốc xuống hồ Nong La phải tăng bo 2 lần, tư thương vào trả giá nông sản bao giờ cũng rẻ hơn 500đ/kg, ông vận động dân làm đường nhưng họ trả lời: “Không có ô tô đi, có ít ngô chỉ cần chở bằng ngựa thôi, làm đường làm gì?”. Vậy là ông tự thuê máy xúc vào hạ độ cao, chở đất đá tạo nền, hiến thêm 540m2 đất qua nương, 350m2 đất qua nhà để mở rộng.
Khi tôi hỏi, đời ông chỉ biết cho, thế có bao giờ biết nhận? Ông trầm ngâm mà rằng: “Những việc tôi làm chỉ là chuyện nhỏ, chưa bằng các đồng đội đã hi sinh hay mất một phần xương máu ở chiến trường”.