Bỏ lợn, nuôi gà chuyên trứng
Trang trại chăn nuôi gia cầm của anh Hoàng Dũng ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) ở mãi cuối cánh đồng hoang vắng và rất xa khu dân cư. Để đến được trang trại này, sẽ phải men theo con đường hun hút ven sông, hai bên là những rặng cây xanh um tùm, ít người qua lại.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia chăn nuôi, đây lại là vị trí đắc địa, giúp cho trại gà của anh Dũng luôn mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, ít phát sinh dịch bệnh do điều kiện cách ly tốt, không gây ô nhiễm môi trường dân cư.
Anh Dũng kể, từng có 22 năm đi lao động xuất khẩu ở Đức. Vì không thể vĩnh viễn sống xa gia đình, anh đã quyết định trở về quê hương (năm 2014) và khởi nghề chăn nuôi ngay. Ban đầu, anh chọn nuôi lợn nái, lợn thịt. Nhờ có số vốn tích lũy sau mấy chục năm đi xuất khẩu lao động, anh đã mạnh dạn đầu tư đồng bộ hạ tầng chăn nuôi hiện đại và đạt được thành công ngay từ những lứa lợn nuôi đầu tiên.
Cứ nghĩ với đà chăn nuôi đó, chẳng mấy lúc sẽ đổi đời. Không ngờ chỉ sau vài năm, lợn rớt giá thê thảm gần 2 năm liên tục. Chăn nuôi chưa hồi phục thì dịch tả heo Châu Phi lại ập tới, kéo dài đến nay chưa dứt. Thế là bao vốn liếng có được từ chăn nuôi bấy lâu lại trở về "số mo”.
Dự báo trong tương lai gần cũng chưa thể có được vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi nên năm 2019, anh đã chuyển đổi toàn bộ trang trại lợn sang nuôi gia cầm. Kết quả hơn 2 năm đầu tư chăn nuôi 22.000 con gà đẻ, giá trứng lúc lên lúc xuống, lúc lỗ bù lúc lãi. Ví như 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các hộ chăn nuôi gà đẻ đều bị thâm vào vốn. Nhưng 3 tháng gần đây, lại có lãi cắt được lỗ vốn trước đó.
Bí kíp thụ tinh nhân tạo cho gà
Để có được lợi nhuận ổn định trong chăn nuôi gia cầm, anh Dũng đã quy hoạch trang trại chăn nuôi rất bài bản, có đủ hệ thống thông khí, sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng trang trại khi cần. Có trại gà nuôi chuyên cho "trứng trắng” (không thụ tinh) và trại gà nuôi chuyên cho trứng giống (có thụ tinh).
Các loại gà bố mẹ đều được nuôi nhốt trong các lồng chuồng theo từng tầng, từng dãy như nuôi chim bồ câu công nghiệp. Mỗi ô chuồng chỉ thả 3 - 4 gà trống hoặc mái. Anh cũng áp dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà (nếu khai thác trứng giống bán cho lò ấp nở). Con giống gồm bố lai gà Đông Tảo đầu dòng, mẹ Lương Phượng chọn lọc. Máng ăn, nước uống cho gà đảm bảo luôn sạch sẽ. Chuồng trại không có mùi xú uế.
Đáng chú ý, nhờ cơ cấu thích hợp đàn gà nuôi chuyên trứng giống và chuyên trứng thịt (trứng thương phẩm), anh Dũng đã giảm được tỷ lệ rủi ro thua lỗ khi giá trứng trên thị trường lên xuống bất thường.
Anh Dũng cho biết, chỉ bán trứng giống chứ không đưa vào ấp nở, là để chuyên môn hóa sản xuất theo hướng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, làm tốt một công đoạn chăn nuôi, còn hơn ôm đồm nhiều khâu chăn nuôi khác, hiệu quả sẽ không cao.
Ưu thế của thụ tinh nhân tạo cho gà sinh sản
Theo anh Dũng: Thụ tinh nhân tạo cho gà sinh sản là một tiến bộ kỹ thuật vượt trội. Bởi chỉ cần nuôi 01 con gà trống đã đủ phối giống cho từ 35 - 40 gà mái. So với cách làm cũ, phải nuôi từ 5 - 6 gà trống mới đủ để cho phối giống tự nhiên với số lượng mái gà như trên.
Thụ tinh nhân tạo cho gà còn giúp tăng tỷ lệ trứng có tinh, tạo được nguồn giống chất lượng cao, giảm đầu tư nuôi gà trống, giảm chi phí thức ăn, giảm rủi ro dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất,…
Kinh nghiệm từ chăn nuôi gà chuyên trứng giống của anh Dũng cũng cho thấy: Thời gian thụ tinh nhân tạo cho gà tốt nhất là từ 3 - 6 giờ chiều hàng ngày. Mỗi lần khai thác tinh trên 10 con gà trống, sau khi phối hết cho gà mái mới lấy tiếp tinh trên 10 con khác.
Gà trống định kỳ sau 2 ngày lấy tinh liên tục, phải cho nghỉ 1 ngày để phục hồi sức khỏe. Cần cho gà ăn thêm thóc mầm hoặc giá đỗ, giúp tăng chất lượng tinh. Thỉnh thoảng phải thả gà trống ra sân chơi nắng để tăng khả năng hấp thụ vitamin D.
Với con trống lai Đông Tảo, từ 7 tháng tuổi có thể cho lấy tinh. Con mái Lương Phượng được 25 tuần tuổi mới phối giống. Gà trống nuôi tốt sẽ khai thác tinh được khoảng 2 năm. Con mái cho phối tinh nhân tạo, chỉ nên cho đẻ từ 7 - 8 tháng đã phải thay giống mới.
Bằng cách nuôi gà nói trên, mỗi ngày anh Dũng cung ứng ra thị trường 15 - 16 nghìn quả trứng các loại. Giúp cho 9 - 10 lao động tại chỗ có việc và thu nhập ổn định 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.