| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm nuôi gà an toàn sinh học ở xứ Mường

Thứ Bảy 10/07/2021 , 16:30 (GMT+7)

HÒA BÌNH Nhờ quỹ đất đồi rộng nên dù nuôi gà bằng chuồng hở, nhóm hộ liên kết nuôi gia cầm ở xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) vẫn đảm bảo an toàn sinh học.

Lên xe khách Hà Nội - Hòa Bình. Xuống Ngã ba Bãi Chạo - Kim Bôi. Đi bộ và hỏi thăm vào Ngầm Trá. Chúng tôi đã đến được trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học của anh Trần Tiến Bốn ở thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến (huyện Kim Bôi, Hòa Bình).

Nhờ có quỹ đất rộng, việc xây dựng trang trại gia cầm theo mô hình trại hở vẫn đảm bảo an toàn sinh học . Ảnh: H.Tiến.

Nhờ có quỹ đất rộng, việc xây dựng trang trại gia cầm theo mô hình trại hở vẫn đảm bảo an toàn sinh học . Ảnh: H.Tiến.

Du đang bận cho gà ăn, nhưng nghe thấy có người lạ, anh Bốn vẫn dừng tay mời đón khách vào chơi. Anh Bốn cho biết ngay: Trang trại có tổng đàn gà nuôi thường xuyên gần 15.000 con, bao gồm 11.000 con chuyên đẻ, 4.000 con thương phẩm.

Bình quân mỗi tháng xuất bán ra thị trường trên 5.000 gà con ấp nở (1 ngày tuổi), hơn 1.000 kg gà thịt. Lợi nhuận, năm được nhiều năm được ít. Nhưng từ khi mở trại nuôi gà đến nay, chưa có năm nào bị thâm vào vốn.

Riêng 3 tháng gần đây, mỗi tháng cho lãi hơn 50 triệu đồng. Để duy trì công suất chăn nuôi của trang trại, trang trại đã phải thuê thêm 4 lao động, trả lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, tùy theo công việc.

Đi thăm khắp trang trại gia cầm của anh Bốn, chúng tôi thấy: Các loại gà đều được nuôi trong chuồng hở khô sạch, thông thoáng. Có rèm che mưa, nắng. Các dãy chuồng cách nhau chừng 20m. Khu ấp trứng, khu chăn nuôi và khu người ở cách biệt nhau đáng kể.

Con giống đưa vào nuôi đều là gà ri Lạc Thủy (Hòa Bình). Máng ăn, máng uống và chuồng trại chăn nuôi khá sạch sẽ. Việc ấp nở thực hiện theo nguyên tắc vận chuyển một chiều: Nơi nhập trứng -> bảo quản trứng -> nơi ấp -> nơi nở -> nơi giao bán gà con.

Các khâu trong ấp nở gia cầm của trang trại anh Trần Tiến Bốn đều đảm bảo các nguyên tắc vận chuyển một chiều, đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: H.Tiến.

Các khâu trong ấp nở gia cầm của trang trại anh Trần Tiến Bốn đều đảm bảo các nguyên tắc vận chuyển một chiều, đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: H.Tiến.

Thức ăn cho gà thơm, mới, còn hạn sử dụng và không ẩm mốc. Trứng gà được khử trùng ngay sau khi thu nhặt. Máy ấp, máy nở, nơi ấp, nơi nở, nơi giao bán gà con được vệ sinh sạch sẽ. Các lao động trong trang trại đều phải thay ủng, sát khuẩn tay mỗi khi ra vào chuồng nuôi gà…

Theo anh Bốn, có được những kết quả nói trên là nhờ trang trại luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học. Ngoài ra, còn do lợi thế là địa phương miền Núi, mật độ dân cư thưa, đất vườn đồi rộng và thoáng nên cho phép xây dựng chuồng nuôi, chuồng nghỉ (bỏ trống).

Để đảm bảo cách ly, thời gian giữa các lứa nuôi gà tối thiểu là 30 ngày. Kết hợp vacxin phòng bệnh cho gà đúng khuyến cáo của lịch thú y. Qua đó, đã giúp tăng tỷ lệ gà đẻ lên thêm 5-6%, tỷ lệ ấp nở lên thêm 3-4%; giảm hao hụt con giống, giảm lượng kháng sinh và chất khử trùng, giảm chi phí thức ăn; tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Cách làm hiệu quả của trang trại đã tạo được ảnh hưởng lan tỏa ra khắp các hộ dân trên địa bàn. Riêng thôn Kim Đức đã có trên 10 hộ thường xuyên mua gà giống từ trang trại của anh Bốn để chăn nuôi thương phẩm.

Theo đó, tổng đàn gà nuôi thường xuyên ở Kim Đức đã đạt trên 1 vạn con. Anh Bùi Văn Khanh ở thôn Kim Đức nuôi 1.200 con gà ri Lạc Thủy thả vườn. Sau 4,5 tháng đạt bình quân 1.8 kg/con. Tổng sản lượng xuất chuồng đạt 2.160 kg. Doanh thu 216 triệu đồng. Lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Phát huy kết quả đạt được, anh Khanh đã mua mới 1.500 gà giống cho chăn nuôi tiếp.

Nuôi gà thương phẩm thả vườn ở gia đình anh Nguyễn Văn Tưv (thôn Kim Đức). Ảnh: H.Tiến.

Nuôi gà thương phẩm thả vườn ở gia đình anh Nguyễn Văn Tưv (thôn Kim Đức). Ảnh: H.Tiến.

Anh Bùi Trang Nhung ở cùng thôn nuôi gà ri Lạc Thủy, giống bản địa của tỉnh Hòa Bình. Anh đánh giá giống gà này dễ nuôi, ít bệnh, thịt ngon, rất phù hợp với nuôi thả vườn hoặc nuôi bán chăn thả. Con giống mua của anh Bốn ngay gần nhà nên gà khỏe, ít bị hao hụt hơn so với giống mua ngoài thị trường.

Tuy nhiên, các trang trại nuôi gà ở thôn Kim Đức vẫn phải áp dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học với gà nuôi thả vườn, như: Mật độ chăn thả từ 1 m2/con trở lên; có bãi nuôi thả luân phiên cho mỗi lứa gà. Bãi thả gà phải có nắng, có bóng cây che mát, có cỏ cho gà ăn. Và phải có độ dốc để nước mưa dễ rửa trôi nấm bệnh và chất thải chăn nuôi…   

Theo các hộ nuôi gia cầm ở đây, có được phong trào chăn nuôi gà hiệu quả như hiện nay, không thể không kể tới vai trò của các cấp ngành chuyên môn trong tỉnh. Đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Hòa Bình đã hỗ trợ giúp các nhà nông tham gia nhiều hội chợ thương mại, quảng bá mô hình, thúc đẩy kết nối cung cầu tiêu thụ nông phẩm nói chung, gà các loại nói riêng...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.