| Hotline: 0983.970.780

Sống khỏe re nhờ trồng măng tre Đài Loan

Thứ Bảy 24/12/2022 , 08:56 (GMT+7)

GIA LAI Cây măng tre Đài Loan không chỉ cho thu nhập cao (từ 250 - 350 triệu đồng/ha/năm) mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho các vùng đất cằn, nghèo kiệt ở Tây Nguyên.

z3972402611622_39d1c475b356f5da9d5e2756377be985

Cây măng tre Đài Loan đang được nhiều người dân chọn lựa phát triển kinh tế. Ảnh: Tuấn Anh.

"Bỏ túi" 250 triệu đồng/ha/năm

Cây măng tre giống Đài Loan được đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn xã Kon Gang (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) từ gần 15 năm trước và bước đầu đã mang lại thành công với hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, cũng như quá trình chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa được chú trọng nên không được nhiều người quan tâm.

Trước tình hình đó, năm 2020, UBND xã đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Theo đó, 19 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo ở làng Kop đã được hỗ trợ trồng măng tre với quy mô 8,3ha. Tổng kinh phí thực hiện trên 346 triệu đồng từ nguồn vốn nhà nước hỗ trợ và nguồn đối ứng của người dân. Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, cây măng tre Đài Loan đang thực sự giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây từng bước thoát nghèo, ổn định đời sống kinh tế.

Thấy được hiệu quả, nhiều gia đình khác hiện cũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng măng tre. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 30 hộ trồng măng tre với diện tích trên 18ha.

z3972402613672_65287949c50dd7d7400177742808fd7a

Măng tre cho giá trị kinh tế cao, đạt từ 250 - 350 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Tuấn Anh.

Từng thuộc diện cận nghèo của xã Kon Gang, gia đình ông Grol (làng Kop) có 5 sào đất trồng khoai mì, nhưng không hiệu quả do sâu bệnh, thu nhập rất bấp bênh. Năm 2020, gia đình ông Grol đã được UBND xã Kon Gang hỗ trợ tham gia mô hình trồng măng tre và chỉ phải bỏ vốn đối ứng 3 triệu đồng.

Nắm bắt cơ hội khi được xã hỗ trợ giống và và vật tư phân bón, gia đình ông Grol quyết tâm tham gia dự án. Sau khoảng hơn 10 tháng trồng, măng tre của gia đình ông đã cho thu hoạch với 5 tấn măng tươi. Trừ các khoản chi phí đầu tư, vụ thu hoạch năm đầu tiên đã giúp gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng. Bước sang năm thứ 2, vườn măng tre cho năng suất trên 10 tấn tươi, gia đình ông Grol thu về gần 150 triệu đồng.

“So với khoai mì, cây măng tre cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều và cũng rất dễ trồng. Với mức thu nhập như hiện tại, cuộc sống gia đình tôi cũng đỡ khổ hơn, không sợ đói như những năm trước”, ông Grol vui mừng cho biết.

Theo cán bộ địa chính nông nghiệp xã Kon Gang, cây măng tre Đài Loan có tuổi thọ hơn 30 năm, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định. Trung bình mỗi ha trồng được khoảng 900 cây măng tre, sau khi trừ chi phí người dân thu về trên 250 triệu đồng/năm.

Đưa giống từ Đài Loan về đất cằn Tây Nguyên

Bà Hồ Thị Vân (làng Kop, xã Kon Gang) được xem là người tiên phong đưa cây măng tre Đài Loan về bén duyên trên vùng đất Kon Gang từ hơn 10 năm về trước. Sau khi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan trở về, bà Vân đã mạnh dạn mang giống măng tre ở Đài Loan về trồng thử nghiệm. Nằm ngoài sự mong đợi, cây măng tre giống Đài Loan phát triển rất tốt trên vùng đất vốn rất khô cằn, bạc màu của xã Kon Gang. Đặc biệt, chỉ trong khoảng 10 tháng, cây măng tre đã cho thu hoạch với sản lượng cao hơn nhiều so với các loại măng tre của địa phương.

Bà Hồ Thị Vân giới thiệu các sản phẩm của cơ sở được chế từ măng tre

Bà Vân bên cạnh các sản phẩm chế biến từ măng tre. Ảnh: Tuấn Anh.

Thấy cây măng tre Đài Loan dễ trồng, lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, bà Vân đã quyết định phá bỏ hơn 1,5ha cà phê già cỗi để chuyển sang trồng loại cây này.

“Cây măng tre Đại Loan cho thu hoạch quanh năm với năng suất vườn cây trung bình đạt 30 - 35 tấn tươi/ha. Giá bán ở thời điểm hiện tại giao động từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình lãi gần 350 triệu đồng”, bà Vân chia sẻ.

Chưa dừng lại, để phát huy tối đa hiện quả kinh tế từ cây măng tre, năm 2017, gia đình bà Vân bắt đầu nghiên cứu chế biến thành các sản phẩm măng giòn, măng chua và măng khô. Không những vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm, bà Vân đã đăng ký các sản phẩm này tham gia Chương trình OCOP và được chứng nhận đạt 3 sao năm 2020.

Theo bà Vân, sản phẩm măng tre Đài Loan hiện đang được thị trường ưa chuộng do có vị ngọt, giòn và không bị đắng, dễ chế biến. Từ đó, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt mua với số lượng lớn. Hiện tại, mỗi năm cơ sở sản xuất măng tre của bà Vân cung cấp ra thị trường hơn 3 tấn sản phẩm.

z3972402611614_652a972007416bc1d8462e34c51f4dde

Cây măng tre mang lại thu nhập cao cùng rất nhiều lợi ích cho vùng đất cằn Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.

“Để đủ số lượng măng tre cung cấp cho thị trường, gia đình tôi đã liên kết với một số hộ dân trong xã mở rộng vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân”, bà Vân chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang cho biết, mô hình trồng măng tre đang thực sự mang lại hiệu quả, giúp nhiều người dân trong vùng thoát nghèo. Không những vậy, trồng măng tre có thể cải tạo vườn tạp, tận dụng được đất trống, đất bạc màu, bỏ hoang, nhiều nhất là các khu vực đất ruộng thiếu nước sản xuất, khu vực ven suối, vừa có thể bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở...

“Để cây măng tre phát triển ổn định lâu dài, thời gian tới, xã sẽ vận động người dân thành lập tổ liên kết sản xuất gắn với chế biến măng tre nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng để cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng măng tre, đồng thời vận động bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nhằm tiến tới đa dạng hóa cây trồng, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo”, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).