| Hotline: 0983.970.780

1 triệu ha lúa chất lượng cao: Tiết kiệm 1.000 tỷ đồng nếu giảm lượng giống gieo sạ

Thứ Ba 27/12/2022 , 06:14 (GMT+7)

'Việc giảm 1/2 lượng giống gieo sạ tại ĐBSCL hoàn toàn có thể làm nếu sử dụng các thiết bị hiện đại như máy sạ cụm, máy bay không người lái...', T.S. Lê Quý Kha cho hay.

Phát triển sản xuất lúa gạo bền vững

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL có thể hiểu là vùng có các yếu tố, trước hết là giống chất lượng cao, đạt chứng nhận đáp ứng được nhu cầu trong nước và trên thế giới.

Bên cạnh đó, đảm bảo quy trình phát triển bền vững, nhất là đối với nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm giống; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học; tiết kiệm tài nguyên; bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính...

Trình diễn kỹ thuật san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser. Ảnh: TL.

Trình diễn kỹ thuật san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser. Ảnh: TL.

Vùng lúa chất lượng cao phải liên kết theo chuỗi giá trị giữa người nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp; đảm bảo được đầu vào với chất lượng, chi phí thấp nhưng đầu ra giá trị gia tăng cao, đem lại lợi ích cho các bên tham gia. Ngoài ra, thực hiện cơ giới hóa, số hóa, truy xuất nguồn gốc... được tích hợp bằng các công nghệ thông minh.

Theo ông Tùng, xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm, diện tích lúa được phân bổ cụ thể cho từng tỉnh mà trên cơ sở xây dựng những tiêu chí cơ bản về vùng nguyên liệu lúa chuyên canh 1 triệu ha chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính.

Muốn nhân rộng 1 triệu ha phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

TS. Lê Quý Kha, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, theo kết quả ghi nhận trên thực tế thông qua các chương trình khuyến nông quốc gia giao cho Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện trong thời gian 2018-2019 tại Đồng Tháp và Long An; mô hình trình diễn của các doanh nghiệp; số liệu do các Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương; Ban quản trị máy bay không người lái... có thể khẳng định rằng, việc giảm 1/2 lượng giống gieo sạ tại ĐBSCL hoàn toàn có thể làm nếu sử dụng các thiết bị hiện đại như máy sạ cụm, máy bay không người lái...

Theo TS. Lê Quý Kha, việc giảm lượng giống gieo sạ, thuốc BVTV, công lao động... trong canh tác lúa là xu thế không thể đảo ngược. Việc giảm giống gieo sạ góp phần giảm 20% lượng thuốc BVTV, nếu tính trên 1 triệu ha có thể tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng máy bay không người lái gieo sạ còn giúp giảm được rất nhiều công lao động. Cụ thể, máy bay không người lái chỉ mất 2-4 phút/lần bay, như vậy 1 ha gieo sạ chỉ mất khoảng 10 phút; nếu dùng số nhân lực vận hành máy bay tiến hành gieo sạ bằng tay thì số diện tích gieo được chỉ khoảng 5 ha/ngày, trong khi công suất tối đa của máy bay gieo được là 175 ha/ngày.

Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả công nghệ máy bay không người lái, đồng ruộng cần được san phẳng bằng công nghệ laser.

Ngoài ra, nên sử dụng trạm giám sát nông nghiệp thông minh sẽ giúp công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX sẽ trở nên thuận lợi vì trạm này thu thập số liệu hoàn toàn khách quan, sát thực tế.

Sử dụng máy sạ cụm giúp giảm lượng giống gieo sạ. Ảnh: TL.

Sử dụng máy sạ cụm giúp giảm lượng giống gieo sạ. Ảnh: TL.

Về cách triển khai, chúng ta vẫn thường nói ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ canh tác không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng công nghệ 4.0 một cách thuần thục, nhuần nhuyễn (các nước trên thế giới cũng đã làm hiệu quả như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…) thì chắc chắn vẫn đạt được hiệu quả cao trong sản xuất.

TS. Lê Quý Kha cũng cho rằng, việc chuyển từ cơ giới hóa truyền thống sang cơ giới hóa thông minh đã từng được áp dụng trên đồng ruộng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhân rộng ra 1 triệu ha.

Muốn làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ hơn về các công nghệ, cách thức tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý từ tỉnh xuống xã phải cùng chung một cách hiểu về việc áp dụng các công nghệ mới. Từ đó, mới có thể triển khai hành động một cách thống nhất, bài bản.

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.