| Hotline: 0983.970.780

Sức hút của các mặt hàng OCOP ở Bảo Lộc

Thứ Tư 07/12/2022 , 04:43 (GMT+7)

Tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Sao OCOP song hành cùng thương hiệu trà, cà phê

Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) là vùng đất có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp, ăn qủa như: trà, cà phê, dâu tằm, mít, sầu riêng, măng cụt, bơ... Đây là những cây trồng có giá trị kinh tế cao và mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng.

chương trình ocop 1

Sản phẩm trà Oloong Làn Hương, cà phê Làn Hương tại TP Bảo Lộc đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Để nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng nông thôn bền vững, thành phố Bảo Lộc đã thực hiện chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) một cách khoa học, bài bản. Đến nay, thành phố có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao. Trong đó bao gồm 1 sản phẩm trà Oloong Phước Lạc đạt chứng nhận OCOP 5 sao, 1 sản phẩm đạt trà Oloong Trí Việt đạt 4 sao và 6 sản phẩm trà Oloong Làn Hương, cà phê Làn Hương, mật ong Việt Ý, 1 sản phẩm cà phê Orico Ân Đức Phúc, 2 sản phẩm Trà Việt Vương đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Trong năm 2022, TP Bảo Lộc dự kiến phát triển sản phẩm OCOP cho 4 chủ thể với tổng cộng 6 sản phẩm gồm: 2 sản phẩm tơ lụa, 3 sản phẩm trà, cà phê và 1 sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo.

Trong khi đó, thời gian qua huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung xây dựng chương trình OCOP và được người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, tham gia. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, chương trình OCOP được xây dựng tại địa phương từ năm 2018 và tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện như bơ 034, măng cụt, sầu riêng và các loại nông sản chế biến gồm chè Oloong, cà phê rang xay, hạt mắc ca sấy...

chương trình ocop

Huyện Bảo Lâm hiện có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2022, Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP huyện Bảo Lâm đã tổ chức 2 đợt đánh giá, chấm điểm 8/8 sản phẩm OCOP huyện Bảo Lâm và đề xuất Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận 8 sản phẩm này đạt hạng 3 – 4 sao.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm, đến nay toàn huyện có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Đưa tơ lụa và các loại đặc sản tham gia OCOP

"Huyện Bảo Lâm điển hình với các sản phẩm dùng để ăn tươi như bơ, sầu riêng măng cụt và các sản phẩm chế biến như chè, cà phê, mắc ca... Khi chương trình OCOP được triển khai, những sản phẩm này được nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu và có sức lan toản mạnh mẽ ra thị trường. Nhờ chương trình OCOP mà người dân đã biết cách đưa đặc sản nông thôn trở thành hàng hóa và mang lại nguồn lợi nhuận cao", ông Nguyễn Quang Huy thổ lộ.

Thời gian qua, huyện Bảo Lâm đã thực hiện nhiều chương trình nhằm hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm OCOP. Trong đó bao gồm tư vấn, hỗ trợ về thủ tục, hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất và hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

"Khi các sản phẩm được chứng nhận sao thì sẽ có sức cạnh tranh hơn trên thị trường. Các sản phẩm này có chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là mang giá trị lịch sử, văn hóa địa phương nên rất dễ được người dùng tin tưởng, lựa chọn", ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm nói và cho biết thêm, huyện Bảo Lâm xác định chương trình OCOP là một trong những chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế vùng nông thôn. Hiện nay huyện đã lên kế hoạch xây dựng chương trình gắn với phát triển Nông thôn mới. Huyện Bảo Lâm phấn đấu từ nay đến năm 2025 đạt trên 20 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao.

chương trình ocop 2

Chương trình OCOP được xây dựng tại huyện Bảo Lâm từ năm 2018 và tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện như bơ 034, măng cụt, sầu riêng cùng các loại nông sản chế biến như chè Oloong, cà phê rang xay, hạt mắc ca sấy.

Đối với thành phố Bảo Lộc, ông Nguyễn Văn Nhâm, Trưởng phòng Kinh tế TP Bảo Lộc nhận định, chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng và đã góp phần thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đặc biệt chương trình OCOP giúp các sản phẩm của địa phương tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Trong thời gian tới, thành phố Bảo Lộc tiếp tục xây dựng chương trình OCOP theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và những sản phẩm này mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng đất Bảo Lộc. Thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng và phát triển một số sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Thành phố Bảo Lộc cũng tập trung xây dựng nhãn hiệu OCOP để OCOP trở thành thương hiệu mạnh của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Trưởng phòng Kinh tế TP Bảo Lộc chia sẻ, từ nay đến năm 2025, thành phố phấn đấu phát triển ít nhất 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP với 4 nhóm sản phẩm. Trong đó bao gồm: nhóm thực phẩm như chè, cà phê, bơ, măng cụt, sầu riêng; nhóm đồ uống như rượu linh chi; nhóm vải như tơ lụa và nhóm đồ thủ công mỹ nghệ như tranh bướm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.