| Hotline: 0983.970.780

Sức khỏe đất, thực tiễn và hành động

Sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt!

Thứ Tư 25/11/2020 , 07:14 (GMT+7)

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới về tình trạng sức khỏe đất nông nghiệp hiện nay.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa. Ảnh: Thanh Sơn.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, đất là cái gốc của nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam muốn bền vững thì phải nghĩ ngay đến bền vững từ đất. Trước đây, đã nhiều lần, các nhà khoa học đất - phân lên tiếng ở nhiều diễn đàn về việc phải chú ý hơn tới đất, tới khoa học đất để tạo sự bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.

Thưa ông, để đánh giá về sức khỏe đất, phải dựa trên những yếu tố nào?

Nói về sức khỏe đất, là nói về độ màu mỡ, dinh dưỡng trong đất. Độ màu mỡ, hàm lượng dinh dưỡng trong đất phụ thuộc vào đá mẹ. Ngoài ra, trải qua một quá trình hàng triệu năm, sức khỏe đất còn bị tác động lớn từ điều kiện thiên nhiên, địa hình, khí hậu, lịch sử canh tác của con người...

Bên cạnh đó, còn phải xét tới các tính chất vật lý, hóa học và sinh học liên quan tới sức khỏe đất. Các tính chất vật lý liên quan tới sức khỏe đất như thành phần cơ giới của đất có sét quá hoặc cát quá hay không, độ thông thoáng, độ chặt của đất ra sao, độ pH như thế nào… Tính chất hóa học tức là xem trong đất có đầy đủ 16 nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng hay không. Ngoài ra phải xét tới những yếu tố dinh dưỡng giới hạn như phèn, mặn, hóa kiềm. Tính chất sinh học liên quan tới sức khỏe đất là xem lớp phủ ở trên mặt đất là gì, quần thể vi sinh vật trong đất ra sao, vi sinh vật có hại chiếm tỷ lệ cao hay là vi sinh vật có lợi.

Như vậy, sức khỏe đất phụ thuộc vào đất loại gì (do đá mẹ nào sinh ra), sau đó phụ thuộc vào các tính chất hóa học, tính chất vật lý, tính chất sinh học. Bất kỳ một tính chất nào bị mất cân đối, đều ảnh hưởng tới sức khỏe đất.

Là một nhà khoa học đất, ông đánh giá thế nào về sức khỏe đất ở nước ta hiện nay?

Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta chủ yếu chạy theo số lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do chạy theo số lượng, chúng ta phải đẩy mạnh nhập khẩu hoặc sản xuất các loại phân hóa học nhằm mục đích làm sao năng suất nông sản ngày càng tăng.

Đến nay, mỗi năm, chúng ta đang sử dụng tới gần 12 triệu tấn phân hóa  học, đó là một con số quá lớn. Còn phân hữu cơ mới chỉ sản xuất được gần 3 triệu tấn/năm.

Khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới. Các nhà khoa học đất đã nghiên cứu và khẳng định rằng, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, khả năng tích lũy của chất hữu cơ trong đất nhỏ hơn khả năng phân hủy. Nước ta lại có mưa nhiều, như các tỉnh phía Nam mỗi năm có tới 6 tháng mùa mưa, có những trận mưa cường độ rất lớn. Cộng với các hoạt động canh tác như cày bừa, làm đất thâm canh…, đã làm rửa trôi đi khá nhiều chất hữu cơ khiến đất bị bạc màu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều phân hóa học đã làm phá vỡ cân bằng chất dinh dưỡng trong đất, trong khi lượng hữu cơ bón thêm vào đất còn khá ít, đang khiến cho hữu cơ tích lũy trong đất suy giảm mạnh, chất hữu cơ càng ngày càng nghèo kiệt.

Đã xuất hiện những yếu tố dinh dưỡng giới hạn, giới hạn ở đây là giới hạn năng suất. Trong vòng 10 năm trở lại đây, năng suất cây trồng hầu như không thể đẩy lên được nữa, thậm chí có những loại cây giảm năng suất. Trong khi đó, các loại dịch hại trên cây trồng lại xuất hiện với tần suất rất dày. Năng suất giảm, nông dân lại càng sử dụng nhiều phân hóa học với hy vọng đẩy năng suất lên. Nhưng năng suất không những không tăng mà còn tiếp tục giảm, và nguy hại hơn là càng tạo điều kiện cho sự phát sinh dịch hại. Dịch hại càng gia tăng thì chúng ta lại càng tăng nhập khẩu, sản xuất và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa chất trên đồng ruộng. Qua đó, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và chất lượng nông sản. Nhiều nông sản Việt Nam đang khó cạnh tranh với nông sản cùng loại của nhiều nước trong khu vực, cũng vì sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khiến cho giá thành bị đội lên cao

Cũng do canh tác là chính mà đại đa số đất Việt Nam đã bị chua hóa. Ngày xưa, những người học về nông nghiệp, nhắm mắt cũng nói được đất phù sa có độ pH xấp xỉ 7, nhưng giờ không còn như vậy nữa. Có những vùng đất phù sa độ pH đã xuống dưới 5,5. Có những vùng đất phèn độ pH đã xuống đến 3,5.

Với tình trạng của đất bây giờ, chúng ta đã phải dùng đến khái niệm sức khỏe đất. Không thể nói là đất bạc màu, đất xói mòn nữa, mà phải nói là sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm tới sức khỏe đất. Để biết rõ sức khỏe của đất, thì phải “khám bệnh” cho đất ở từng vùng, từng khu vực, để xem đất đang bị mất cân đối ở những tính chất vật lý, hóa học và sinh học ra sao. Từ đó sẽ lập ra phác đồ điều trị cho đất. Cụ thể là phải có những quy trình kỹ thuật bón phân hợp lý, quy trình luân canh hợp lý, nếu thâm canh thì phải có quy trình bón phân hợp lý để phục hồi và duy trì sức khỏe đất.

Nếu chúng ta không chú ý sức khỏe đất ngay từ bây giờ thì nông nghiệp không thể bền vững được. Tôi cho rằng ngành trồng trọt có thể bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới vì sức khỏe đất đã rất suy kiệt, suy kiệt tới mức không thể không lập phác đồ điều trị.

Canh tác hữu cơ ở trang trại Organica, Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Canh tác hữu cơ ở trang trại Organica, Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Canh tác hữu cơ đang được coi là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện sức khỏe đất. Thưa ông, nên đẩy mạnh canh tác hữu cơ có chứng nhận hay canh tác theo hướng hữu cơ?

Tôi cho rằng để cải thiện, phục hồi sức khỏe đất, thì phải phát động mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Phải xác định rõ ràng, cụ thể rằng nông nghiệp hữu cơ không chỉ sản xuất ra các loại nông sản sạch tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, mà còn nhằm tới những mục tiêu rất quan trọng khác là bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe đất.

Nhưng trước mắt chúng ta chưa nên đặt nặng các chứng chỉ, chứng nhận hữu cơ, bởi ngay cả trên thế giới, hiện chưa tới 15% nông sản có chứng nhận hữu cơ. Do đó, nếu cứ đặt nặng yêu cầu sản xuất hữu cơ phải đạt các chứng nhận này nọ, thì sẽ khiến cho nông dân nản chí.

Điều quan trọng là phải tuyên truyền, khuyến khích nông dân chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ là nhằm giảm thiểu việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật gốc thảo mộc. Canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ là để cải thiện sức khỏe đất, bảo vệ môi trường nông thôn và sức khỏe người nông dân, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Nguồn nguyên vật liệu hữu cơ ở nước ta phong phú lắm. Tiềm năng hữu cơ rất nhiều như vậy thì phải trả hữu cơ lại cho đất thông qua việc đẩy mạnh canh tác theo hướng hữu cơ.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông

Sự quan ngại về kênh đào Funan Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng đại.

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

Việt Nam xuất khẩu gạo sang Singapore từ lâu, nhưng luôn đứng sau một số nguồn cung khác. Đầu năm nay, gạo Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 tại thị trường này.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm