| Hotline: 0983.970.780

Tái canh cà phê và vấn đề đặt ra

Thứ Ba 11/03/2014 , 09:46 (GMT+7)

Ngày 8/3, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp tái canh cà phê dưới sự chủ trì của PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Văn Hòa, VN sau gần 2 thập niên, từ một nước SX cà phê chưa được biết đến đã vươn lên chiếm vị trí thứ hai về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới và đứng thứ nhất về cà phê vối. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong phát triển cà phê, trong đó đáng kể là việc nâng cao chất lượng và tính bền vững.

TÁI CANH 200.000 HA

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ SX cà phê như thành lập Ban Chỉ đạo Tái canh cà phê; phê duyệt các Dự án phát triển giống cà phê giai đoạn 2011 - 2015; đề tài nghiên cứu nguyên nhân chính gây chết cà phê tái canh và đề xuất giải pháp khắc phục; dự án khuyến nông về tái canh cà phê; ban hành quy trình tái canh cà phê vối và định mức kinh tế - kỹ thuật tái canh...

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có gần 622.100 ha cà phê; trong đó có khoảng 86.000 ha trên 20 năm tuổi (15%) và khoảng 140.000 ha từ 15 - 20 năm tuổi (25%) cần được tái canh trong vòng 5 - 10 năm tới.

Cụ thể, theo báo cáo của các Sở NN-PTNT, nhu cầu tái canh đến năm 2020 là 200.000 ha; trong đó, Đăk Lăk 85.000 ha, Lâm Đồng 59.600 ha, Gia Lai 27.300 ha, Đăk Nông 24.600 ha, Kon Tum 2.000 ha, Bình Phước 1.700 ha...

Hiện diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng là 151.500 ha, tăng 4% so với năm 2012, sản lượng đạt 382.900 tấn, năng suất bình quân đạt 27 tạ/ha. Năm 2013, Lâm Đồng thực hiện tái canh 6.243 ha (trồng mới tái canh và ghép cải tạo). Với tỉnh Đăk Lăk, diện tích cà phê hiện có là 203.500 ha, năng suất bình quân đạt 24,3 tạ/ha, sản lượng năm 2013 đạt 462.000 tấn. Năm 2013, Đăk Lăk thực hiện tái canh được 3.643 ha cà phê. Với cây cà phê 2 tỉnh Đăk Nông và Gia Lai, năm 2013 thực hiện tái canh được hơn 3.000 ha, trong đó Gia Lai chiếm hơn 2.100 ha.

08-32-14_dsc07617
Họp bàn biện pháp tái canh cà phê tại Đà Lạt (Lâm Đồng)

Theo đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp VN (VAAS), trong tái canh thì nhu cầu về đất trồng cà phê là vấn đề rất khó khăn. Các điều tra về sâu bệnh hại cà phê cho thấy nấm rễ, bệnh tuyến trùng ở vùng rễ là một trong các nguyên nhân gây hại lớn cho cà phê, đặc biệt ở Tây Nguyên. Do đó, việc nghiên cứu các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến cà phê sau tái canh và đề xuất các giải pháp khắc phục là một việc hết sức cần thiết và cấp bách giúp đảm bảo SX cà phê bền vững tại Tây Nguyên.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Cũng theo đại diện VAAS, cây cà phê sau khi trồng được 30 tháng ở những vùng không thực hiện giải pháp luân canh, tỷ lệ vàng lá chiếm khá cao, 31,6%. Đây là một trong những vấn đề rất đáng quan tâm trong tái canh, nhất là đối với vùng Tây Nguyên (chiếm 94,6% diện tích cà phê cả nước, 539.872/570.900 ha).

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo: Phát triển cà phê của nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề; trong đó đáng quan tâm là việc nâng cao chất lượng và tính bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Với riêng vấn đề tái canh, rất cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để cùng nhau thúc đẩy ngành SXKD cà phê bền vững trong thời gian tới.

Cùng đó, trong thời gian gần đây, điều đáng ghi nhận là VAAS đã có những nghiên cứu về các biện pháp sinh học trong phòng trừ bệnh hại rễ ở cà phê tái canh, nghiên cứu các biện pháp hóa học trong phòng trừ dịch hại, biện pháp phòng trừ bằng vi sinh vật đối kháng, biện pháp hóa học kết hợp sinh học cải tạo đất cà phê thanh lý để tái canh, biện pháp xử lý hữu cơ trên đất tái canh, nghiên cứu khả năng chống xâm nhiễm và gây hại của tuyến trùng...

Đặc biệt, được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT, từ 2014 - 2017, VAAS bắt tay vào việc triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu nguyên nhân chính gây chết cà phê tái canh và đề xuất giải pháp khắc phục” với sự tham gia của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện BVTV, Viện Thổ nhưỡng nông hóa cùng một số địa phương và doanh nghiệp trồng cà phê chính như Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai...

Theo Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là công tác giống. Có tới 54% số hộ điều tra gặp khó khăn khi tiếp cận nơi cung cấp chồi giống tốt, nên người dân buộc phải sử dụng chồi ghép không rõ nguồn gốc; như vậy có thể coi đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả của biện pháp ghép cải tạo...”.

Trên cơ sở này, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đưa ra kiến nghị: “Tăng cường công tác khuyến nông, có kế hoạch đào tạo nhằm tăng cường nguồn lực KHCN để đảm đương được nhiệm vụ chuyển giao xuống cơ sở những TBKT mới nhất. Như vậy, người SX mới có cơ hội nâng cao kiến thức, thụ hưởng TBKT mới nhất và phát triển ngành cà phê một cách bền vững.

Xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ ghép chồi (ghép cải tạo) cho người nông dân, gắn với xây dựng vườn cung cấp chồi ghép cho địa phương để nhân rộng mô hình chuyển giao giống mới vào SX. Cần chú trọng đầu tư sử dụng công nghệ mới, nâng cấp phòng nuôi cấy mô tế bào để nhân nhanh các giống tốt và kháng tuyến trùng để phục vụ tái canh”.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.