| Hotline: 0983.970.780

Tái đàn heo tại Đăk Lăk: Siết chặt chăn nuôi nông hộ

Thứ Hai 04/05/2020 , 08:29 (GMT+7)

Để đảm bảo tái đàn thành công thì giải pháp phải chăn nuôi phải theo hướng an toàn sinh học, đây là khuyến cáo của ngành nông nghiệp Đăk Lăk.

Nông hộ khó tái đàn

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk, bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh này xuất hiện từ cuối tháng 5/2019. Tính đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 4.430 hộ ở 143 xã/phường thuộc tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Dịch đã làm 44.822 con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng tiêu hủy là 2.516.014 kg. Đến thời điểm này dịch đã có dấu hiệu lắng xuống. TP Buôn Ma Thuột, huyện Krông Ana và Ea Súp đã công bố hết dịch.

Tiêm phòng cho heo con để chuẩn bị tái đàn tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Thăng

Tiêm phòng cho heo con để chuẩn bị tái đàn tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Thăng

Theo ngành nông nghiệp Đăk Lăk, thời gian qua dịch bệnh tả heo châu Phi xảy ra chủ yếu ở quy mô nông hộ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh Đăk Lăk. Đặc biệt, sau dịch, người chăn nuôi ở không ít địa phương rơi vào tình trạng “trắng chuồng”.

Tuy nhiên, việc tái đàn ở các hộ chăn nuôi không hề dễ dàng do nguồn vốn đầu tư gần như mất trắng theo đàn heo bị dịch, trong khi giá con giống hiện ở mức cao (khoảng 2 triệu đồng/con). Mặt khác, không phải hộ nào muốn tái đàn cũng được mà chuồng trại phải đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, phải được sự cho phép của cơ quan chuyên môn thì mới được tái đàn.

Ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Ea Kly, huyện Krông Păk cho biết: Xã là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất huyện, trước đây tổng đàn heo của xã trên 12.000 con, tuy nhiên trong năm 2019 dịch tả heo châu Phi “quét” qua khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề, hiện lượng heo trong toàn xã chỉ còn khoảng 5.000 con.

Thời điểm này, trên địa bàn xã dịch bệnh đã lắng xuống nhưng vì nhiều lý do như thiếu vốn, nguy cơ tái bùng phát dịch nên người dân chưa mạnh dạn tái đàn, nhiều trang trại tái đàn rất dè dặt hoặc vẫn để trống chuồng, nhiều hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ thì không đủ điều kiện tái đàn.

Tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, nơi phát dịch đầu tiên của tỉnh, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 20 hộ, với 385 con bị tiêu hủy. Sau đợt dịch, hầu hết các hộ đều chưa tái đàn lại vì e ngại dịch bệnh bùng phát.

Bà Nguyễn Thị Cành, thôn 5 cho hay, đàn heo của gia đình bị nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi nên phải tiêu hủy toàn bộ (gồm 14 con nái và 77 heo thịt). Hiện giờ giá heo đang tăng cao nhưng gia đình vẫn chưa thể tái đàn trở lại do không có vốn cũng như chuồng trại không đủ điều kiện an toàn dịch bệnh.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột, công tác tái đàn hiện nay chủ yếu diễn ra ở các trang trại của các công ty lớn. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh do không tái đàn được vì giá con giống cao, tâm lý e ngại dịch bệnh hoặc chuồng trại không đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

Còn tại huyện Cư Kuin, công tác tái đàn cũng chỉ được thực hiện chủ yếu ở các trang trại gia công. Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y cho biết, tuy dịch tả heo châu Phi đã phát dịch trên địa bàn nhưng tình hình chăn nuôi cơ bản vẫn phát triển ổn định, do phần lớn là chăn nuôi quy mô trang trại nên công tác chống dịch được triển khai rất tốt. Hiện các trang trại gia công được phép tái đàn từ 40-45% tổng đàn dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y.

Các hộ chăn nuôi phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại trước khi tái đàn. Ảnh: NT

Các hộ chăn nuôi phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại trước khi tái đàn. Ảnh: NT

Riêng các trang trại của hộ gia đình thì chỉ tái đàn khoảng 10% nhưng cũng chỉ có một số trang trại đủ điều kiện được phép tái đàn. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Trạm luôn khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc tái đàn để bảo đảm công tác phòng chống dịch. Hộ dân nào muốn tái đàn thì phải đăng ký với Trạm và có sự kiểm tra, giám sát của cán bộ thú y.

Hướng đến chăn nuôi bền vững

Theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, việc tái đàn lợn là cần thiết nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, góp phần cân đối nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Dù vậy, cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, tránh tâm lý nóng vội, tự ý tái đàn tràn lan, nhất là trong đợt giá heo tăng đột biến như thời gian qua.

Công tác phòng dịch được đặt lên hàng đầu. Ảnh: NT

Công tác phòng dịch được đặt lên hàng đầu. Ảnh: NT

Sở cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp các địa phương thực hiện các nội dung như: theo dõi, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi heo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đối với các cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh; cơ sở chăn nuôi heo trong môi trường lạnh, khép kín có ứng dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học tại những vùng không có dịch; những vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát dịch đủ điều kiện thì cho tái đàn, nhưng phải chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống rõ ràng, sạch bệnh.

Đối với các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, chuồng trại không bảo đảm, tạm bợ thì không nên tái đàn, mà cần phải chờ cho đến khi bệnh dịch tả heo châu Phi đã được khống chế. Đồng thời tiến hành sát trùng tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, thu dọn phân, rác thải và xử lý ủ vôi bột; qua 30 ngày trên địa bàn không phát sinh bệnh dịch tả heo châu Phi thì mới đủ điều kiện cho tái đàn theo quy định… 

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất