| Hotline: 0983.970.780

'Tài sản nhà quê' bay sạch cùng nỗi lo xin việc khi con ra trường

Thứ Ba 29/08/2017 , 14:30 (GMT+7)

Trước khi Mỹ Linh bước chân vào giảng đường đại học, gia tài của chị Lê Thị Hồng Tân (SN 1974) đủ bộ trâu bò, hươu, lợn, gà, lúa gạo... Nhưng sau 2 năm nuôi con ăn học, chiếc hộc đựng lúa chỉ còn trơ lại phần đáy, mấy chiếc cột ràn (chuồng bò - PV) mối mọt đã ăn phân nửa, mạng nhện giăng phủ tứ phía.

Chi ly những phép tính

Thời thanh niên, chị Hồng Tân ở thôn 3, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là con gái thuộc diện có nhan sắc trong làng. Năm 1996 chị phải lòng chàng trai xóm dưới rồi nên duyên vợ chồng. Quả ngọt là cô con gái Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1997). Sinh con được hơn 4 tháng thì tai họa giáng xuống, anh Nguyễn Đình Hạnh (chồng chị Tân) trong khi làm việc bị tai nạn qua đời, để lại cho chị đứa con gái còn đỏ hỏn và món nợ hơn 5 chỉ vàng vay mượn dựng căn nhà gỗ hai gian làm chỗ trú mưa che nắng.

10-13-37_1
Mỗi lần nhắc đến cảnh chạy khắp làng trên xóm dưới vay tiền ăn gửi ra cho con gái, chị Tân lại rớt nước mắt

22 tuổi đã là góa phụ. Thương con, chị lao động quần quật suốt ngày đêm, ngoài 11 thước ruộng xã chia, chị mượn thêm 1 sào của hàng xóm cày cấy lấy gạo ăn, tiền sinh hoạt hàng ngày và học hành của con nhìn vào những gánh củi, bó nứa trên rừng.

Năm 2015, Mỹ Linh thi đậu khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Vinh (Nghệ An). Cầm trên tay giấy báo nhập học, hai mẹ con ôm nhau khóc rưng rức. Họ khóc vì vui, vì tủi hờn, hạnh phúc và lo lắng. 5 năm nuôi con học đại học, gia đình khá giả còn chật vật huống hồ gia đình hộ nghèo gần chục năm như mình - chị nghĩ vậy nhưng không đành lòng dập tắt ước mơ thoát nghèo của con nên mở lời cậy nhờ gia đình bên ngoại và hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, số tiền vay mượn chỉ được vài triệu đồng, chị đành nhắm mắt bán rẻ toàn bộ bò, lợn, hươu trong nhà. Tất tần tật được 25 triệu, chưa đủ chi cho con nhập học năm đầu tiên (gồm chi phí nhập học hơn 7 triệu đồng; máy tính 16 triệu đồng; tiền phòng 600 ngàn đồng; tiền ăn, đi lại khoảng 3 triệu đồng).

“Thời gian đầu chưa quen nên chi phí phát sinh nhiều, sau số tiền chu cấp hàng tháng có giảm nhưng bình quân mỗi tháng ít nhất tôi phải gửi cho con 1,5 triệu để trang trải tiền phòng (330 ngàn đồng); tiền điện, nước (90 ngàn đồng), Internet (80 ngàn đồng); tiền ăn (800 ngàn đồng)...”, chị Tân nói.

Cũng theo chị Tân, số tiền trên là chi phí “cứng”, còn tiền tàu xe đi về bình quân mỗi tháng chị chu cấp khoảng 150 ngàn đồng, tháng nào ở quê có họp họ, giỗ chạp, cưới hỏi... thì phải mất đến hơn 300 ngàn. Ngoài ra, chi phí đi sinh nhật bạn, quỹ lớp, học nhóm, tài liệu... hầu như là cậu, dì hỗ trợ chu cấp.

“Tính chi li mỗi tháng phải chi cho nó gần 3 triệu đồng, trong khi nguồn thu chỉ giao động từ 400 - 500 ngàn đồng”, chị Tân hạch toán. Chị bảo, nhiều hôm đến tháng con về lấy tiền nhưng chưa xoay được, con bắt xe đi trước thì mẹ chạy ra giữa đồng vay hàng xóm 200 ngàn đồng gửi theo xe sau.

Kể từ ngày nuôi con học đại học cuốn sổ nợ của chị cứ nối dài như vô tận, từ 8 triệu đồng lên 18 triệu (tiền vay học sinh sinh viên) rồi 70 triệu (vay anh em, làng xóm)... Nhận thấy khả năng chu cấp cho con và trả nợ đi vào ngõ cụt chị quyết định rời quê ra thủ đô làm ô sin - cái nghề mà không ít người dân nông thôn đang cho là nghề “thấp kém”. Nghe tin, bố mẹ, anh em chị phản đối, hàng xóm tiễn chị lên xe nước mắt ngắn nước mắt dài thương cho phận đời hồng nhan của chị...

10-13-37_2
Con gái chị Tân - Mỹ Linh sụt sùi vì thương mẹ

Chị Trần Thị Thủy và anh Từ Đức Hoài ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đẻ được 3 đứa con, 2 gái, 1 trai thì cả 3 đang ở độ tuổi ăn học. Cháu lớn Từ Đức Hiếu là sinh viên năm 4 khoa Kỹ thuật điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Từ Thị Khánh Linh (SN 1997) sinh viên năm 2 khoa Bảo hiểm xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và cô con út đang học lớp 7.

Sinh sống ở cái xã “nổi tiếng” đất chật, người đông nhất tỉnh Hà Tĩnh, gia đình chị cố gắng bao năm vẫn chưa thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo. Chị Thủy bảo, muốn làm cái nhà cho nên hồn từ lâu lắm rồi nhưng hai vợ chồng quần quật quanh năm suốt tháng cũng chưa bao giờ góp nổi vài chục triệu bạc nên mơ ước có ngôi nhà kiên cố cũng đang là ước mơ.

Ngày mới lấy nhau, anh Hoài theo tốp thợ nghiệp dư trong làng hành nghề sửa chữa tàu thuyền còn chị Thủy ở nhà nấu rượu, chăn nuôi lợn gà. Hai vợ chồng chịu khó cày cuốc cũng đủ sống qua ngày. Sau khi 3 đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai cặp vợ chồng trẻ. Anh không quen đi biển nên vẫn phải bám nghề sửa chữa tàu thuyền, còn chị chuyển sang nghề bốc vác hải sản cho các kho đông lạnh trên địa bàn xã.

Tôi hỏi: Thu nhập bấp bênh như vậy anh chị lấy gì để nuôi con? Chị Thủy thở dài thườn thượt nói: “Gần như tháng nào cũng phải đi vay. Vay nhà này đập nhà kia, vay từ làng trên đến xóm dưới”.

Theo như lời chị Thủy, công việc thuận lợi tổng thu nhập hàng tháng của anh chị được khoảng 6,5 triệu đồng. Trong khi các khoản phải chi bất di bất dịch lên đến hơn 8 triệu đồng, gồm: Gửi cho con trai 3 triệu; con gái 2,5 triệu đồng; tiền lãi 160 ngàn...
 

Chạy khắp nơi xin việc

Nằm ngay cạnh cảng Cửa Sót là ngôi nhà cấp 4 vợ chồng anh Lê Xuân Phong, chị Lê Thị Hoa trầy trật gom góp hơn 20 năm mới xây cất được. Năm 2011, con trai anh chị là Lê Xuân Hùng bước chân vào giảng đường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng là lúc anh chị được xét vào diện hộ nghèo của thôn Xuân Phượng.

10-13-37_3
nh2141430851
Chị Tân cho biết, sổ nợ của Tuấn sẽ tiếp tục nối dài vào năm học mới

Theo chị Hoa, cuối năm 2015, Hùng ra trường chạy đôn chạy đáo khắp nơi xin việc nhưng công việc nào cũng trái chuyên ngành nên không ổn định. Lúc này con trai thứ hai Lê Minh Tuấn cũng theo chân anh vào TP Hồ Chí Minh học trường Đại học Sư phạm. Anh chị vừa phải vay mượn, gom góp hơn chục triệu đồng cho Hùng sắm xe máy đi làm vừa phải chu cấp hơn 3 triệu đồng/tháng nuôi Tuấn ăn học.

“Mới đây thằng anh học thêm tiếng Anh, đứa em học hè ngốn mất của bố mẹ hơn 13 triệu bạc. Giờ lại phải chuẩn bị 4 triệu tiền phòng, tiền ăn và chi tiêu cho thằng em vào học tháng tới”, chị Hoa chia sẻ.

Hiện tại sổ Ngân hàng Chính sách xã hội của gia đình chị Hoa đang ghi nợ 22 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn vay ngoài hơn 30 triệu đồng. Số tiền này đối với gia đình khá giả chẳng đáng là bao nhưng đối với người dân vùng biển như chị lại rất lớn...

+ Ông Bùi Trọng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Diệm: “Bài toán đau đầu nhất với những gia đình nông thôn có con em học đại học là vấn đề đầu ra. Họ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nuôi con học 4 - 5 năm đại học chỉ mong chúng ra trường thoát cảnh chân lấm tay bùn nhưng thực tế thì ngược lại, hầu hết sinh viên ra trường tránh được cái cày, con trâu thì lại phải cầm bàn xoa đi làm phụ hồ vì không xin được việc. Lo lắng thứ hai là vấn đề kinh tế. Mặc dù mỗi năm Chính phủ cho vay HSSV tối đa 15 triệu đồng trang trải tiền học rồi nhưng chi phí cho một sinh viên học ở TP lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh phải lên tới 40 - 50 triệu đồng/năm”.

Ông Trần Văn Bé, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Hà, cho hay, mặc dù ghi nhận vốn vay HSSV là “bà đỡ” cho những gia đình có con em đang theo học đại học. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ vay vốn HSSV giảm hẳn. Hầu hết phụ huynh không còn mặn mà với chính sách này bởi trước đây họ hiểu nhầm vay vốn HSSV được Nhà nước cho lãi suất nhưng thực tế không phải như vậy. Hơn nữa, việc cho vay tính theo kỳ học lẻ tẻ nhưng khi trả nợ lại trả cả gốc lẫn lãi một cục 50 - 70 triệu nên gây “choáng” cho phụ huynh. Vì những lý do trên nên nhiều gia đình chọn giải pháp bán con gà, con lợn hoặc vay hàng xóm, anh em rồi trả dần để tránh mắc nợ.

 

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.