Tôi có điều kiện làm đại biểu Quốc hội các khóa X, XI và XII. Biết tôi qua chuyên mục Hỏi gì đáp nấy ở báo Nông nghiệp Việt Nam, bà con nông dân không chỉ gửi đến tôi các câu hỏi về Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hay Sức khỏe - đời sống, mà còn gửi đến tôi cả rất nhiều tâm nguyện.
Có những lá thư gọi là tâm thư viết dài đến mấy trang liền chỉ để tâm sự về thực trạng của nông dân và những bức xúc về chính sách, về thực tế sản xuất và đời sống ở xã hội nông thôn hiện nay.
Tôi đều cố gắng viết trả lời. Về các câu hỏi liên quan đến kiến thức tôi có thể trả lời trên báo trong mục Hỏi gì đáp nấy và về sau đã in thành ba tập sách Hỏi đáp về mọi chuyện (NXB Dân trí và Hanoibooks xuất bản). Riêng các thư viết về tâm tư, nguyện vọng của nông dân tôi đều cố gắng trả lời bằng thư riêng gửi qua bưu điện.
Có nông dân hỏi tôi liệu Nhà nước có hiểu về thực trạng nông dân ở nước ta hay không? Bà con gửi cho tôi Mười đặc điểm của nông dân nước ta không hiểu sưu tầm từ đâu(?). Đó là: Cống hiến nhiều nhất, Hy sinh lớn nhất, Hưởng thụ ít nhất, Được giúp kém nhất, Bị đè nén thảm nhất, Bị tước đoạt nặng nhất, Cam chịu lâu dài nhất, Tha thứ cao cả nhất, Thích nghi tài giỏi nhất, và Năng động khôn ngoan nhất.
Tôi trả lời là về các ưu điểm của nông dân thì tôi nhất trí cao, còn các chuyện khác thì quy nạp như thế chưa thật đúng lắm. Tuy nhiên nhiều bác nông dân đã dẫn chứng cho tôi biết cụ thể về sản xuất của gia đình bác. Hiện có mấy sào lúa, thu được bao nhiêu tiền, trong khi phải chi bao nhiêu cho thóc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phí thủy lợi, có khi vì thiếu nhân lực nên còn phải chi cả phí cày bừa, gặt hái…
Kết quả là còn được bao nhiêu tiền? Trong khi đó thì cần bao nhiêu tiền mới đủ để mua thức ăn, trả tiền điện, học phí và tiền sách vở cho con, nhất là chẳng may bị đau ốm thì thật vô cùng khốn khó. Tôi cũng thường xuyên có mặt ở nông thôn vì làm Chủ nhiệm Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ Khoa học - kỹ thuật vào hộ nông dân nên tôi hiểu quá rõ các khó khăn này.
Tuy nhiên, tôi cũng đã kể cho bà con nghe về những tấm gương vượt khó và làm giàu ngay trên mảnh đất của mình đối với không ít bà con nông dân mà tôi đã có dịp trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ. Tôi còn cung cấp cả số điện thoại để bà con có thể trực tiếp trao đổi và học tập kinh nghiệm.
Cụ thể như Vua bơ (0905949910), Vua vịt trời (0977774677), Vua yến sào (0976999457), Vua cá chép giòn (0989366219), Vua thức ăn nuôi lợn (0904266425), Vua máy cuốn rơm (0918365669), Vua nấm ăn (0913588144), Vua nấm dược liệu (0905543535), Vua cam chanh (0903934866), Vua dế-tắc kè (0974780000), Vua gấc xuất khẩu (0989101178), Vua đu đủ Hồng Phi (0982101178), Vua cỏ ngọt (045673482)…
Trong các tâm nguyện mà nhiều bà con tâm sự thì chính là vấn đề ruộng đất, một vấn đề mà ai cũng thấy nhưng thực tình trong thực tế còn quá nhiều bất cập.
Đó là những nơi ruộng đất bị trưng thu phục vụ các công trình công ích nhưng giá quá bèo bọt so với giá thị trường. Đó cũng là nguyên nhân của quá nhiều vụ khiếu nại đông người, gây mất ổn định xã hội. Đây đúng là một tồn tại mà dù giải thích bằng cách này hay cách khác cũng khó có thể thuyết phục được đối với những nông dân bị mất đất.
Chúng ta đều biết rằng pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có sự phân biệt rách ròi giữa quyền sở hữu đất đai với quyền sử dụng đất; chưa khẳng định rõ ràng người sử dụng đất có quyền sở hữu đối với tài sản quyền sử dụng đất, thậm chí chưa thống nhất quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản.
Cụ thể là, tại Điều 189 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Vậy có thể lập luận: quyền sử dụng đất chỉ là một dạng quyền năng của quyền sở hữu, được Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai chuyển giao cho người sử dụng đất mà thôi.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản đều phải được đăng ký, nhưng Bộ luật này không quy định rõ ràng rằng quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì đó là tài sản gì, nên không rõ có thuộc trường hợp phải đăng ký hay không phải đăng ký (Vũ Văn Tuấn và cộng sự, 2020).
Rõ ràng đây thực sự vẫn còn là một tồn tại mà Nhà nước và các nhà khoa học cần bỏ thêm công sức để làm sáng tỏ một cách thỏa đáng, khiến cho mọi nông dân yên tâm làm giàu lâu dài trên chính ruộng đất của mình.
Đối với giáo dục thì khó khăn với các hộ nghèo, đông con rõ ràng là có thực. Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa không thể không quan tâm đến các hộ nông dân này. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội với việc có nhiều bộ sách giáo khoa, rõ ràng là một chuyện tốt, nhưng nhiều thầy cô vẫn còn khuyến khích các em mua thêm nhiều loại sách giáo khoa, thậm chí cả sách tham khảo.
Sách giáo khoa tuy có đẹp hơn nhưng giá cũng ngày càng đắt hơn. Hiện nay với học sinh các vùng bão lũ ở miền Trung thì việc mất sách giáo khoa và cả vở học đang là một thực tế rất lớn cần sự trợ giúp của mọi người với tinh thần Lá lành đùm lá rách.
Đối với chi phí y tế mặc dầu chúng ta đã có những tiến bộ rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bà con nông dân, nhưng vì tôi từng là bệnh nhân ung thư nên tôi hiểu rất rõ chuyện các gia đình nông dân sẽ phải xoay xở ra sao khi mắc các bệnh hiểm nghèo. Dù có trong tay sổ Bảo hiểm y tế thì cũng không thể nào đáp ứng nổi tiền chi phí để xạ trị hay hóa trị khi chẳng may bị ung thư.
Trong khi đó nông dân lại là những người tiếp xúc trực tiếp mỗi năm với 19.000 tấn thuốc trừ cỏ và 16.400 tấn thuốc phòng trừ sâu bệnh. Tôi đã từng thấy nhiều chị phun thuốc trừ sâu trong điều kiện ngược gió, thậm chí còn dùng khăn thấm đầy thuốc trừ sâu để… lau mồ hôi (!).
Cùng với bà con nông dân cả nước tôi vô cùng phấn khởi khi thấy trong các dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng lần thứ XIII có nêu lên những mục tiêu rất đáng hy vọng và phấn khởi về triển vọng của các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản của nước ta trong 10 năm tới.
Đó là phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao; phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm.
Đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa, hằng năm sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; tăng khả năng chống chịu thích ứng của nông dân với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định...
Tôi hình dung thấy lại các trang trại nông nghiệp trong giai đoạn phát triển 4.0 mà tôi đã có dịp nhìn thấy ở nhiều nước phát triển. Những cánh đồng theo chiều thẳng đứng (trồng trọt trên nhiều diện tích theo chiều cao), những máy bay không người lái (drone) phun thuốc trừ sâu sinh học trên các cánh đồng trồng rau, những trại gà, trại lợn hầu như không cần người trực tiếp chăm sóc…
Và tôi thấy trách nhiệm của các cán bộ khoa học, kỹ thuật nước ta trong việc cộng tác với bà con nông dân để từng bước thay đổi kỹ thuật canh tác theo hướng số hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, robot hóa canh tác, công nghệ sinh học hóa… phù hợp với sự phát triển của toàn nhân loại.