| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở và niềm tin trên 'ruộng chữ'

Thứ Năm 03/12/2020 , 09:49 (GMT+7)

Trang báo như ruộng chữ, nhiều bài báo thành món ẩm thực khoái khẩu, không chỉ thỏa cơn đói mà còn chắp cánh vươn tới những giá trị ẩm thực ngày một thanh cao hơn.

TS Trần Hữu Hiệp. Ảnh: THH.

TS Trần Hữu Hiệp. Ảnh: THH.

Trăn trở trên “ruộng chữ”

Là người nghiên cứu về kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL và mối quan hệ giữa vùng này với các vùng miền khác, nhiều năm qua tôi luôn xem Nông nghiệp Việt Nam là kênh thông tin quan trọng không thể thiếu, là một góc nhìn sinh động về đời sống nông dân, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp và thị trường.

Nhiều người là lãnh đạo các địa phương, doanh nhân, nhà khoa học, nông dân trí thức có dịp chia sẻ cũng đều chung cảm nhận. Có người còn nói đây là món ăn tinh thần không thể thiếu hàng ngày.

Là bạn đọc nhiều năm và thành bạn viết với bài báo đầu tiên trên “ruộng chữ” này cách đây 23 năm, rồi không biết tự khi nào tờ báo trở nên gần gũi đến mức có thể mạnh dạn chia sẻ những vấn đề gai góc, vướng mắc trong thực tiễn liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là địa bàn vùng ĐBSCL, nơi tôi sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, vùng đất mà tôi đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó đời mình.

Chuyện đất, chuyện nước, chuyện người đồng bằng, những trăn trở từ “vựa lúa quốc gia” đã đến lúc người đồng bằng không cần tự hào về mỹ từ này nữa. Nó không còn là mục tiêu ưu tiên mà phải chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “chén cơm đầy” sang “chén cơm ngon”, thương mại hóa ngành lúa gạo, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn.

Hạt gạo đồng bằng đã tạo ra kỳ tích bằng đường bay của con rồng châu Á, đưa nước ta nhanh chóng trở thành cường quốc xuất khẩu gạo chỉ vài năm sau khi tham gia xuất khẩu gạo trở lại, nhưng cũng chính hạt gạo đó mang bao nhiêu trăn trở vì đang bị cắn chia làm tám phần.

Con cá tra - loài đế ngư, báu vật của dòng Mekong, trở thành nông sản đặc hữu của đồng bằng sau khi lên đỉnh vinh quang cũng đang bị chặt ra làm nhiều khúc, từng có nhiều đại gia cá tra vỡ nợ kéo theo phản ứng dây chuyền nhiều người nuôi lao đao.

Cây mía đồng bằng cũng đã từng ngọt ngào hương vị, nơi đây trở thành vùng nguyên liệu mía lớn, chỉ riêng tỉnh Hậu Giang đã có hơn 15 ngàn hécta mía, lớn nhất nước, nhưng cây mía cũng bị chặt thành nhiều lóng mang nhiều vị đắng thất bại của nhiều người…

Làm ăn có thắng, có thua, có lời, có lỗ, nhất là làm nông nghiệp nhiều rủi ro thì nông nhân, doanh nhân nông nghiệp khó tránh những lúc khó khăn.

Nhưng dường như sản xuất nông nghiệp của nông dân đồng bằng như “cây đòn gánh”. Một đầu gánh nặng nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao; đầu kia là tiêu thụ bấp bênh, điệp khúc “trúng mùa, mất giá, được giá, hết hàng” cứ diễn ra trong thế lắc lư dễ ngã.

Hiện tượng một bộ phận không nhỏ, nhiều nhất là những người trẻ bỏ ruộng đồng, di cư lên thành thị, làm đủ thứ nghề, kể cả những ngành nghề nhạy cảm để mưu sinh trong điều kiện cuộc sống bấp bênh là những chỉ dấu đề rà soát chính sách và thực thi chính sách tốt hơn.

Đó không chỉ là trăn trở của nhiều người mà đang là những bức xúc nổi lên, những vấn đề lớn được đặt ra. Điều đáng trân trọng là Nông nghiệp Việt Nam không đăng tải một chiều thành tích, truyền tải những điểm sáng, mô hình hay trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn và doanh nhân nông nghiệp ở đồng bằng, mà còn dám dấn thân, tạo ra diễn đàn chia sẻ, trao đổi nhiều vấn đề gai góc từ thực tiễn để tìm giải pháp.

Kỳ vọng đôi chân đồng bằng và “ruộng chữ mới”

Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc sống khá giả của người dân ĐBSCL.

Đó là tư duy đột phá, thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp. Tư duy quy hoạch tích hợp mang tính không gian vùng, tiểu vùng và liên kết đòi hỏi phải thực thi mệnh lệnh liên kết vùng. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội “giúp đôi chân đồng bằng” vững bước hơn trên đường phát triển.

TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia đắc lực viết về kinh tế nông nghiệp. Ảnh: THH.

TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia đắc lực viết về kinh tế nông nghiệp. Ảnh: THH.

Yêu cầu khắc nghiệt của thương trường vượt khỏi không gian ruộng đồng, đòi hỏi người nông dân, người làm nông nghiệp phải chuyển đổi tư duy “làm ra nhiều nông sản” sang tư duy “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”.

Nông dân ĐBSCL ngày nay không chỉ “một nắng, hai sương” trên đồng ruộng, mà còn là bạn đồng hành với nhà khoa học, họ không thể không biết đến “thách thức toàn cầu”. Như cha ông xưa “mang gươm đi mở cõi”, nông dân ngày nay vẫn với tư thế bình tĩnh để “thích ứng, thích nghi”: không sợ hãi, không lùi bước.

Thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân kinh doanh nông nghiệp tốt. Một thế hệ trẻ nhiều khát vọng, được đào tạo bài bản, biết kỹ thuật, công nghệ, có kiến thức kinh doanh, nhạy bén với thị trường mang dáng dấp những người nông dân thông minh mà báo Nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục cổ vũ, động viên kịp thời.

Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn đi đầu trong các tuyến thời sự nóng bóng. Nhiều bài báo đã có tác động mạnh mẽ trong cuộc sống, kịp thời biểu dương, động viên người tốt, việc tốt, những mô hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn.

Không chỉ phản ánh khách quan, trung thực sự việc, mà Nông nghiệp Việt Nam còn mang tính phát hiện vấn đề, phản biện những bất cập từ cơ chế, chính sách. Không khó để nhận thấy những cơ chế, chính sách được điều chỉnh nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của tờ báo. Qua đó, các qui định, cơ chế, chính sách bất cập được sửa đổi, hoàn thiện hơn, công tác quản lý chuyên ngành được quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn. Chặng đường đi tới sau mốc 75 năm là niềm tin về một tờ báo phụng sự bạn đọc.

Tôi cảm thấy tự hào có duyên gắn bó, làm bạn đọc lẫn bạn viết với tới báo này nhiều năm qua. Ảnh: THH.

Tôi cảm thấy tự hào có duyên gắn bó, làm bạn đọc lẫn bạn viết với tới báo này nhiều năm qua. Ảnh: THH.

Kỷ niệm 75 năm báo Nông nghiệp Việt Nam không chỉ là dịp để đội ngũ những người làm báo tự hào về tờ báo ngành của mình được chính Bác Hồ khai sinh, mà hơn hết là niềm tin yêu của độc giả. Tôi cảm thấy tự hào có duyên gắn bó, làm bạn đọc lẫn bạn viết với tới báo này nhiều năm qua.

Ngày nay, trước những đòi hỏi bức bách của cuộc sống, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông, đang đặt ra cho báo chí những đòi hỏi ngày càng khắc khe hơn.

Làm báo ngày nay không chỉ là sự phản ánh trung thực, nhanh nhạy, có định hướng tích cực, tạo phong cách riêng, mà còn phải thông tin đa chiều. Thay đổi về phương thức, phương tiện và ứng dụng tốt hơn công nghệ làm báo, nhất là các công nghệ trực tuyến để tiếp cận kịp thời, gần gũi, hiệu quả hơn với độc giả và nhịp sống.

Bạn đọc luôn đòi hỏi quyền tiếp cận thông tin. Phụng sự cho người đọc, “chế biến” nhiều món ăn tinh thần vừa thỏa cơn thèm khát, vừa thanh cao của một tờ báo tạo dựng được thương hiệu, tiếp tục giữ và phát huy giá trị thương hiệu không phải là điều dễ dàng.

Chúc báo Nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo trước nhiều thách thức của báo chí, biến động của thông tin, tiếp tục khẳng định thương hiệu của tờ báo "tam nông" Việt Nam. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.