| Hotline: 0983.970.780

Đất cho cán bộ mượn qua hai thế kỷ biến thành… đất công!

Thứ Hai 11/01/2021 , 10:25 (GMT+7)

Một hộ dân ở Sóc Trăng cho cán bộ mượn đất từ cuối thế kỷ trước đòi chưa được, mới đây, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ cho rằng đấy là đất công.

Bà Hồ Thị Bảy nhiều năm công tác ở thị trấn Long Phú khẳng định đất của ông Khương

 Hồ Thị Bảy nhiều năm công tác ở thị trấn Long Phú khẳng định đất của ông Khương

Một hộ dân ở huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) cho cán bộ mượn đất từ cuối thế kỷ trước và đòi chưa được, mới đây, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ vào làm việc cho rằng đấy là đất công.

Cho mượn năm 1984

Ông Trần Văn Khương 83 tuổi cùng vợ Lâm Thị Thà ở ấp 5, thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Hồ sơ lưu ở huyện cho biết, vợ chồng ông Khương mua đám đất rộng vào năm 1974, cất nhà sinh sống. Đến năm 1984, bà Trần Thị Én (cán bộ Thanh tra Nhà nước huyện Long Phú) cùng chồng là ông Nguyễn Quốc Cường (cán bộ Văn phòng UBND huyện) mượn của vợ chồng ông Khương một nền đất 90 m2 để cất nhà ở. Do cha bà Én là thông gia với cha ông Khương có ngỏ lời nên ông Khương mới cho mượn nhưng giao hẹn khi cần sẽ lấy lại.

Năm 1989, vợ chồng ông Khương muốn lấy lại đất cho con làm nhà thì vợ chồng bà Én không trả, cho rằng đã mua giá 1 triệu đồng. Bà Én không có giấy tờ chứng minh việc mua. Vợ chồng ông Khương khiếu nại đến chính quyền. Năm 2003, UBND huyện Long Phú ban hành các quyết định thừa nhận phần đất mà bà Én đang ở là của vợ chồng ông Khương, buộc bà Én phải dỡ nhà, trả đất.          Bà Én khiếu nại, năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định công nhận phần đất đang tranh chấp là của bà Én; còn đất của vợ chồng ông Khương chưa thể khẳng định nằm tại vị trí nào. Thậm chí, UBND tỉnh còn cho rằng, vợ chồng ông Khương đang chiếm đất trái phép của Nhà nước.

Các nhân chứng ở địa phương như các ông Đỗ Văn Ba, Tiêu Hồng Vinh, Lâm Kên, Lâm Khách đều khẳng định: Đất bà Én đang sử dụng là của vợ chồng ông Khương cho mượn chứ không phải mua. Ông Nguyễn Văn Quới, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú thời điểm 30/4/1975 xác nhận: “Tôi biết ông Khương có khu đất này chiều ngang 33m, thâm hậu 19m”.

Vợ chồng ông Khương tiếp tục khiếu nại. Ngày 20/2/2009, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 10/QĐKN-CTUBND thu hồi quyết định trên; công nhận quyết định năm 2003 của UBND huyện Long Phú về việc giải quyết tranh chấp đất thổ cư giữa ông Khương với bà Én. Tuy nhiên, Quyết định số 10/QĐKH-CTUBND vẫn không công nhận 50m2 đất sát phía sau nhà là của vợ chồng ông Khương nên ông Khương tiếp tục khiếu nại.

Rẻo đất 50 m2 sát sau nhà ông Khương tranh chấp xuyên thế kỷ

Rẻo đất 50 m2 sát sau nhà ông Khương tranh chấp xuyên thế kỷ

Tổ công tác nhận định

Mới đây, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ vào làm việc với vợ chồng ông Khương. Tổ do ông Bùi Văn Dũng (Thanh tra viên chính Cục III) làm Tổ trưởng cùng hai thành viên là ông Nguyễn Văn Nghĩa (Thanh tra viên chính Cục III) và ông Nguyễn Văn Bảy (Thanh tra viên Thanh tra Bộ TN&MT).

Trong biên bản làm việc, Tổ công tác cho rằng, nguồn gốc đất tranh chấp, UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện Long Phú xác định chưa đúng, bởi đất này của địa chủ, sau đó làm đồn bót và khi giải phóng, Nhà nước quản lý. Về giấy tờ mua đất năm 1974 của vợ chồng ông Khương, thể hiện lô 35, tờ bản đồ số 4 nhưng trích lục tại Trung tâm lưu trữ Tài nguyên phía Nam thuộc Bộ TN&MT thì lô 35, tờ bản đồ số 4 là không có. Bên cạnh, chưa có tài liệu thể hiện cha bà Én có mượn đất cho bà Én ở, việc mua bán giữa các bên cũng không có cơ sở. Tổ công tác đánh giá chứng cứ thu thập của địa phương chưa khách quan, không phù hợp với tài liệu lưu trữ.

Ngoài ra, theo Tổ công tác, giấy mua đất năm 1974 của vợ chồng ông Khương chưa thực hiện đủ các thủ tục pháp lý theo quy định của chế độ cũ; việc mua bán trong giấy tờ thể hiện ngang 33m, sâu 7m là không có căn cứ do thực tế ghi nhận chỉ mua 230 m2. Tài liệu không thể hiện vợ chồng ông Khương có quá trình quản lý, sử dụng phần đất (sổ mục kê, hồ sơ địa chính, việc kê khai, đăng ký...). Quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng ngày 20/2/2009 chỉ giải quyết đất cho vợ chồng ông Khương chiều ngang 4,7m nhưng gia đình đã sử dụng ngang 7,2m.

Ngoài ra Tổ công tác cũng yêu cầu vợ chồng ông Khương cho biết sau khi triển khai quyết định của UBND tỉnh, có xin phép xây dựng hay không mà đã cất nhà.

Dân địa phương phản ứng

Bà Lâm Thị Thà bức xúc kể lại buổi làm việc, Tổ công tác đề cập đến phần đất 50m2 liền sau nhà bà: “Gia đình tôi đang khiếu nại đòi phần đất 50m2 đó nhưng cán bộ thanh tra lại nói là đất của bà Én. Thậm chí, một cán bộ thanh tra gợi ý gia đình tôi mua lại phần đất đó của bà Én cho êm chuyện”.

Bà Hồ Thị Bảy (80 tuổi, trên 40 tuổi Đảng) cho biết: “Tôi công tác tại UBND thị trấn Long Phú từ sau 1975 đến ngày nghỉ hưu. Hồi đó cũng có một cán bộ địa phương là ông Nguyễn Hùng Thanh mượn đất của ông Khương làm nhà ở. Sau đó, ông Khương yêu cầu trả đất và vị cán bộ đề nghị ông Khương mua lại căn nhà. Vụ việc được thị trấn hòa giải. Ban hòa giải có tôi, ông Đỗ Văn Ba là cán bộ công an huyện tăng cường về thị trấn cùng một số cán bộ khác. Kiểm tra hồ sơ, ông Khương cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh đất của mình, còn vị cán bộ kia không có nên đã trả đất cho ông Khương và ông Khương đồng ý mua lại căn nhà để hỗ trợ vị cán bộ đang gặp khó khăn. Tôi công tác tại UBND thị trấn Long Phú khá lâu và sống tại địa phương từ nhỏ nên biết rõ mảnh đất của ông Khương mua năm 1974, đổ đất san lấp, tôn cao mặt bằng để ở và cho người khó khăn mượn”.

Bà Nguyễn Thị Phel (64 tuổi), Nguyễn Thị Phươl (68 tuổi), cùng ngụ tại ấp Nước Mặn II, xã Long Phú, huyện Long Phú có văn bản xác nhận họ là người trước ngày 30/4/1975 được ông Khương thuê kéo đất ngoài ruộng về bồi đắp khu đất.

Về nguồn gốc đất mà Tổ công tác cho rằng của địa chủ, sau đó làm đồn bót và từ 1975 là đất công do Nhà nước quản lý nhưng ông Khương lấn chiếm, nhiều nhân chứng ở địa phương đều lấy làm bất ngờ. Trong hồ sơ lưu tại UBND thị trấn Long Phú có một danh sách các hộ lấn chiếm đất công, lập ngày 30/6/2009, không có hộ ông Khương. Các cán bộ thị trấn nói, không rõ căn cứ vào đâu mà Tổ công tác nhận định như vậy?

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.