| Hotline: 0983.970.780

Những phận đời phía sau 'Cô Vy':

Tâm sự buồn của lao động tự do

Thứ Tư 08/04/2020 , 09:02 (GMT+7)

Lực lượng lao động làm phục vụ tại các nhà hàng, quán ăn… nhiều gấp trăm lần người bán vé số. Họ cũng rất khó khăn, cũng mong được hỗ trợ. Nhưng liệu có được?

2 nhân viên một quán ăn trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh, ở lại quán kiêm luôn bảo vệ, nhưng nhiều ngày nay, chủ quán chẳng đoái hoài. Ảnh: Phúc Lập.

2 nhân viên một quán ăn trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh, ở lại quán kiêm luôn bảo vệ, nhưng nhiều ngày nay, chủ quán chẳng đoái hoài. Ảnh: Phúc Lập.

Bỏ mặc nhân viên khi tạm đóng cửa quán

Trước sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp do SARS-CoV-2, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí như nhà hàng, quán ăn phải tạm thời đóng cửa. Đồng nghĩa với việc có hàng ngàn nhân viên phục vụ tạm thời thất nghiệp.

Trong khi nhiều cơ sở kinh doanh có động thái hỗ trợ nhân viên trong khó khăn như hỗ trợ chi phí ăn uống hàng ngày, hỗ trợ tiền tàu xe về quê tránh dịch… thì không ít chỗ, đã không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, còn giam lại một phần lương nhằm giữ nhân viên khi mở cửa trở lại.

Trên đường Trường Sa ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đẹp nhất quận Bình Thạnh (TP.HCM), có một quán ăn thuộc loại lớn, trước khi có dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày, quán có hàng trăm lượt khách đến ăn uống. Số nhân viên phục vụ quán gồm bảo vệ, phục vụ bàn, bếp… thường trực khoảng 25 người.

Quán ăn tạm nghỉ, ghế ngồi được chồng lên, xếp gọn sát tường khiến không gian trống trải như ngôi nhà bỏ hoang. Giữa lòng quán, 2 thanh niên đang ngồi bất động, mắt nhìn vô định.

Lê Văn. M., một nhân viên từng phục vụ quán nay đã nghỉ việc, nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé thăm người bạn còn làm ở đây, nói với tôi: “Hệ thống quán này có 6 chi nhánh, rải rác ở nhiều quận, bình quân mỗi chi nhánh có hơn 2 chục nhân viên phục vụ các loại, tổng cộng khoảng 150 người. Nhưng không ai có hợp đồng lao động”.

Nói rồi M. mách thêm: “Mấy ngày nay quán đóng cửa vì dịch, chủ cho 2 anh nhân viên ở lại trông quán, nhưng không cho họ tiền ăn hàng ngày, không hỗ trợ bất cứ thứ gì. Thấy tội lắm. Anh không tin ra tận nơi thì biết”. Quán ăn này cách cơ quan chưa đến 1 cây số, nên chỉ 10 phút sau tôi có mặt.

Anh T., nhân viên phục vụ trong quán, cho biết: “Tụi tôi làm lương thấp, nên xin chủ cho ở lại quán luôn, đỡ tốn tiền thuê phòng. Hôm quán đóng cửa, mọi người về hết, hai anh em tôi xin chủ quán ở lại, vì quê tôi tận ngoài Bắc, đang dịch mà về cũng bất tiện, còn thằng em này ở Tây Nguyên, nó chỉ còn mỗi đứa em trai, cũng đi làm xa, nên cũng chẳng muốn về.

Khi tụi tôi xin ở lại thì chủ đồng ý, nói ở lại thì trông quán luôn. Mấy ngày nay hết tiền ăn, nhắn tin cho chủ quán nói tình hình, mong ổng đến hỗ trợ chút xíu mà chẳng thấy”.

Mặc dù rất buồn, nhưng thanh niên này vẫn viện lý do, cho rằng mình tự nguyện ở lại quán, không phải lỗi chủ quán. Ảnh: Phúc Lập. 

Mặc dù rất buồn, nhưng thanh niên này vẫn viện lý do, cho rằng mình tự nguyện ở lại quán, không phải lỗi chủ quán. Ảnh: Phúc Lập. 

Hỏi về lương, N. cho biết với giọng chán chường: “Nếu làm đủ thời gian 1 ca, từ 14 giờ chiều đến khoảng 23 giờ đêm, hết khách, thì được 93 ngàn, nhân lên 30 ngày là ra thôi. Nghỉ ngày nào trừ ngày đó. Mới vào làm hay làm lâu rồi, đều như nhau”. Có lẽ, do ăn uống thiếu chất, lại khá cao, nên thân hình N. càng “mỏng” hơn.

Ngồi bên cạnh, Trần Văn N., sinh năm 1992, từng tốt nghiệp đại học Giao thông Vận tải, cho biết, buồn nhất là từ khi đóng cửa đến nay, chủ quán không hề đoái hoài gì. Lương mới lãnh 1 nửa từ trước, đã chi tiêu hết, một nửa còn lại bị giam.

“Mấy ngày nay anh T. bệnh, nằm rên rỉ suốt. Muốn đi mua cho ổng mấy viên thuốc mà không dám, vì sợ không đủ tiền. Có hôm tụi em ăn có một bữa”.

Lúc tôi ra về, cả N. và anh T. đều có chung thắc mắc: “Người bán vé số được hỗ trợ, ít nhiều gì cũng vui, cũng bớt khó khăn. Không biết tụi em có được không?”. Tôi làm sao trả lời hai anh em được, đành chỉ gượng cười.

Liệu tụi em có được hỗ trợ không?

Theo chân cậu em làm phục vụ tại một nhà hàng cà phê khá lớn ở Thủ Đức, tôi đến một khu nhà trọ ở phường Bình Thọ, thấy khoảng 1 nửa số phòng trong dãy không khóa ngoài, tức người thuê vẫn ở lại, mặc dù hầu hết chỗ làm việc đều đang tạm nghỉ.

Ghé vào một phòng mở cửa, thấy 2 chàng trai ngồi bên trong đang chia nhau một ổ bánh mì. Tôi cười làm quen rồi hỏi: “2 thanh niên trẻ mà có nửa ổ bánh mì vậy sao no?”. Nguyễn Tuấn K., một trong 2 thanh niên cười, đáp: “Trưa nay tụi em ăn mì gói nên đói sớm, chứ bình thường đúng bữa mới ăn”.

Hai chàng trai trong khu nhà trọ ở Thủ Đức chia nhau một ổ bánh mì những ngày bị

Hai chàng trai trong khu nhà trọ ở Thủ Đức chia nhau một ổ bánh mì những ngày bị "giam lỏng" vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Phúc Lập.

Cả D. và K. đều băn khoăn việc liệu có được thành phố hỗ trợ thất nghiệp hay không? D., hỏi xong, trầm ngâm giây lát rồi tự trả lời, giọng buồn buồn: “Em nghĩ chắc không được. Vì tụi em chỉ là lao động tự do, ai biết mà hỗ trợ?”.

K. năm nay 23 tuổi, tốt nghiệp đại học 1 năm nay, đang làm phục vụ trong một nhà hàng trên địa bàn.

“Em quê Quảng Nam, em gái em cũng đang học đại học ở đây. Ba mẹ em sức khỏe kém, lại khó khăn, nên em muốn đi làm phụ ba mẹ lo cho em gái học xong. Mà xin việc mãi không được. Sốt ruột quá, em xin đại vào làm phục vụ cho nhà hàng. Em làm ở đây cũng chẳng có hợp đồng gì.

Sau khi nhà hàng tạm đóng cửa, chủ nói nhân viên tạm nghỉ, nếu không về quê và cam kết sẽ quay lại làm sau khi hết dịch, thì sẽ được hỗ trợ ăn uống ngày 2 bữa. Không có gì thêm.

Nói chung là họ không hoạt động, không có thu nhập, còn mình không làm, nên họ không hỗ trợ cũng bình thường. Không trách họ được”.

K. cho biết, cậu ở chung với 5 người người khác, trong đó 4 người làm chung trong nhà hàng với K. đã về quê. Chỉ người bạn ngồi bên, K. nói: “Đây là anh D., em quen từ lúc còn đi học, anh từng giúp em, cũng là người đưa em về đây ở chung để giảm tiền phòng”.

Tôi hỏi K: “Sao em không về quê?”. K. đáp: “Em gái em đang hoàn thành học phần đúng dịp này, em không muốn để nó ở lại một mình. Với lại, lúc còn về được thì sợ ngồi xe đông người, bây giờ thì không về được nữa”.

Ở một căn phòng trọ khác, 2 cô gái cũng xẻ đôi ổ bánh mì chia nhau. Ảnh: Phúc Lập.

Ở một căn phòng trọ khác, 2 cô gái cũng xẻ đôi ổ bánh mì chia nhau. Ảnh: Phúc Lập.

Trần Anh D., người ở cùng phòng với K, năm nay đã 26 tuổi, quê Gia Lai, lại có hoàn cảnh khác. Do hoàn cảnh gia đình, nên D. phải bươn chải từ khá sớm kiếm tiền phụ gia đình.

“Nhà em đông anh em. Xưa cũng có mấy sào cà phê, tiêu. Nhưng do ba làm ăn thất bại, nên cầm cố, bán gần hết. Em xuống Sài Gòn cũng gần chục năm nay, làm đủ thứ nghề, vất vả lắm anh ạ”.

Hiện D. đang làm công việc giao hàng cho một cơ sở may tư nhân ở Dĩ An, Bình Dương. Thu nhập một tháng khoảng 6 triệu đồng.

“Chỗ này làm cũng bấp bênh lắm anh. Khi có hàng thì làm chết bỏ, có khi 10 giờ đêm mới về. Cũng có lúc phải nghỉ cả tuần”. D. nói.

Tôi hỏi: “Cơ sở em làm có đông công nhân không? Nghỉ tránh dịch, chủ có hỗ trợ gì không?”. D. đáp: “Cũng mấy chục người đó anh. Lúc ngưng hoạt động, không thấy bà chủ nói gì, chỉ dặn khi nào hoạt động lại, sẽ thông thông báo. Ai muốn làm lại thì đến. Công nhân họ yêu cầu thanh toán đủ lương rồi đi hết trơn, chắc không trở lại”.

Lúc quay ra, đi ngang một phòng mở cửa khác, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn vào bên trong, thấy lại hình ảnh lúc mới đến, đó là cảnh 2 cô gái chia nhau một ổ bánh mì.

Ngày 27/3, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết về việc chi 2.700 tỉ đồng hỗ trợ chống dịch Covid-19, trong đó dành 1.800 tỉ giúp các đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Theo nghị quyết, mỗi lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, trong thời gian không quá ba tháng, tính từ tháng 4/2020.

Tuy nhiên, chưa biết những đối tượng lao động tự do được nhắc đến trong bài viết này có được hỗ trợ hay không?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm