| Hotline: 0983.970.780

Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Trồng 3 mẫu dâu vẫn có thời gian đánh bóng chuyền

Thứ Hai 27/05/2024 , 07:00 (GMT+7)

Đôi bàn tay chị Trần Thị Yến rắc dâu vào các giá tằm khổng lồ dài 5m, rộng 1,5m cũng nhanh như những cú đánh bóng chuyền của chị trong đội tuyển địa phương.

Chị Yến (áo xám, đứng thứ ba từ phải sang) đang giới thiệu với khách cách cho tằm tự leo lên né gỗ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Yến (áo xám, đứng thứ ba từ phải sang) đang giới thiệu với khách cách cho tằm tự leo lên né gỗ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai niềm đam mê

Nuôi tằm và đánh bóng chuyền là hai niềm đam mê lớn của chị Yến nhưng nó chỉ trở thành hiện thực kể từ năm 2022 khi áp dụng cách nuôi tằm kiểu Hàn Quốc. Ở cái thôn Trúc Đình, xã Việt Thành này chị là một trong những người tiên phong vào nghề năm 2001, lúc cây dâu bắt đầu được trồng ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tổ hợp tác 5 người của chị hồi đó chuyên làm nhiệm vụ nuôi tằm giống đến hết tuổi ba rồi giao cho dân nuôi tằm lớn đến khi chín, lên né. Khi phong trào phát triển, người dân nuôi nhiều, tổ hợp tác không còn đủ khả năng cung cấp giống nữa thì năm 2012 chị quyết định quay về, dùng mảnh đất của nhà và thuê thêm được tổng cộng 3 mẫu để trồng dâu, nuôi tằm.   

Mỗi năm chị nuôi tới 17-18 lứa, mỗi lứa thu được 120-150 kg kén nhưng lao động chỉ vỏn vẹn có hai vợ chồng đã đứng tuổi: “Trước đây tôi nuôi tằm ngay dưới nền nhà, đóng ghế thành cầu để tiện cho việc đi lại, chăm sóc. Nuôi kiểu đó lúc cho ăn nhanh nhưng vào mùa ẩm tằm dễ bị bệnh vôi. Từ năm 2022 thấy các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương nuôi bằng giá trượt kiểu Hàn Quốc, tôi liền bảo thợ hàn làm giá tương tự nhưng dưới chân là bánh xe để lôi ra lôi vào cho dễ.

Giá dài nhất 5m, rộng 1,5m, cao, thấp, to, nhỏ khác nhau để có thể xếp vào nhau được, mỗi cái làm mất 2 triệu đồng. Nhà nuôi tằm của tôi rộng 100m2 xếp được 8 giá như thế. Trước đây, tôi phải bắt từng con tằm chín bỏ lên né tre, rất tốn công nhưng từ hồi có né gỗ, chỉ việc úp lên luống tằm chín để chúng tự bò lên. Mỗi ô của né gỗ chỉ có một con tằm chui vào sẽ tránh hiện tượng làm kén đôi như né tre. Hơn thế nữa tằm vào né gỗ không bị ẩm ướt, giúp cho tỷ lệ lên tơ tốt hơn, sợi tơ dài hơn”. Chị Yến chia sẻ.

Xưa dân gian vẫn có câu “nuôi tằm ăn cơm đứng” để chỉ sự vất vả cả ngày đến nỗi ăn cơm cũng không được ngồi, nhưng đó là cách nuôi cổ truyền bằng nong, né tre. Giờ nuôi dưới nền nhà rồi trên khay, thay né tre bằng né gỗ thì không phải ăn cơm đứng đã đành, chị vẫn có thời gian tham gia vào đội tuyển bóng chuyền của địa phương vừa để giữ sức khỏe, vừa để giữ phom dáng ở độ tuổi U50:

“Trong các nghề, không có nghề gì thu nhập nhanh bằng nuôi tằm, mỗi tháng có thể quay vòng nuôi được 3 lứa. Xác suất rủi ro không đáng gì cả bởi tiền đầu tư mỗi giá mỗi lứa chỉ khoảng 200.000đ. Tự nuôi từ tằm con đến tằm lớn nên vợ chồng tôi mỗi năm, trừ hết chi phí đi rồi vẫn lãi được 250-300 triệu đồng”.

Kén thu từ né gỗ chất lượng tốt hơn né tre. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kén thu từ né gỗ chất lượng tốt hơn né tre. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây chị Bùi Thị Hải có một trang trại lợn nhưng thất bại triền miên vì dịch bệnh, vì giá  thấp dưới giá thành nên mới chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. Chỉ có một mình là lao động chính nên chị trồng gần 1 mẫu dâu, đủ cho mỗi lứa thu 40-50 kg kén. Mỗi vụ nuôi 8 lứa như thế, mỗi lứa bình quân cũng thu được 7 triệu đồng. 

Nuôi tằm trong phòng điều hòa

Gần đây, trên địa bàn xã Quy Mông của huyện Trấn Yên hình thành lên làng nghề trồng dâu nuôi tằm với 5 cơ sở nuôi tằm con và hơn 100 hộ nuôi tằm lớn, tổng sản lượng kén mỗi năm ước khoảng 100 tấn, tạo ra nguồn thu hơn 13 tỷ đồng. Đặc biệt là người nuôi tằm ở đây đã biết liên kết với nhau để cùng phát triển kinh tế tập thể. Khu nuôi tằm của HTX Dâu tằm Quy Mông là một dãy nhà tạm mái lợp lá cọ dựng ở ngay trên cánh đồng dâu rộng mênh mông.

Chị Nguyễn Thị Huân, Giám đốc HTX kể mình nuôi tằm đã lâu, nhưng từ năm 2021 mới nâng tầm lên hiện đại sau khi được Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đầu tư khay giàn và hệ thống điều hòa nhiệt độ. Hiện HTX đang nuôi tằm theo cả hai hình thức, dưới nền nhà trong phòng hở và trên khay trong phòng kín, lắp điều hòa nhiệt độ.

Nuôi trên khay giàn trong phòng kín có điều hòa nhiệt độ rất tiết kiệm diện tích, năng suất tăng nhưng đầu tư nhiều, còn nuôi dưới nền nhà trong phòng hở đầu tư ít, cho ăn nhanh, vệ sinh cọ rửa dễ nhưng trời nồm ẩm dễ bị bệnh. Chỉ có một lao động chính nên khi hái dâu chị Huân phải thuê thêm người. Dù vậy, trung bình mỗi năm chị cũng thu được 1,2-1,5 tấn kén đem lại khoản lãi 150-200 triệu đồng.

Tôi hỏi vui chị rằng nuôi kiểu cá thể đang “ngon” như thế, tội gì mà mới đây thành lập HTX làm gì cho “ôm rơm rặm bụng”? Chị cười và trả lời rằng, trước kia người dân bán kén tự do ra bên ngoài cho thương lái giá rất thấp và bấp bênh.

Khi có HTX rồi đây là cầu nối để cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, xuất bán thẳng cho công ty ươm tơ, được thêm 20.000đ/kg so với tư thương. Nếu không có HTX sẽ không thể kéo được giá kén lên như thế.

Nuôi tằm trong phòng điều hòa của HTX Dâu tằm Quy Mông. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Nuôi tằm trong phòng điều hòa của HTX Dâu tằm Quy Mông. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Hiện HTX đang có 20 thành viên. Bên ngoài có khoảng 30 hộ trồng dâu nuôi tằm nữa nhưng chưa tham gia vào HTX bởi họ còn đang nợ tiền đầu tư của tư thương từ trước: “Tư thương đầu tư cho dân bằng tiền sau đó thu mua sản phẩm của họ rẻ hơn giá thị trường có lúc đến 30-40.000đ/kg nhưng dân vẫn phải chấp nhận. HTX thành lập sau thì những mối đó chưa thể dứt được ngay.

Theo HTX thì chúng tôi cung cấp con giống và thu mua luôn sản phẩm. Dân được hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và bán kén tới tận công ty nên hiệu quả cao hơn nhiều. Hiện người nuôi tằm đang được hỗ trợ cây dâu giống 500.000đ/sào, né 5 triệu đ/bộ, nhà tằm giống 50 triệu đ/nhà, nhà tằm lớn 20 triệu đ/nhà…”.

Xưa nuôi tằm kiểu truyền thống, không có đơn vị bao tiêu, bán kén đi tận đâu chị cũng chẳng biết, thường bị tư thương ép giá, chỉ được khoảng 100.000đ/kg nên đủ tiền chi tiêu trong gia đình, nuôi hai đứa con học đại học đã là may.

Từ khi có công ty ươm tơ về ngay tại huyện bao tiêu sản phẩm, giá kén tăng gần gấp đôi, mấy năm nay chị kiếm được trung bình 150-200 triệu đ/năm. Cái nhà mới làm trị giá 800 triệu đ cũng nhờ tất vào tiền bán kén như thế.

Nuôi tằm dưới nền nhà của HTX Dâu tằm Quy Mông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nuôi tằm dưới nền nhà của HTX Dâu tằm Quy Mông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đỗ Thị Diệu Thúy, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên cho biết từ trước đến nay chưa có một chương trình nào được hỗ trợ nhiều như dâu tằm. Trong nghị quyết 69 về hỗ trợ nông lâm nghiệp của tỉnh Yên Bái thì riêng phần về dâu tằm có những mục rất cụ thể.

Ngoài ra, địa phương còn các chương trình mô hình mới kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương qua dự án KOPIA của Hàn Quốc hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ khay giá trượt, điều hòa nhiệt độ...

Nhiều hộ nghèo khi tham gia vào chương trình trồng dâu nuôi tằm mà thoát được nghèo vì dù có tuổi rồi vẫn làm được các công đoạn của nghề, chỉ cần trồng từ 3 sào dâu trở lên là mỗi tháng có thể thu nhập được 10 triệu một cách ổn định.

Từ hiệu quả của các mô hình, người dân lại tự đầu tư, mở rộng thêm. Trước năm 2019, diện tích trồng dâu của huyện đã lên 600 ha nhưng đến khi đại dịch Covid xảy ra, sản phẩm không tiêu thụ được, giá xuống thấp, một số người lại cuốc dâu để chuyển sang cây trồng khác.

Gần đây thì mọi chuyện đã khác sau khi Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái xây dựng nhà máy ở xã Báo Đáp. Hiện huyện Trấn Yên có 1.000ha dâu nằm trên địa bàn của 15 xã, thị trấn, riêng từ đầu năm đến nay đã trồng mới được gần 100ha.

Trong 1.553 hộ trồng dâu thì khoảng 1.400 hộ có nhà nuôi tằm riêng, số còn lại là trồng dâu để bán lá. Tỉnh không hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân trồng dâu nuôi tằm mà thông qua HTX để tạo thành những chuỗi liên kết. Trên địa bàn huyện đang có 15 HTX dâu tằm như thế.

Trấn Yên đang xây dựng đề án trồng dâu nuôi tằm giai đoạn từ năm 2025 đến 2030 với định hướng sử dụng các giống dâu mới, nhà tằm kiểu mẫu, thành lập thêm HTX chuyên ngành, phấn đấu 100% chuyển từ né tre sang né gỗ để nâng cao chất lượng tơ cũng như giá bán... 

Xem thêm
Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ

Đã có nhiều ngày dài tôi băn khoăn tự hỏi khi nào và vì sao người ta là tri kỷ của nhau.

Vinaseed và IRRI hợp tác phát triển giống lúa chất lượng cao

Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI và Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam hợp tác phát triển và thương mại các công nghệ và giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt. IRRI có ngân hàng gen khổng lồ trên 127.000 nguồn gen lúa khác nhau.

Những nữ kiểm lâm dũng cảm của bản làng Indonesia

Ở Indonesia, đội ngũ nữ kiểm lâm không ngại khó khăn, ngày đêm giữ rừng, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng bền vững.

Philippines ưa chuộng gạo OM5451 và Đài Thơm 8 của Việt Nam

Gạo Việt Nam vẫn đang chiếm phần lớn lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Trong đó, có 2 loại gạo được người Philippines ưa chuộng nhất là OM5451 và Đài Thơm 8.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm