| Hotline: 0983.970.780

Tận cùng gian khó có Mai Sơn

Thứ Năm 10/05/2012 , 10:25 (GMT+7)

Thời tiết khắc nghiệt, địa hình chủ yếu là núi đá dốc lại bị chia cắt bởi các dòng sông hung hãn nên rẻo cao Tương Dương (Nghệ An) còn lắm vùng đất tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Xã biên giới Mai Sơn là một nơi như thế.

Thời tiết khắc nghiệt, địa hình chủ yếu là núi đá dốc lại bị chia cắt bởi các dòng sông hung hãn nên rẻo cao Tương Dương (Nghệ An) còn lắm vùng đất tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Xã biên giới Mai Sơn là một nơi như thế.

>> Những ngày nóng trên 43 độ C

Phó bí thư kiếm sống thêm bằng xe ôm

Để vào được xã Mai Sơn phải ngược dòng Nậm Nơn, dòng sông hung dữ nhất xứ Nghệ. Dòng sông khởi nguồn từ tỉnh Hủa Phăn (Lào) rồi một mình xuyên núi chảy vào rẻo cao Tương Dương trước khi hợp cùng dòng Nậm Mộ tạo thành thượng nguồn sông Lam ở Cửa Rào.

Mùa nắng nóng mới bắt đầu mà dòng sông  đã cạn khô nên để vượt quãng đường tầm 120km từ thị trấn Hòa Bình đi vào Mai Sơn phải mất gần trọn một ngày. Phương tiện duy nhất có thể lưu hành là xuồng máy, mỗi ngày một chuyến. Nếu thuê riêng, ít cũng gần 2 triệu đồng. Vì lẽ ấy, Mai Sơn là vùng đất khó khăn nhất không chỉ riêng rẻo cao Tương Dương mà của cả tỉnh Nghệ An.

Mùa nóng năm nay đến Mai Sơn sớm hơn vài ngày so với những vùng đất khác ở Tương Dương. Nguyên nhân bởi đây là nơi cao nhất, nơi hứng chịu những đợt gió Lào khắc nghiệt đầu tiên. Dòng Nậm Nơn chảy qua xã nước chỉ còn lấp xấp mặt cá chân. Tứ bề Mai Sơn là đồi núi trọc loang lổ những đám nương của người dân đang chuẩn bị cho vụ lúa gieo lành ít dữ nhiều.


Cuộc sống ở Mai Sơn đang vô cùng gian khó

Hôm tôi đến UBND xã Mai Sơn chỉ có hai cán bộ. Một là Phó bí thư Đảng ủy xã Lô Văn Hóa, một là Phó Chủ tịch UBND xã Lô Văn Quang. Đấy là hai cán bộ xã lạ kỳ nhất mà tôi gặp từ xưa đến nay. Trời nóng quá, cán bộ Quang phải xắn áo, cánh tay anh xăm dòng chữ “Hận kẻ thù” to tướng khiến tôi giật bắn mình. Còn cán bộ Hóa tự tiếp thị rằng, muốn đi vào các bản cứ gọi anh chở đi vì ngoài công việc ở xã thì xe ôm là nghề tay trái.

Nhưng đấy chỉ là hai trong số quá nhiều điều lạ kỳ ở vùng đất này. “Bưu điện”, nơi tiếp nhận thư từ, công văn giấy tờ của Mai Sơn chính là chiếc chòi bên bến sông của của một đôi vợ chồng làm nghề đánh cá. Cả xã chỉ có duy nhất cái máy nổ là tài sản có giá trị, rất lâu rồi, cán bộ xã mơ có một chiếc máy tính, một chiếc máy in để thoát cái cảnh thảo các quyết định, công văn bằng tay nhưng nào có được đâu. Thậm chí, người Mông trên bản Phá Kháo còn tục bắt vợ, lấy nhau chẳng cần đăng ký kết hôn nhưng cán bộ xã them đó là chuyện quá đỗi bình thường.

Mai Sơn có 10 bản gồm: Huồi Xá, Piêng Mựn, Na Hang, Phá Kháo, Piêng Cọc, Chà Lò… Đó là nơi sinh sống của 3 dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú. Toàn xã có 472 hộ, 2.352 khẩu, trong đó có 423 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo và chỉ 46 hộ đủ ăn. Những con số thống kê mà PCT Quang cung cấp càng đẩy Mai Sơn xa hơn nữa so với khoảng cách địa lý đã quá xa rồi. Khó khăn nhất vẫn là chuyện sản xuất, lương thực chẳng đủ ăn. Cán bộ xã Mai Sơn không có khái niệm đất sản xuất nông nghiệp dù biết hình thức sản xuất là luân canh. Diện tích hàng năm vào khoảng hơn 300 ha, biết được nhờ đếm số lúa giống người dân đem gieo.

“Năm nay phát rừng chỗ này, năm sau lại đi chỗ khác. Lúa gieo lên rồi phụ thuộc cả vào ông trời. Không làm cỏ, không phân bón nên năng suất ở đây thấp lắm. Chăn nuôi theo kiểu thả rông, đã nhiều lần trâu bò chết nắng trên rẫy cả tháng trời sau mới biết. Sống biệt lập nên cũng chẳng mấy khi theo luật pháp. Trâu nhà này vào rẫy nhà kia thì họ có quyền “khử”. Không tòa án nào xử được”, ông Quang phàn nàn.

Mùa nóng năm nay, huyện giao chỉ tiêu phát rẫy hơn 300 ha nhưng xã Mai Sơn chỉ dám nhận có một nửa. Cán bộ xã giải thích rằng, nắng nóng quá, không đi phát được. Mà phát cũng chẳng để làm gì, cỏ tranh còn chết đặc huống hồ gieo lúa.

Men say nghèo đói

Đến Mai Sơn, người lạ có thể phàn nàn về sự xa xôi, cách trở, chê họ đói nghèo, khó khăn, nhưng uống rượu thì…miễn chê. 100% là đồng bào dân tộc của Mai Sơn là thiểu số, dân tộc nào uống rượu cũng vào hàng cao thủ cả. Người Mông trên bản Phá Kháo, người Khơ Mú ở Chà Lò, người Thái ở Huồi Tố có thể thiếu ăn triền miên năm này qua tháng khác, vậy mà rượu lúc nào cũng đủ để uống, để tiếp khách đến say.


Trong men say của đói nghèo

Bản Chà Lò 1 là nơi sinh sống của 37 hộ dân, 154 khẩu dân tộc Khơ Mú. Nơi xa xôi nhất của xã Mai Sơn. Vào Chà Lò 1 mùa này tìm ai cũng có thể gặp vì họ đều ở nhà uống rượu. “Sản xuất du canh du cư, dựa vào phát rừng làm rẫy, đất chỗ này cằn đi chỗ khác. Nắng nóng quá, khe suối nước cạn khô, nên bà con không đi phát rừng được. Mà ở nhà cũng chẳng biết làm gì nên uống rượu cho nó… mát”.

Trưởng bản Moong Văn Liệu giải thích sự nhàn rỗi của bản mình. Rượu của người Khơ Mú ủ từ gạo nương với men tự chế kiểu như rượu cần Tây Nguyên. Thứ rượu mà từ già đến trẻ ở Chà Lò 1 đều uống được, thậm chí là uống giỏi. Đói nghèo, lạc hậu nhưng “luật uống rượu” ở đây tiên tiến đến mức có lẽ dân thành phố cũng phải vào mà học tập. Người Khơ Mú uống rượu bằng sừng trâu, một lượt là một sừng trâu chừng 40 ngụm. Trưởng bản Liệu tiếp tôi bằng một vò rượu vừa được ủ từ lúa giống. Ông bảo: Nắng nóng quá, chờ gieo lúa không biết đến khi nào, rượu lại thông thể thiếu nên cứ lấy lúa giống ủ lên mà uống đã.

+ Xa xôi, thiên nhiên khắc nghiệt có lẽ cũng chỉ là một phần đẩy Mai Sơn mãi chìm trong bóng tối. Là nơi khó khăn nhất của huyện nghèo nằm trong Chương trình hỗ trợ 30a của chính phủ nhưng với những cán bộ “lạ” như ông Quang, ông Hóa, ngân sách có rót về cũng chẳng biết sử dụng như thế nào.

+ Nhờ khe Huồi Tố mà bản Chà Lò 1 làm ra điện chạy bằng tua bin. Đợt trâu bò còn nhiều, một số gia đình dắt ra bờ sông Nậm Nơn đổi cho thương hồ được 6 cái ti vi đen trắng. 3 cái giờ đã hỏng, 3 cái nữa cắc bụp vì sóng truyền hình lúc có lúc không.

Nhàn thì nhàn thật, nhưng sự phong lưu của Chà Lò 1 chắc chắn chẳng ai muốn khi biết rằng cả bản này chỉ có duy nhất nhà ông Vi Văn Định, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mai Sơn là không đói. Cũng chính vị cán bộ xã này, cùng với một học sinh cấp 3 nữa là hai người Khơ Mú ở Chà Lò 1 từng vượt sông Nậm Nơn biết đến thị trấn Hòa Bình, còn lại dân bản hoàn toàn tách lập với thế giới bên ngoài. Kể như ra được đến trung tâm xã cũng đã là oai lắm.

Mai Sơn khó khăn như thế, nên bản xa xôi như Chà Lò 1 nghèo đói là chuyện không lạ. Nhưng nghèo như đôi vợ chồng ông Lương Văn Thắng và bà Cụt Thị Tuyết thì có lẽ phải suy nghĩ. Gia đình ông bà có 5 đứa con, hỏi mùa giáp hạt ông không biết. Có lẽ vì ở bản này giáp hạt quanh năm. Đất miền rẻo cao rộng, cây cối cũng chẳng thiếu, nhưng bao năm rồi 7 con người chẳng cất nổi một nếp gỗ nhà.

Gia đình ông Thắng hết gạo từ cuối mùa nóng năm ngoái. Đó là mùa rẫy mà một tạ giống gieo xuống chỉ thu được tầm chục bó lúa. 2/3 thời gian gia đình ăn gạo cứu trợ. Mùa nóng, mùa rẫy năm nay 7 người trong nhà không lên nương nữa vì: Sớm muộn gì cũng đói, đi làm gì cho mệt. Một năm thiếu ăn 11 tháng nhưng theo “phong tục” của người Khơ Mú bản Chà Lò 1, ông Thắng vẫn cố mời bằng được tôi ở lại uống rượu vì chẳng mấy khi có cơ hội gặp người lạ.


Đói ăn đã đành, nơi ở của gia đình ông Thắng cũng chỉ thế này thôi

“Cơm ăn không có đã đành, thậm chí muối ăn cũng chẳng có. Đất rẫy thì nhiều nhưng không chịu phát đốt, cán bộ nói chẳng nghe”. Trưởng bản Liệu bảo thế. Nghe vậy nhưng không hiểu ông đang nói “cán bộ” ở đây là ai? Ông chăng? Chắc chẳng phải. Bởi ngay cả nhà trưởng bản cũng có giấy chứng nhận hộ nghèo, cũng thiếu ăn, cũng lấy lúa giống ủ rượu uống đó thôi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm