| Hotline: 0983.970.780

Tân Phú Đông: Vùng đất khó chuyển mình đổi thay đáng kinh ngạc

Thứ Ba 01/10/2024 , 10:34 (GMT+7)

Tiền Giang Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã có bước chuyển mình đáng kinh ngạc.

Du khách đến thăm vùng đất này nay được chào đón bởi những con đường nhựa láng mịn và được trang trí bằng hoa kiểng xanh tươi, thơ mộng. Tiến bộ ấn tượng này là kết quả trực tiếp của Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) kết hợp với tái cơ cấu nông nghiệp, được cộng đồng địa phương đồng lòng ủng hộ.

Một đọan đường tỉnh 877B qua xã Tân Thới được trồng hoa rất đẹp. Ảnh: Kiều Nhi.

Một đọan đường tỉnh 877B qua xã Tân Thới được trồng hoa rất đẹp. Ảnh: Kiều Nhi.

Tái cơ cấu cây trồng thu nhập gấp 4 lần so với lúa

Hiện nay, Tỉnh lộ 877B được đầu tư khang trang, các tuyến đường liên xã, liên ấp được cứng hóa và cây cầu bắc qua xã Tân Thạnh là những điểm nhấn của cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, đường điện ba pha cũng được đầu tư cơ bản phục vụ sản xuất, nhất là nuôi tôm công nghệ cao.

Cụ Nguyễn Văn Hải 76 tuổi (ở ấp Tân Phú, xã Tân Thới) cho biết, sự thay đổi này khiến cụ rất phấn khởi. Cụ đã xin hoa kiểng về trồng trước nhà. Cụ Hải cảm nhận: “Đường sá bây giờ đổi thay tôi không ngờ luôn, rất khang trang, sạch đẹp. Chiều chiều tôi mang cái ghế ra ngồi chơi cho mát”.

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng là động lực để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Theo ông Huỳnh Văn Thuấn, Phó phòng NN-PTNT huyện, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 77% kinh tế địa phương vào năm 2018, nhưng đã giảm xuống còn 67% năm 2023. Ngành đã áp dụng nhiều giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, như chuyển đổi khoảng 2.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây sả và rau màu, giúp tiết kiệm nước.

Cùng với dừa, sả đang trở thành cây trồng chủ lực ở cù lao Tân Phú Đông. Ảnh: Kiều Nhi.

Cùng với dừa, sả đang trở thành cây trồng chủ lực ở cù lao Tân Phú Đông. Ảnh: Kiều Nhi.

Dừa và sả là hai loại cây trồng chính. Dừa có diện tích 2.900 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn/năm. Sả có diện tích 3.500 ha, sản lượng đạt 55.000 tấn/năm cho 2 vụ. Những cây trồng này mang lại lợi nhuận 70-80 triệu đồng/ha, gấp 4 lần so với trồng lúa.

Ông Đỗ Thanh Quang (70 tuổi) ở xã Phú Thạnh có 1,6ha đất nông nghiệp. Để thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt, ông thực hiện luân canh 1 vụ lúa và 1 vụ sả. Hàng năm, ông có thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ mô hình này.

Đối với cây dừa, huyện đang xây dựng mã số vùng trồng tại xã Tân Thới với diện tích 400ha và mở rộng ra các xã khác. Riêng Tân Thới có 177ha dừa hữu cơ liên kết với Công ty Thabico, giúp giá bán cao hơn thị trường từ 5-10%.

Huyện Tân Phú Đông đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Ảnh: Kiều Nhi.

Huyện Tân Phú Đông đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Ảnh: Kiều Nhi.

Ngoài ra, các ngành, đoàn thể của địa phương còn tích cực hướng dẫn người dân chăn nuôi thích ứng khô hạn trên bò, dê. Hiện đàn vật nuôi của huyện có 19.000 con heo, 4.500 con bò và 2.800 con dê. Nuôi trồng thủy sản trở thành ngành chính với diện tích chiếm gần 40% đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện (4.958ha), đạt sản lượng khoảng 36.000 tấn/năm. Đáng chú ý, các doanh nghiệp như Tuấn Hiền và Trọng Nhân đã đầu tư xây dựng hàng chục ha nuôi tôm công nghệ cao để nâng cao sản lượng, chất lượng tôm.

“Huyện xây dựng đê bao, cống đập, nạo vét kênh rạch trữ nước ngọt cho vùng trồng dừa và chăn nuôi cũng như sinh hoạt của nhân dân. Huyện có một trạm bơm nước ngọt, và trên 90% cư dân sử dụng nước sạch, nhờ vào 5 tuyến đường ống dẫn nước ngọt được Sở NN-PTNT đầu tư”, ông Huỳnh Văn Thuấn nói.

Nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng nhờ nuôi tôm. Ảnh: Kiều Nhi.

Nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng nhờ nuôi tôm. Ảnh: Kiều Nhi.

Hỗ trợ nông dân vươn lên khá giàu

Tại xã NTM nâng cao Tân Thới, ông Nguyễn Thành Duyên, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương Hội thường xuyên phát động phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong 6 tháng đầu năm, có 2.062 hộ tham gia đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, cấp Trung ương 23 hộ, cấp tỉnh 144 hộ, cấp huyện 440 hộ, cấp xã 1.455 hộ.

Hội cũng kết hợp với Phòng NN-PTNT, Trung tâm DVNN huyện tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật được 34 cuộc cho 914 lượt cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân các nội dung kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh trên cây dừa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, tập huấn về phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng mã vùng trồng...

Phong trào cải tạo vườn tạp ở xã Tân Thới trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả 100 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Kiều Nhi.

Phong trào cải tạo vườn tạp ở xã Tân Thới trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả 100 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Kiều Nhi.

Bên cạnh đó, kết hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội củng cố 6 tổ liên doanh, 13 tổ tiết kiệm vay vốn, đã xây dựng các dự án chăn nuôi, sản xuất cho 1.496 hộ vay vốn, đến nay dư nợ tại hai ngân hàng trên 100 tỷ đồng. Từ đó đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả giúp cho nông dân ổn định cuộc sống, biết cách làm ăn vươn lên khá giàu.

Kinh tế vườn luôn được quan tâm đầu tư đúng mức, song song với việc đầu tư thâm canh vườn dừa để đạt năng suất 60 trái/cây/năm. Có rất nhiều hộ đạt năng suất cao như ông Phạm Thành Công ấp Tân Phú, ông Nguyễn Văn Y ấp Tân Quí, ông Lê Ngọc Thố ấp Tân Hiệp... thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân Tân Thới hưởng ứng trồng hoa ven đường. Ảnh: Kiều Nhi.

Nông dân Tân Thới hưởng ứng trồng hoa ven đường. Ảnh: Kiều Nhi.

Phong trào cải tạo vườn tạp chủ yếu trồng các loại cây như trồng dừa xiêm, dừa Mã Lai, ổi, bưởi da xanh... mang lại hiệu quả cao trong thu nhập hàng năm từ 50-100 triệu đồng/ha/năm như hộ ông Nguyễn Văn Xem, Nguyễn Văn Tùng ấp Tân Hưng, ông Đặng Văn Rắt ấp Tân Lợi...

Tình hình chăn nuôi heo ổn định, Dịch tả lợn Châu Phi không xảy ra. Đến nay, có 24 hộ nuôi từ 50 con con heo trở lên, nhiều hộ duy trì heo nái từ 10-15 con như hộ anh Dương Tấn Sĩ ấp Tân Lợi, bà Võ Thị Bạch Lan ấp Tân Lợi, bà Nguyễn Kim Thủy ấp Tân Hương... Những hộ chăn nuôi này đảm bảo vệ sinh môi trường, có xây hầm Biogas do Phòng NN-PTNT, Trung tâm DVNN huyện phát động. Đến nay trên địa bàn xã đã có 225 hầm Biogas.

Ông Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông (thứ hai từ phải sang) và ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang tại lễ vận hành hệ thống nuôi tôm công nghệ cao tiết kiệm năng lượng sử dụng sinh khối tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền. Ảnh: Kiều Nhi.

Ông Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông (thứ hai từ phải sang) và ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang tại lễ vận hành hệ thống nuôi tôm công nghệ cao tiết kiệm năng lượng sử dụng sinh khối tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền. Ảnh: Kiều Nhi.

Ông Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông chia sẻ: Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 62,5 triệu đồng, so với 25 triệu đồng năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể, từ 30% năm 2018 xuống còn 1,68% vào năm 2023. Năm ngoái huyện đã có 6/6 xã đạt chuẩn NTM, năm nay quyết tâm ra mắt huyện nông thôn mới.

Chuyển đổi trên 45ha trồng cây ăn trái

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 45,5 ha, trong đó chuyển sang trồng sầu riêng 22 ha, mít 8 ha, dừa 4,5 ha, cây ăn trái khác 3 ha và rau màu 8 ha. Tại các huyện phía Đông, ngành NN-PTNT đang theo dõi, giám sát tình hình triển khai Dự án Trình diễn hệ thống nuôi tôm tiết kiệm năng lượng sử dụng sinh khối tại huyện Tân Phú Đông.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.