| Hotline: 0983.970.780

Người Pa Kô bảo vệ rừng 'ma'

Thứ Tư 12/06/2024 , 10:26 (GMT+7)

Rừng 'ma' không ai được đụng vào, đó là chốn yên nghỉ của tổ tiên người Pa Kô. Chính nhờ luật tục này, nhiều khu rừng quý cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt.

Người Pa Kô sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn trùng điệp từ bao đời nay. Với họ, rừng là mái nhà chở che bản làng vượt qua bão dông, cho họ miếng cơm manh áo và cũng là nơi yên nghỉ của tổ tiên, nơi trú ngụ của thần linh. Họ gọi những cánh rừng ấy là rừng “ma”.

Nếu ai dám đụng vào rừng ma, người đó sẽ bị thần linh quở trách, bản làng phạt vạ. Vì thế, có những cánh rừng “ma” được bảo vệ nghiêm ngặt từ hàng trăm năm nay với những cây gỗ cổ thụ, quý hiếm.

Người Pa Kô bảo vệ rừng 'ma' như giữ gìn báu vật. Ảnh: Võ Dũng.

Người Pa Kô bảo vệ rừng "ma" như giữ gìn báu vật. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Già làng La Hót (xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) Hồ Văn Đô cho biết, khi lập làng, người đầu tiên qua đời được đưa vào rừng an táng. Khu rừng đó, người Pa Kô gọi là rừng “ma”. Sau lễ đưa ma thì con cháu và người dân sẽ không được lui tới, thăm viếng nữa. Ai lui tới, nếu không được sự cho phép của già làng, nếu không cúng lễ vật coi như sẽ vi phạm luật tục của cộng đồng người Pa Kô và sẽ bị phạt nặng. Những cây gỗ trong những cánh rừng “ma” cũng không ai được phép khai thác. Vì thế, gỗ trong rừng “ma” phát triển xanh tốt quanh năm và được bảo vệ cho đến ngày nay.

Già làng Đô cho hay những ngày đầu lập làng, người chết đầu tiên được chôn ở đâu thì cánh rừng đó được dân bản chọn làm rừng “ma”. Dần dà, khu rừng đó trở thành nơi yên nghỉ của ông bà, tổ tiên nên không ai được vào quấy phá giấc ngủ.

"Đã gọi rừng 'ma' thì không ai được đụng đến. Gỗ tốt đến đâu cũng không ai chạm vào. Ai xâm phạm rừng thì phải cúng trâu bò. Nếu không cúng thì cả gia đình sẽ bị thần linh trách phạt, bị ốm đau. La Hót có cánh rừng 'ma' rộng bao la, các loài gỗ quý như lim, sến... không thiếu nhưng không ai dám vào khai thác", già làng Đô cho hay.

Nhờ quan niệm, luật tục này mà ở miền Tây Quảng Trị, nơi nào có người Pa Kô cư trú đều có rừng “ma” gần khu dân cư với nhiều loài gỗ quý.

Dù gần khu dân cư nhưng rừng 'ma' được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Võ Dũng.

Dù gần khu dân cư nhưng rừng "ma" được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Võ Dũng.

Tại xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông), cánh rừng thiêng thôn Khe Hiên rộng khoảng 100ha với nhiều cây cổ thụ quý như dổi, gõ, sú, chủa, huỵnh... Để có được cánh rừng này, theo những người lớn tuổi trong thôn, việc bảo vệ đã được thực hiện từ hàng trăm năm nay.

"Rừng thiêng Khe Hiên toàn cây to, cổ thụ có giá trị, cây to nhất 2-3 người ôm, cao 30 - 40m. Chúng tôi là thế hệ sau chỉ biết giữ gìn chứ không rõ rừng có từ bao giờ", ông Hồ Văn Vũ, phó thôn Khe Hà cho hay.

Từ bao đời nay, dân bản đặt ra luật tục tuyệt đối không cho người vào chặt phá ở rừng “ma”. Với quan niệm đó, cả bản chung tay giữ cánh rừng thiêng. Người ngoài cũng không dám vào phá vì sợ bị dân làng phạt trâu bò. "Ông bà trú ngụ trong rừng thiêng, phù hộ cho mình mạnh khỏe, phát đạt, dân bản làm ăn thuận lợi nên mình phải ra sức bảo vệ", ông Vũ chia sẻ.

Trong rừng 'ma' của người Pa Kô còn nhiều cây cổ thụ quý hiếm. Ảnh: Võ Dũng.

Trong rừng "ma" của người Pa Kô còn nhiều cây cổ thụ quý hiếm. Ảnh: Võ Dũng.

Đồng bào Pa Kô cũng nhận thức rõ, những cánh rừng cổ thụ che chở họ qua thiên tai, cho họ nguồn nước để sinh tồn. Nhờ rừng, ruộng nương, đất đai cũng đầy đủ dưỡng chất hơn mà cho hạt lúa, hạt ngô chắc mẩy. Nhờ được cộng đồng bảo vệ, tại huyện Đakrông hiện có những cánh rừng thiêng to đẹp như rừng thiêng thôn Da Dã rộng 300ha, rừng Khe Hiên, Krông Klang...

Luật tục giữ rừng

"Hầu như những cánh rừng thiêng thì không cần giữ vì không có chuyện người dân đụng vào, kể cả măng, cây thuốc thì phải xin già làng mới được vào hái. Dân bản tự giữ gìn với nhau bằng luật tục, người ngoài vào phá rừng thì phạt càng nặng", ông Hoàng Sơn, kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông .

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

HANE trao tặng 1,5 triệu cây xanh cho quân và dân huyện đảo Trường Sa

HANE vừa tổ chức lễ trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và dân huyện đảo Trường Sa 1,5 triệu cây xanh, góp phần 'Xanh hóa Trường Sa' giai đoạn 2024 - 2030.

Chính sách đồng quản lý phát huy hiệu quả trong phòng chống cháy rừng

Hậu Giang Thực hiện chính sách đồng quản lý giúp Hậu Giang hạn chế, kiểm soát được tình trạng người dân ra vào rừng trái phép, nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất