Bình Phước có hơn 156.000ha đất rừng; trong đó, rừng tự nhiên gần 56.000ha, rừng trồng đã thành rừng hơn 100.000ha, tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt gần 23%. Hầu hết, diện tích đất rừng của Bình Phước nằm ở thượng nguồn các con sông lớn của vùng Đông Nam bộ như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Bé.
Nhờ chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng mà công tác bảo vệ rừng trong thời gian qua được bảo đảm. Nhiều cánh rừng luôn xanh tốt đã tạo ra sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên, phong phú về động, thực vật được ví như “nàng tiên giữa rừng đại ngàn” đóng vai trò to lớn trong điều tiết khí hậu, nguồn nước cho vùng Đông Nam bộ và là sinh kế của hàng nghìn hộ dân tham gia bảo vệ rừng.
Với tổng diện tích hơn 25.778ha, vườn quốc gia Bù Gia Mập được ví như lá phổi xanh của Đông Nam bộ, là rừng phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng. Đây là nơi bảo tồn nhiều mẫu chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật.
Theo ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, hiện vườn có 10 cộng đồng nhận khoán với hơn 620 người nhận quản lý bảo vệ 19.000ha rừng và năm đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn tỉnh nhận quản lý bảo vệ 5.000ha rừng thuộc vườn. Trung bình mỗi người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập bình quân 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Điểu Ma Giang, tổ trưởng đội 1 bảo vệ rừng thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện biên giới Bù Gia Mập cùng cộng đồng gồm gần 100 thành viên tham gia bảo vệ khoảng 2.700ha rừng thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ngoài công việc làm nương rẫy của gia đình, các thành viên tổ bảo vệ rừng tham gia công tác tuần tra, bảo vệ rừng, vừa chung tay giữ rừng, vừa góp phần tăng thu nhập.
“Hiện mỗi quý các thành viên tổ tuần tra đều được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền tuy không lớn nhưng đã tạo động lực cho các thành viên và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng tốt hơn”, ông Điểu Ma Giang cho biết.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Bình Phước, tỉnh là một trong những địa phương triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng khá sớm. Năm 2013, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện đề án chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn. Tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng năm 2013 hơn 14 tỷ đồng, đến năm 2022 tổng thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 55 tỷ đồng. Nguồn thu tiền dịch vụ tăng qua các năm, vì vậy mức chi trả 1ha rừng cũng tăng lên.
Theo đó, mức chi trả năm 2013 mà Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng chi trả cho các chủ rừng hơn 200 nghìn đồng/ha rừng, nhưng tới năm 2022 có khu vực được chi trả hơn 787 nghìn đồng/ha chưa kể những khoản hỗ trợ, phụ cấp khác, tùy vào ngân sách của từng địa phương có rừng.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Phước cho biết thêm, trước đây, khi chưa thực hiện dịch vụ chi trả môi trường rừng, tình trạng người dân xâm canh, lấn chiếm rừng xảy ra khá phổ biến. Khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đã trực tiếp cùng tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Nhờ đó rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ vi phạm lâm nghiệp, xâm canh, lấn chiếm rừng giảm rõ rệt.
“Để tăng nguồn thu, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, làm việc với các đơn vị sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh (thuộc các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo Đề án dịch vụ môi trường rừng tỉnh Bình Phước đã phê duyệt) đảm bảo đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Bộ NN-PTNT đang tổ chức thí điểm xây dựng tín chỉ các bon rừng tại một số tỉnh miền Trung, hy vọng sẽ sớm triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn quốc. Với chính sách về chi trả tín chỉ các bon này thì Bình Phước sẽ có nguồn thu lớn, qua đó, giúp lực lượng bảo vệ rừng cải thiện về sinh kế, nâng cao đời sống”, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.