Ông sống trong căn nhà Dài truyền thống cùng vô số những vật dụng lên nước bóng loáng, ông có 3 người vợ, 17 con, còn bao nhiêu đứa cháu, chắt thì không nhớ nổi.
Đó là già làng Điểu Đố, ở Sóc Bù Môn, xã Đoàn Kết (nay là Khu phố Đức Lợi, thị trấn Đức Phong), huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Những người làm nên “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”
Trong lần đến Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, tôi được giới thiệu khá nhiều những gương mặt già làng nổi bật ở khắp các huyện, xã của tỉnh. Trong số này, già làng Điểu Đố là người lớn tuổi nhất. Theo thông tin lưu giữ tại Ban Dân tộc tỉnh thì tên đầy đủ của ông là Điểu Văn Đố, sinh năm 1920, như vậy năm nay đã 103 tuổi.
“Nhưng ông còn khỏe lắm, còn đi làm ruộng, rẫy tốt”, anh Lâm Á Rịa, cán bộ Ban Dân tộc khẳng định khiến tôi tò mò muốn tìm đến gặp ông ngay.
Khi ánh nắng trưa tháng 5 gay gắt chiếu thẳng xuống đỉnh đầu, cũng là lúc tôi tìm được nhà của già làng Điểu Đố. Đây là một trong số ít những nhà Dài truyền thống của người S’tiêng còn lại của tỉnh Bình Phước với mái lá trung quân, vách phên nứa.
Nhưng điều khiến tôi ngỡ ngàng nhất chính là khi nhìn thấy già làng Điểu Đố. Nếu không được giới thiệu trước, rất khó tin là ông đã “ngoại bách niên”. Lúc tôi đến, ông vừa đi ruộng về, đang cởi trần, mồ hôi chảy thành dòng trên làn da nâu bóng loáng, săn chắc.
Già làng kể, thời trẻ, ông cũng đã từng góp công sức trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Dù không phải quân chính quy, nhưng ông là một trong những hạt nhân tích cực góp công, của phục vụ bộ đội. Ông cùng dân làng trống lúa, mì, được bao nhiêu lại mang giã thành gạo để tiếp tế cho bộ đội.
“Thu hoạch lúa xong phơi khô, phải giã bằng chày, cối đá, cối gỗ, nên rất lâu. Thời đó, cứ buổi tối là dân làng lại tập trung giã gạo đông như lễ cúng cơm mới, mưa thì giã trong nhà, không mưa tập trung ngoài sân, mỗi cối 2 người đàn ông, đàn bà thì 3, có khi 4 người 1 cối to. Âm thanh tiếng chày giã gạo vui tai, nghe nhiều thành quen, đến khi không phải giả gạo nữa lại nhớ. Trong đầu vẫn nhớ mãi hình ảnh nhấp nhô lên xuống của rừng chày”, già làng Điểu Đố trầm ngâm nhớ lại.
Khi đất nước hoà bình, già làng Điểu Đố trở về đời thường, và vẫn giữ thói quen làm việc không biết mệt. Bà Thị Nứt, người vợ thứ 3 của già làng Điểu Đố cho biết, chồng bà là người đàn ông thích sống ngoài ruộng, rẫy hơn ở nhà. Bất kể ngày nắng hay mưa, sáng đi đến tối mới về.
“Rẫy ở xa lắm. Chỉ đi bộ thôi. Ông ấy đi từ lúc gà mới gáy, đến khi tối mới về, làm mệt mới nghỉ, không mệt là cứ làm thôi. Mấy mẹ con làm không bằng. Bây giờ các con lớn hết rồi, không lo miếng ăn nhiều như xưa nữa, nhưng ông ấy vẫn thích đi vào rẫy, vẫn thích làm việc chứ không muốn ngồi chơi”, bà Thị Nứt nói.
Nhờ cần cù chịu khó, làm không biết mệt, nên từ khi còn trẻ, già làng Điểu Đố đã là một trong số ít những người có “của ăn của để”. Căn nhà Dài là một trong những tài sản quý của của người S’tiêng xưa không phải ai cũng có được. Ông từng có đến hàng chục ha đất trồng cao su, điều, lúa nước, còn đàn trâu, bò lợn không đếm được là bao nhiêu con. Đàn gà lóc nhóc ngoài vườn. Trong nhà quanh năm ngô, lúa chất đầy bồ. “Già chia cho các con hết rồi, giờ chỉ còn ít ruộng trồng lúa đủ ăn và vườn trồng cây quanh nhà thôi", ông nói.
Trò chuyện với già làng Điểu Đố tôi mới biết, ông có 3 người vợ (bà cả mất gần chục năm trước) với 17 người con, 6 con trai, 11 con gái. Riêng cô con gái út, ông sinh khi đã 80 tuổi. Cả 17 người con hiện đã lập gia đình và ra ở riêng.
“Sao già lấy nhiều vợ vậy?”, tôi cười hỏi, ông cũng cười: “Vì ngay xưa làm giỏi nên nhiều phụ nữ thích. Đó là tục lệ ngày xưa thôi, chứ bây giờ lấy nhiều vợ là sai. Nhưng dù nhiều vợ nhiều con chứ già lo đầy đủ hết, ai cũng được phần bằng nhau, không ai hơn kém ai. Mỗi vợ một nhà riêng. Nên nhà lúc nào cũng ấm êm, chưa cãi nhau giận nhau bao giờ”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy bây giờ già có bao nhiêu đứa cháu, chắt rồi?”. Ông cười trừ, lắc đầu: “Nhiều lắm, không nhớ nổi”.
Những tài sản vô giá trong ngôi nhà Dài
Già làng Điểu Đố giờ không còn nhiều đất lúa, cao su, điều, và đàn trâu, lợn vài chục con như xưa nữa. Nhưng ông vẫn là một trong những người giàu nhất nhì ở huyện Bù Đăng. Bởi ông có căn nhà Dài truyền thống của người S’tiêng do cha ông để lại. Và bên trong ngôi nhà ấy, còn có hàng chục vật dụng vô giá. Ông bảo, đa phần những vật dụng này do cha mẹ để lại, một phần do ông tình cờ mua được.
Nhà Dài của già làng Điểu Đố ước dài khoảng hơn 30m, được làm hoàn toàn từ cây, lá rừng, mái thấp, vách dày, 2 đầu hồi có 2 cửa lớn để đón nắng, gió và đón thần linh. Kết cấu ngôi nhà giúp ấm vào mùa đông và mát mùa hè. Đặc biệt, bếp trong nhà không bao giờ được lạnh, mà phải luôn có lửa, nếu không nấu ăn thì vẫn có vài thanh củi cháy liu riu.
“Đây là tập tục, truyền thống bao đời nay của tổ tiên để lại rồi. Người S’tiêng quan niệm, lửa là sức mạnh được thần linh ban cho, khói là nhịp cầu kết nối con người với thần linh. Lửa còn tượng trưng cho gia đình đầm ấm, sum vầy. Cho nên, phải giữ bếp lửa luôn ấm, nếu không, dù giữa mùa hè nắng nóng, vẫn cảm thấy lạnh lẽo”, già làng nói.
Do già làng Điểu Đố có đến 3 người vợ nên ngôi nhà được chia thành từng không gian sinh hoạt riêng cho mỗi người vợ. Lương thực và các sản phẩm làm ra, để trong kho sử dụng chung. Già làng bảo, 3 người vợ ăn ở chung, nhưng chưa từng có chuyện “cơm không lành”. “Đây chắc là do già có uy tín, biết chỉ huy?”, tôi cười hỏi. “Cũng đúng mà. Mình vừa biết cách chỉ huy, vừa đối xử tốt, công bằng với họ, nên họ phải nể mình thôi”, già làng đáp.
Bên trong nhà Dài của già làng Điểu Đố là một “bảo tàng” thu nhỏ với vô số những vật dụng vô giá, có tuổi đời hàng trăm năm như cồng chiêng, trống, bộ sừng trâu, gùi, xà gạc, kèn... tất cả đều lên nước bóng loáng.
Trong số các vật dụng, ngoài cồng chiêng, thì bộ tố, ché (chum cổ) của ông tới 100 cái, có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là món đồ không chỉ quý mà còn rất hiếm. “Đối với người S’tiêng, người nào có nhiều bộ chinh, gong (cồng, chiêng), tố, ché, là giàu. Có những bộ chiêng, ché to, phải đổi mấy con trâu mới được. Đây là những vật dụng gắn bó với gia chủ từ khi sinh ra đến khi về với tổ tiên. Khi dựng vợ, gả chồng cho con cái, ngoài trâu, bò, lễ vật bắt buộc theo tục lệ, còn phải có ít nhất từ 1 đến 2 tố, ché”, già làng nói.
Chỉ bộ sừng trâu hàng chục chiếc được sắp xếp ngay ngắn trên vách nhà sát bếp, già làng Điểu Đố cho biết, sừng trâu là một tín vật khẳng định vị thế của gia chủ trong cộng đồng. Ngày xưa, sau mỗi mùa lúa bội thu, mưa thuận gió hòa, già làng lại tổ chức lễ hội, mổ trâu, heo, cúng tế thần núi, thần lúa, thần rừng, thần suối, sau đó cùng dân làng uống rượu cần, múa hát. Và cặp sừng trâu được giữ lại.
Trăn trở lớn nhất của già làng Điểu Đố lâu nay là làm sao để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Vì thế, nhiều năm trước, ông đã vận động thành lập câu lạc bộ văn hoá S’tiêng, dạy đánh cồng chiêng, kể chuyện sử thi, dệt vải, đan gùi đến làm rượu cần...
“Bây giờ, tụi nhỏ không còn quan tâm đến văn hoá truyền thống nữa. Muốn nghe nhạc, muốn hát thì mở máy lên, muốn quần áo đẹp thì ra chợ, siêu thị, muốn món ngon gì ra quán, chợ là có… cái gì cũng sẵn nên chẳng mấy người quan tâm đến múa hát, nhạc cụ truyền thống hay ngồi dệt vải nữa”, già làng nói.
“Già làng Điểu Đố là người xưa nay hiếm, thời trẻ làm ăn giỏi, quan tâm đến dân làng, hết lòng giúp đỡ bà con trong cuộc sống, trong làm ăn. Gia đình đông vợ con nhưng luôn đầm ấm, sum vầy, rất được bà con tin tưởng, ông là tấm gương của đồng bào S’tiêng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung”, ông Nguyễn Lương Nhân, Phó Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước.