| Hotline: 0983.970.780

Tăng tốc tiêm vacxin phòng bệnh đàn vật nuôi để đạt 'tỷ lệ vàng' trên 80%

Chủ Nhật 03/11/2024 , 17:02 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, Bình Định tăng tốc tiêm vacxin phòng bệnh bảo vệ đàn vật nuôi, nhằm bảo đảm cung ứng thịt gia súc, gia cầm dịp Tết.

Bình Định phấn đấu đàn vật nuôi được tiêm phòng vacxin đạt trên 80%. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định phấn đấu đàn vật nuôi được tiêm phòng vacxin đạt trên 80%. Ảnh: V.Đ.T.

Phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80%

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và tình hình dịch bệnh, với tổng đàn vật nuôi lớn, gồm hơn 308.000 con bò, gần 696.000 con heo (không tính heo con theo mẹ) và khoảng 10 triệu con gia cầm, ngành chức năng Bình Định tăng tốc tiêm phòng vacxin nhằm bảo toàn đàn vật nuôi trong những tháng cuối năm.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, bố trí kinh phí mua vacxin, phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng để đạt mục tiêu trên 80% tổng đàn vật nuôi được tiêm phòng trong năm 2024.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, mặc dù ngành chức năng tỉnh này đã xử lý kịp thời một số ổ dịch nhỏ trong giai đoạn đầu năm, nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn trong môi trường, nhất là trong mùa mưa bão. Vì vậy, ngành chức năng Bình Định đã triển khai đợt tiêm phòng thứ hai trong năm 2024 với các loại vacxin lở mồm long móng cho trâu, bò và bệnh cúm cho đàn gia cầm mới tái đàn.

“Tính đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đã đạt gần 65% tổng đàn, tỷ lệ tiêm phòng lở mồm long móng cho trâu bò đạt khoảng 45%. Các địa phương tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin nhằm đạt mục tiêu đề ra”, ông Diệp chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Diệp, công tác tiêm phòng vẫn còn gặp không ít ngáng trở, nhất là tại các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, phân tán. Thêm vào đó, kinh phí hỗ trợ tiêm phòng cúm gia cầm còn hạn chế, chỉ khoảng 200 đồng/con gia cầm nên chưa khuyến khích được đội ngũ thú y cơ sở toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ.

“Ngoài ra, tại một số địa phương, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ chưa hợp tác nhốt gia cầm để cán bộ thú y tiêm phòng, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ tiêm phòng. Những đàn vật nuôi không được tiêm phòng đầy đủ có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế nếu dịch bệnh lây lan”, ông Huỳnh Ngọc Diệp lo lắng.

Vacxin được ngành chức năng Bình Định bảo quản đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Ảnh: V.Đ.T.

Vacxin được ngành chức năng Bình Định bảo quản đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng sát cánh với người chăn nuôi

Hiện, người chăn nuôi ở Bình Định đang nô nức tái đàn để cung ứng thịt gia súc, gia cầm trong dịp Tết. Những tháng cuối năm, hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm thêm nhộn nhịp. Trong khi từ đầu năm 2024, dịch tả heo Châu Phi đã bùng phát ở 47 tỉnh, thành trên cả nước, phát sinh 1.139 ổ dịch, khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tăng cao.

Trước tình hình trên, ngành chức năng Bình Định khuyến cáo chính quyền các cấp cần đẩy mạnh giám sát, cảnh báo và sẵn sàng ứng phó khi có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng đợt hai trong năm 2024 theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã cử cán bộ kỹ thuật về từng địa phương để kiểm tra, hướng dẫn công tác tiêm phòng. Đồng thời, các tổ giám sát được thành lập nhằm đảm bảo quy trình tiêm phòng, vận chuyển và bảo quản vacxin đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần chú trọng bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; duy trì vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cần thiết cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, trong tái đàn, việc chọn mua con giống sạch bệnh cũng là cách phòng chống dịch bệnh hiệu quả”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ.

“Việc tiêm phòng vacxin đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi, duy trì sản xuất ổn định mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong điều kiện dịch bệnh và thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, địa phương có đàn heo lớn nhất tỉnh Bình Định khẳng định.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.