| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc nhập chanh leo chính ngạch: Cơ hội mở rộng quy mô, tăng chất lượng

Thứ Sáu 15/07/2022 , 08:31 (GMT+7)

Đại diện Nafoods Group chia sẻ về cơ hội của quả chanh leo trước thông tin Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm sản phẩm này từ Việt Nam.

Trước thông tin Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm sản phẩm chanh leo chính ngạch của Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Hồ Thị Loan, Giám đốc Kinh doanh Sản phẩm công nghiệp của Nafoods Group, đơn vị xuất khẩu sản phẩm chanh leo hàng đầu nước ta hiện nay.

Bà Hồ Thị Loan khẳng định: “Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp lớn Việt Nam, trong đó có Nafoods Group để định hình lại ngành sản xuất chanh leo Việt Nam trở nên chất lượng hơn, quy mô hơn”.

- Nafoods Group phản ứng thế nào trước thông tin chanh leo trở thành trái cây thứ 10 được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc?

Chúng tôi rất vui khi chanh leo được ưu tiên chọn trở thành trái cây thứ 10 được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc trong thời điểm Trung Quốc xem xét cho 2 loại trái cây là sầu riêng và chanh leo, trong đó sầu riêng được xem là đối tượng ưu tiên hơn trong quá trình xem xét và phê duyệt.

Hiện nay, chanh leo là trái cây chủ lực trong chuỗi cung ứng của Nafoods Group từ lai tạo, sản xuất và cung cấp cây giống cho đến khâu sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm từ trái chanh leo ra thị trường thế giới.

Trước đó, Nafoods Group là đơn vị đầu tiên đề nghị Bộ NN-PTNT đưa chanh leo vào danh mục xét duyệt của Trung Quốc để sớm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, đồng thời tham gia tích cực vào quá trình cung cấp hồ sơ, chứng minh năng lực và đăng ký vùng trồng cũng như cơ sở chế biến theo yêu cầu của Trung Quốc.

Nafoods Group xác định việc Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch quả chanh leo sẽ là cơ hội để định hình lại ngành sản xuất chanh leo Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Nafoods Group xác định việc Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch quả chanh leo sẽ là cơ hội để định hình lại ngành sản xuất chanh leo Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

- Là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu các sản phẩm chanh leo hàng đầu Việt Nam, Nafoods Group đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Trung Quốc với sản phẩm quả chanh leo tươi, không chỉ với công ty mà còn với ngành hàng chanh leo Việt Nam nói chung?

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, lượng chanh leo tươi xuất khẩu Trung Quốc qua các đường tiểu ngạch chiếm 60 - 70% tổng sản lượng chanh leo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 2020 đến nay, sản lượng chanh leo tươi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ ở mức khiêm tốn 10 - 20% do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát ở các cửa khẩu.

Việc Trung Quốc cấp phép cho quả tươi sẽ có lợi cho nông dân trồng chanh leo do giá quả tươi cao hơn nhiều so với giá chanh leo dùng để chế biến. Nguyên nhân là do nhu cầu quả tươi của Trung Quốc có khả năng phục hồi và thậm chí là cao hơn trước Covid-19.

Ngoài ra, việc Trung Quốc áp dụng các chính sách kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc vùng trồng nghiêm ngặt sẽ khiến thị trường nguyên liệu quả chế biến có sự thay đổi.

Theo tôi, giá nguyên liệu tăng và sản lượng giảm sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp của lớn của chúng ta, trong đó có Nafoods Group, qua đó định hình lại ngành sản xuất chanh leo Việt Nam trở nên chất lượng hơn, quy mô hơn.

Công tác giống sẽ được Nafoods Group tập trung mở rộng, nâng cao chất lượng. Ảnh: Tùng Đinh.

Công tác giống sẽ được Nafoods Group tập trung mở rộng, nâng cao chất lượng. Ảnh: Tùng Đinh.

- Trước chính sách mới này của Trung Quốc, Nafoods Group có kế hoạch gì để tiếp cận thị trường rộng lớn này với các sản phẩm từ chanh leo và quả chanh leo tươi?

Hiện nay, Nafoods Group đang nằm trong tốp các công ty xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ chanh leo vào Trung Quốc. Với lợi thế có chuỗi cung ứng bài bản, Nafoods Group sẽ tiếp tục tập trung mở rộng hoạt động sản xuất và cung ứng nguồn cây giống chanh leo đảm bảo cả chất lượng và sản lượng.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ triển khai các chương trình tập huấn, hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân nâng cao nhận thức truy xuất vùng trồng và các rào cản kỹ thuật để hình thành thói quen canh tác bài bản chuyên nghiệp.

Một công tác quan trọng nữa là tăng cường tổ chức xúc tiến hoạt động xuất khẩu quả chanh leo vào thị trường Trung Quốc. Cùng với đó là đầu tư mở rộng các cơ sở đóng gói và chế biến đạt yêu cầu của thị trường.

Thời gian tới, công tác hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn cho nông dân tại vùng trồng chanh leo, nhất là theo hướng hữu cơ, bền vững sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. Ảnh: CĐ.

Thời gian tới, công tác hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn cho nông dân tại vùng trồng chanh leo, nhất là theo hướng hữu cơ, bền vững sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. Ảnh: CĐ.

- Có thể nói Trung Quốc là thị trường lớn và ngày càng nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng của các sản phẩm nhập khẩu. Để đáp ứng được các yêu cầu này, Nafoods Group sẽ có những chính sách gì trong sản xuất, tăng cường canh tác theo hướng hữu cơ, vừa đảm bảo năng suất, vừa đảm bảo được chất lượng sản phẩm?

Đúng vậy, Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng nông sản nói chung và hoa quả tươi nói riêng nhập khẩu vào Trung Quốc, đặc biết là vấn đề sâu bệnh, côn trùng trong sản phẩm.

Hiểu được các yêu cầu này, Nafoods Group đã có các chính sách đáp ứng ngay từ khâu cây giống như không ngừng nghiên cứu, cho ra đời các giống cây chanh leo khỏe mạnh, có khả năng chống chọi với các loại sâu bệnh, đồng thời cho năng suất quả cao.

Đối với vùng trồng, Nafoods Group thường xuyên tập huấn cho cán bộ kỹ thuật vùng trồng và nông dân về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho chanh leo.

Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với các đơn vị quy hoạch vùng trồng và phát triển các mô hình canh tác chanh leo theo hướng hữu cơ hiệu quả để có cơ sở khuyến khích nông dân chủ động làm theo.

Xin cảm ơn bà!

Sau gần 6 năm đàm phán, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam từ 1/7/2022.

Trước mắt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gồm: Hữu Nghị quan; Pò Chài; Ga Đường sắt Bằng Tường; Bằng Tường; Đông Hưng; Long Bang và Thủy Khẩu.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật của Việt Nam. Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình xuất nhập quả chanh leo tươi của Việt Nam để làm cơ sở tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam.

Hiện Việt Nam có 46 địa phương trồng và sản xuất cây chanh leo với hơn 6.000ha, sản lượng đạt hơn 111.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt 22,67 tấn/ha. Dự kiến, giai đoạn năm 2025 - 2030, cả nước ổn định diện tích chanh leo từ 12.000 - 15.000ha, sản lượng quả tươi đạt 300.000 - 400.000 tấn/năm.

Tất cả vùng trồng muốn xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)… Phía Trung Quốc cũng đặt ra những yêu cầu về quản lý cơ sở đóng gói, bao bì quy cách đóng gói rất nghiêm ngặt.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.