| Hotline: 0983.970.780

Tàu Lim Xanh ra Tư Chính

Thứ Ba 17/12/2019 , 09:11 (GMT+7)

Đó là con tàu của thuyền trưởng Đặng Đình Xô Việt, phần mũi tàu được anh gia cố bằng súc gỗ lim xanh cứng như thép, có giá 30 triệu/khối.

1-nnvn-xo-viet13034694
Thuyền trưởng Đặng Đình Xô Việt nhiều năm gắn bó với biển.

Năm 2014, đoàn tàu cá của ngư dân TP Đà Nẵng tiến ra khơi tham gia đấu tranh với hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Năm đó, thuyền trưởng Đặng Đình Xô Việt nhìn chiếc tàu nhỏ với vẻ tiếc nuối vì đứng ngoài cuộc. Chiếc tàu mới hạ thủy của anh lần này như một chiến mã trên biển cả. Anh và nhiều ngư dân khác ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đang sẵn sàng tiến ra bãi Tư Chính.
 

Ngư dân là lính

Con tàu ĐNa 91059 TS được các ngư dân thay lá cờ Tổ quốc mới. Ngày mưa gió, cờ Tổ quốc mau bạc màu và bị tước ở các góc. Con tàu này nổi bật giữa đoàn tàu đang neo đậu tại cảng cá âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng.

Thân tàu sơn màu xanh nhạt, 3 vệt kẻ màu đen chạy dọc thân tàu giống như những chiếc kiềng thép gia cố cho thân vỏ gỗ, số tàu cũng được viết vẽ đẹp, dạng chữ nổi. Thuyền trưởng và chủ tàu là Đặng Đình Xô Việt có dáng người vạm vỡ, giọng nói to, mái tóc cắt ngắn, phong cách đúng chất của một người dân chài thực sự.

“Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 thì em xin đưa con tàu cũ ra biển tham gia ngăn chặn hành vi của họ, nhưng chờ mãi không thấy gọi tên, còn năm nay thì quyết tâm cùng anh em đưa tàu vô bãi Tư Chính để đánh bắt, đấu tranh với hành vi ngang ngược”, câu đầu tiên của thuyền trưởng Việt đã nói lên bản lĩnh, trách nhiệm và tâm huyết của một ngư dân với chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Tôi hỏi thử vài câu chuyện để biết “bản lĩnh” của thuyền trưởng 41 tuổi này cỡ nào mà lại mạnh dạn mang con tàu gỗ dài 21,5 mét của mình ra vùng biển nóng, nơi tàu thăm do địa chất Hải Dương 8 vừa mới rút đi.

Anh Việt cho biết “đối với tàu Trung Quốc thì ra biển gặp hoài và không có gì phải sợ, lần trước tàu ra đánh cá ở đảo Cát Vàng (Hoàng Sa) thì họ đưa tàu tuần tra tới đuổi, anh em chỉ nhích ra ngoài một chút rồi lại buông lưới”.

Giọng nói và nét mặt bình thản của thuyền trưởng Việt đã khiến tôi cảm nhận, đây là một “ngư dân chì”, không lùi bước trước những con tàu to xác, hung hăng đe dọa ngư dân Việt Nam.

Ở TP Đà Nẵng, lớp thanh niên trẻ bây giờ phần nhiều đã quen với cuộc sống, công việc hàng ngày diễn ra trong phòng máy lạnh, không lựa chọn cuộc đời lênh đênh biển khơi, khi nắng, khi mưa.

Còn chàng trai Đặng Đình Xô Việt ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà thì vẫn quyết định cuộc đời mình là sống trên con tàu, mỗi năm 11 tháng sống trên biển, toàn bộ đội ngư dân đi bạn trên tàu đều là những thanh niên Đà Nẵng yêu biển, gắn bó với nhau như một gia đình nhỏ, bình quân mỗi ngư dân đi bạn thu nhập được khoảng 80 – 100 triệu đồng/năm.

Anh Việt cho biết, đây là con tàu đầu tiên nhận gói hỗ trợ 800 triệu/tàu của TP Đà Nẵng nên còn được ngư dân gọi là “tàu bảo vệ chủ quyền”. Việc đóng tàu bảo vệ chủ quyền, xỏ mũi tàu là gỗ lim xanh được anh kể lại khá thú vị.
 

Tàu bám biển

Năm 2014, ngư dân Đặng Đình Xô Việt rời chiếc tàu cá mà anh gắn bó suốt 20 năm để lang thang khắp các bãi đà, vựa gỗ để phác thảo vật liệu, đóng chiếc tàu mới.

Thời điểm đó, biển Đông tiếp tục nóng bỏng và cụm từ “ngư dân bám biển” liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. TP Đà Nẵng đã chi 165 tỷ đồng để khuyến khích ngư dân bám biển bằng việc hỗ trợ 40% bảo hiểm thân vỏ tàu từ 90 mã lực trở lên; ngư dân còn được hỗ trợ 40% chi phí mua máy, thiết bị đánh bắt.

Thiếu tá Hoàng Duy Linh chia sẻ niềm vui với thuyền trưởng Việt.

“Con tàu mới phải chắc chắn như tàu vỏ thép, chịu đựng được những chuyến đi dài và tuổi thọ phải trên 30 năm”. Từ những tính toán trên, anh Việt quyết định chọn những súc gỗ già có đường kính dài hơn 2 mét, thuộc loại cây bô bô, sến mũ, chò. Mũi tàu được anh gia cố bằng súc gỗ lim xanh cứng như thép, có giá 30 triệu/khối.

Anh Việt tiếc rẻ gõ vào các khúc gỗ cây kiềng kiềng mà mình không đủ tiền để mua. Kiềng kiềng được xem là vua của gỗ đóng tàu, vì thớ gỗ mịn, không bị mối mọt, không mục trong nước biển, nhưng nếu mua 90 khối gỗ kiềng kiềng để đóng vỏ tàu thì vượt quá khả năng tài chính, trong khi tổng giá trị cả lưới lẫn tàu chỉ khoảng hơn 6 tỷ đồng.  

Có thể nhìn thấy tính ưu việt và tiện lợi hơn trong chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu của TP Đà Nẵng, so với chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đó là ngư dân có toàn quyền tự chủ chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng, chỉ đâu thì đóng ở đó.

Trong 3 tháng ròng rã, thuyền trưởng Việt sút hơn 10 kg thịt vì lăn lộn ở bãi đà đóng tàu. Anh cho biết, tàu này của mình, nên phải giám sát, đốc thúc thợ, có những cái mình tự tay tham gia làm để vỏ tàu chắc chắn, mạch gỗ thật khít.   

Bước lên con tàu ĐNa 91059 TS, cảm giác đã nhất là sàn tàu rộng đến 6,5 mét, các thiết bị trên tàu như định vị Bruno, máy dò cá Sonar, Icom Galaxy, máy định dạng Hayang làm cho con tàu trở nên hiện đại.

Khi ra khơi đánh bắt, các thiết bị này giúp cho tàu anh luôn kết nối đồng bộ trong mọi điều kiện thời tiết với nhóm tàu trong tổ đoàn kết. Giàn lưới rê nổi dài đến 13 km muốn đánh bắt thành công thì phải ra các tọa độ xa bờ. Khi ra khơi, các ngư dân đi bạn thường xuyên nghe thuyền trưởng Việt nhấc máy điện đàm trao đổi tình hình với các tàu ĐNa 91025 TS và các tàu có biệt danh “Mai 64, Bút 47…”.
 

Bám biển, giữ biển

Con tàu ĐNa 91059 TS bơm đầy dầu, lèn cứng lương thực và thực phẩm dưới hầm đá để chuẩn bị cùng các tàu trong nhóm, các tổ đoàn kết ở Quảng Nam mở biển ra bãi Tư Chính vào những ngày cuối năm.

Giàn lưới rê nổi dài 13 km phải sử dụng máy kéo trong 4 giờ.

Năm 2018, khi hạ thủy tàu và đi phiên biển đầu tiên, giàn lưới khủng này đã quét một vệt dài trên mặt biển, các tín hiệu phao đều hiện lên trên màn hình định vị để thuyền trưởng kiểm soát. Kết thúc mẻ lưới đầu tiên, các ngư dân đã kéo lên tàu các loại cá lớn chứ không hề có cá nhỏ như lưới giã cào, vì mắt lưới rê nổi to hơn 1 gang tay nên cá con đi lọt qua lỗ lưới rộng.

Giàn lưới có giá lên đến hàng tỷ đồng này nếu rải trên mặt biển, cứ mỗi đoạn lưới dài 2 km được gắn một chiếc phao và lá cờ Tổ quốc. Khi đánh bắt ở bãi Tư Chính, mỗi giàn lưới sẽ kéo theo một dải cờ Tổ quốc dập dềnh trên sóng nước, hình ảnh về sự hiện diện của ngư dân Việt Nam.

Thiếu tá Hoàng Duy Linh, cán bộ Đồn biên phòng Sơn Trà, Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng là người thường xuyên gần gũi với ngư dân. Anh Linh chia sẻ, thuyền trưởng Việt là người đánh bắt thành công, mới sau hơn 1 năm đóng tàu đã trả ngân hàng được khoảng 1 tỷ, anh em bạn đều có thu nhập tốt để lo cho gia đình. Anh Việt còn là người rất có trách nhiệm trong việc vừa đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

10ha rừng Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang bốc cháy trong đêm

Hà Giang Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, đêm 26/4, địa phương này ghi nhận có vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực rừng Tây Côn Lĩnh, thuộc huyện Vị Xuyên với diện tích khoảng 10ha.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm