| Hotline: 0983.970.780

Tây Giang ký sự

Thứ Tư 18/12/2013 , 10:21 (GMT+7)

Tây Giang là huyện vùng cao đặc biệt khó nằm phía Tây tỉnh Quảng Nam với hơn 91% đồng bào Cơ Tu sinh sống. Có dịp đến đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện lạ lùng, đặc biệt gặp những con người hết sức phi thường. Xin kể lại những mẩu chuyện đó qua loạt ký sự này.

Tây Giang là huyện vùng cao đặc biệt khó nằm phía Tây tỉnh Quảng Nam với hơn 91% đồng bào Cơ Tu sinh sống. Có dịp đến đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện lạ lùng, đặc biệt gặp những con người hết sức phi thường. Xin kể lại những mẩu chuyện đó qua loạt ký sự này.

NGƯỜI ĐƯỢC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG KHI CÒN SỐNG

Chúng tôi vượt con đường có tên Cơlâu Blao để lên "đỉnh trời" thuộc 4 xã biên giới của Tây Giang, gồm: Tr’hy, Axan, Ch'ơm, Gary. Con đường ấy do chính ông Cơlâu Blao (SN 1943, thôn Voòng, xã Tr’hy) tìm ra. Ngoài việc tìm ra đường "lên trời", già làng Blao còn nhiều biệt tài khác.

TÌM ĐƯỜNG LÊN TRỜI

Tr’hy đón khách lạ với những trận mưa xối xả. Nằm ở độ cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, mùa đông Tr’hy chìm trong sương mù bao phủ chẳng khác gì một Sa Pa thu nhỏ.

Trong căn nhà sàn to đẹp nhất thôn Voòng, già làng Cơlâu Blao vui mừng khi có khách đến chơi. Gặp ông, tôi hỏi về chuyện mở ra con đường được cho là huyền thoại, ông Blao vui vẻ: Đó là cả một quá trình gian khổ, nếu không có ý chí và sự đồng lòng thì khó có thể làm được. Như thời điểm này thì quá dễ dàng nhưng lúc tui bắt tay làm thì khó khăn vô cùng. Đào đất bằng cuốc xẻng, phá đá bằng xà beng. Có người còn bảo, do Blao đi rừng nhiều nên mới làm như vậy, chắc bị nhầm đường.


Già làng Cơlâu Blao với dụng cụ săn bắn của người Cơ Tu
 

Sau chiến tranh, từ trung tâm huyện Tây Giang muốn lên được Tr’hy và 3 xã còn lại thì chỉ có một con đường mòn do bộ đội mở đi hành quân, vận chuyển, mang vác lương thực. Nhưng đường lắm dốc, nhiều đèo, có đoạn phải trèo qua vách đá dựng đứng. Từ Tr’hy đi xuống huyện mất 4 ngày, 2 đêm và là nỗi sợ hãi đối với bất kỳ ai đi qua.

Lúc đó, Blao làm y sĩ xã và thường xuyên cuốc bộ xuống huyện họp hay mang thuốc lên chữa bệnh cho bà con thôn bản. Mỗi lần như vậy, Blao mang theo thức ăn để nghỉ lại giữa rừng. Đi thấy cực quá, Blao nghĩ rằng, có thể làm một con đường mới gần và dễ đi hơn đường này không?

Câu hỏi ấy được Blao suy nghĩ nhiều năm liền. Mỗi lần ra huyện, Blao lại trèo lên những ngọn núi cao nhất để quan sát, cứ dần thành quen, con đường hình thành trong trí nhớ của ông. Trong vòng 2 năm trời, vừa đi, vừa phát cây làm dấu giữa những cánh rừng già, Blao đã hoàn thành con đường cho riêng mình. Đi lại nhiều lần, từ lối nhỏ được mở ra dần. So với đường cũ giảm được 2 ngày 1 đêm.


Blao phục dựng tượng gỗ của người Cơ Tu

Vào cuối năm 1977, Blao huy động bà con dân bản đi mở đường, khi biết được tin đó, chính quyền huyện không ở ngoài cuộc. Huyện hỗ trợ cho Blao 15 cái cuốc, xẻng và 1 cái rìu. Cứ chia cho 5 người một cái cuốc, 5 người một cái xẻng. Rồi dao, rựa thì lấy mẻ bom, vỏ đạn rèn để chặt cây. Với quãng đường 25 km từ xã Lăng đến Tr’hy chỉ trong vòng 2 năm trời, Balao và người dân đã tạo ra một con đường mới. Từ Tr’hy được mở lên 3 xã còn lại.


Con đường lên 4 xã biên giới huyện Tây Giang, già làng Blao mất 2 năm tìm ra

Giờ đây, từ trung tâm huyện Tây Giang lên 4 xã biên giới huyện Tây Giang, đi trên con đường Clâu Blao mở ra ngày nào đã được Nhà nước đầu tư mở rộng và rải nhựa. Con đường làm mới chẳng uốn nắn, dịch chuyển một khúc nào mà Blao làm trước đó. Những người thi công chẳng phải tốn công khảo sát cứ bám theo đường cũ mà làm, giảm được hàng chục tỷ đồng.

PHÚT LẶNG LÒNG VỀ HỔ

Nhắc đến câu chuyện người Cơ Tu săn bắt thú rừng, khuôn mặt Blao rất buồn: Thú rừng giờ bị giết hết rồi. Trước đây, tui cũng là một người thường xuyên săn bắt. Đừng có trách gì người Cơ Tu sống nhờ rừng, tìm kiếm nguồn thức ăn từ rừng nhưng đó chỉ là một phần thôi, người miền xuôi mua với giá cao nên thú mới cạn kiệt.

Blao sinh ra ở vùng đất Tr’hy, thủa niên thiếu đã cầm súng tham gia kháng chiến, câu chuyện về ông có tài giết giặc lúc nào cũng nóng hổi ở chốn vùng cao này.


Tấm da hổ được ông Blao cất giữ mấy chục năm nay

Ông Blao say sưa kể: Trong chiến tranh tiếng bom, tiếng đạn nổ suốt ngày đêm nên hổ vào rừng sâu không bén mảng đến gần dân làng. Khi chiến tranh kết thúc là thời điểm hổ thường về làng bắt bò, trâu, lợn… thậm chí bắt cả người. Cứ mỗi lần như vậy, Blao dẫn đầu đoàn thanh niên trong làng truy lùng để báo thù. Người Cơ Tu bắn súng rất giỏi.

“Trước đây, hổ là nỗi ám ảnh của bà con, trong làng ai mà giết được hổ giống như giết được giặc Mỹ. Người đó được làng phong tặng anh hùng giết hổ kèm theo những phần thưởng. Chiến tích giết hổ thì không ai vượt mặt được tui, 4 con hổ đã bị tui hạ ngục”, già làng Blao tâm sự.


Nhớ hổ, ông Blao khắc nhiều tượng hổ

Ông Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Tr’hy, đi cùng tôi, chen vào: Như năm 1987, có một con hổ về làng bắt bò, heo… liên tục. Trong thời gian 1 tháng mà có hơn 10 con bò, trâu nhốt ở ngoài nương bị hổ bắt. Con hổ này quái lắm, mỗi lần nó bắt được trâu, bò, chỉ cắn xẻ một nửa rồi vứt lại.

“Thời điểm đó, cứ 5 giờ chiều mọi người phải về đóng cửa cố thủ trong nhà, nếu có đi rừng thì từ 2 người trở lên mang theo lao, nỏ. Khắp làng nơi đâu cũng đào hầm, đặt bẫy, chông, còn thanh niên thay nhau phục kích để giết hổ nhưng chẳng làm được gì nó. Cuối cùng, mọi người lấy một con bò đặt mìn khắp bao quanh để nhử hổ. Thế là con hổ dính phải mìn bị nổ banh xác”, ông Mười kể lại.

Ông Mười vừa dứt lời, già làng Blao mở trong tủ ra một tấm da hổ giữ hơn 30 năm nay khoe với chúng tôi rằng, con hổ này chính tay Blao dùng súng AK bắn chết để trả thù cho dân làng. Mặc dù thời gian đã trôi qua nhưng tấm da hổ sáng bóng, màu sắc rất đẹp. “Con hổ này tui bắn 5 viên đạn AK mới giết được. Nó đã bắt bao nhiêu trâu bò và một mạng người trong làng. Để giết được nó, tui phải phục kích 2 tháng trời”, Blao nói.


Cống hiến cho xã hội nhiều việc làm có ý nghĩa, già làng Blao được Nhà nước tặng nhiều bằng khen
 

Blao nhớ lại: Hổ bị giết, dân làng tặng cho tui hai con bò đấy. Người Cơ Tu không ăn thịt hổ, cũng chẳng giết hổ mô, chỉ những con nào về phá hoại của dân làng thì mọi người mới phục kích giết. Những năm trước đây, người dưới xuôi kéo từng đoàn, ngày đêm săn lùng bắt hổ, cũng vì rứa mà cánh rừng xã Tr’hy không còn hổ xuất hiện.

Nhớ loài chúa sơn lâm không còn xuất hiện ở những cánh rừng xã Tr’hy, già làng Blao tự tay mình tạc hàng chục tượng hổ để khắp nhà mình, nhà Gươl của thôn, xã. “Việc tui làm là để nhắn nhủ bọn trẻ hãy bảo vệ thú rừng. Súng đạn bị chính quyền thu hồi thì đừng sử dụng mà vi phạm pháp luật. Có hổ xuất hiện thì báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý”, Blao cho biết.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm