Ngày 3/11 tại Đăk Lắk, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo “Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV tại Tây Nguyên”.
Nhiều hành vi vi phạm
Theo báo cáo của Cục BVTV, toàn vùng có 176 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Hình thức tổ chức sản xuất cà phê tại Tây Nguyên chủ yếu là sản xuất cá thể chiếm 90%, khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung.
Việc tái canh cà phê già cỗi, sâu bệnh, chất lượng kém đang gặp khó khăn vì cần thực hiện quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và vốn đầu tư lớn. Tình trạng thu hái quả xanh diễn ra phổ biến, khâu chế biến còn bất cập, thiếu gắn kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ; một số doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn chưa quan tâm nhiều đến phát triển vùng nguyên liệu...
Hiện nay, hệ thống buôn bán thuốc BVTV tại Tây Nguyên có khoảng 3.400 cơ sở kinh doanh. Trong đó, 139 doanh nghiệp, 3.241 hộ kinh doanh; 20 HTX dịch vụ có kinh doanh thuốc BVTV.
Trong 3 năm từ 2019 - 2021, các cơ quan chức năng tại Tây Nguyên thực hiện 58 cuộc thanh kiểm tra với gần 2.000 cơ sở kinh doanh. Trong đó, hơn 400 đơn vị vi phạm bị cơ quan chức năng xử phạt.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay hành vi vi phạm trong việc kinh doanh thuốc BVTV phổ biến như: Ghi thêm đối tượng phòng trừ trên nhãn hàng hóa; buôn bán thuốc BVTV chung với thuốc y tế; buôn bán thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; buôn bán thuốc BVTV mà giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV hết hạn sử dụng; buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng; buôn bán thuốc BVTV có nhãn sai quy định; buôn bán thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng...
Tứ bề khó khăn
Hiện công tác quản lý việc kinh doanh, mua bán thuốc BVTV gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, 4/5 tỉnh Tây Nguyên đã chuyển Trạm Trồng trọt và BVTV thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hoặc Trung tâm nông nghiệp.
Theo đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh không chỉ đạo trực tiếp các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, chỉ có chức năng phối hợp nên việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn chuyên ngành tại cơ sở chậm, không kịp thời, chất lượng thấp. Từ đó, công tác thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, số lượng các cơ sở buôn bán thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng nhiều, phân tán rải rác, địa hình phức tạp.
Nguồn lực về con người, đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành ở các địa phương thiếu về số lượng, chưa được tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ. Kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, thử nghiệm mẫu còn hạn chế; trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động thanh, kiểm tra, lấy mẫu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Công tác đấu tranh ngăn chặn buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục trên các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do hành vi, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, thường được đưa qua biên giới bằng nhiều cách, chủ yếu vận chuyển qua đường mòn, lối mở dọc biên giới. Số thuốc BVTV nhập lập chủ yếu buôn bán, sử dụng tại vùng sâu và một ít đưa sâu vào nội địa thì thường không bày bán công khai.
Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành khi muốn kiểm tra phải có quyết định thành lập đoàn, không thể khám xét trực tiếp khi thấy dấu hiệu vi phạm dẫn tới việc không kịp thời ngăn chặn đối tượng vi phạm tẩu tán tang vật.
Trên địa bàn khu vực Tây Nguyên không có đơn vị kiểm định chất lượng thuốc BVTV. Vì vậy các sản phẩm được lấy mẫu kiểm định phải gửi đến trung tâm ngoài tỉnh để kiểm định chất lượng nên khi có kết quả thường phải mất 30 - 45 ngày. Việc chậm có kết quả dẫn đến hàng hóa không đảm bảo chất lượng vẫn tiêu thụ, chưa được ngăn chặn kịp thời.
Hiện đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính về ghi nhãn hàng hóa, tuy nhiên việc buôn bán thuốc BVTV vi phạm về nhãn hàng hóa vẫn xảy ra. Mức xử phạt hành vi vi phạm nhãn hàng hóa được căn cứ vào giá trị lô hàng nên chế tài xử phạt các cơ sở kinh doanh còn nhẹ, tính răn đe chưa cao.
Các chế tài xử lý những trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV nói chung và sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng nói riêng đã tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong việc xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về buôn bán, sử dụng thuốc BVTV vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, Sở chỉ có 3 cán bộ thực hiện thanh tra mảng trồng trọt, lực lượng mỏng nên rất khó quản lý.
Theo ông Thái, địa phương có một số khó khăn như việc buôn bán sản phẩm nằm ngoài danh mục trên mạng rất phổ biến. Công tác phân tích kiểm nghiệm các sản phẩm vi phạm rất lâu dẫn đến hạn chế trong việc ngăn chặn. “Để khắc phục những khó khăn trên, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh ban hành quy định, giao trách nhiệm cho từng sở ngành, đơn vị quản lý về thuốc BVTV. Chúng tôi đề nghi Cục BVTV cũng như Bộ NN-PTNT cần có những giải pháp liên quan đến những khó khăn trên”, ông Thái trình bày.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hội thảo sẽ bàn luận để xây dựng phương hướng, giải pháp về công tác BVTV, quản lý thuốc BVTV hiệu quả, khả thi ở các tỉnh trồng cà phê. Việc này hướng tới sản xuất cà phê hiệu quả, an toàn hơn và bền vững hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Việt Nam nói chung, ở các tỉnh Tây Nguyên nói riêng.
“Có 3 nhiệm vụ chính tại hội thảo là phân tích, mổ xẻ với hệ thống quản lý về thuốc BVTV như hiện nay thì có quản lý được việc kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV hay không. Việc sử dụng thuốc BVTV sao cho có hiệu quả và truyền thông sao cho người dân sử dụng thuốc có trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng”, ông Dương nói và cho biết với những khó khăn, cần tìm giải pháp để khắc phục, làm sao cho hoạt động hiệu quả nhất.
Ngày mai (4/11), hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với nội dung về công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về thuốc BVTV và phổ biến, hướng dẫn của Cục BVTV về việc triển khai Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Ông Nghiêm Quang Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục BVTV) cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, cơ quan chức năng cần kiện toàn hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Cục BVTV đề nghị cơ quan có thẩm quyền đề xuất, sửa đổi quy định áp dụng hình thức xử phạt dựa trên xác định trị giá thuốc BVTV vi phạm đối với trường hợp xử phạt buôn bán thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Cơ quan có thẩm quyền cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện thử nghiệm thuốc BVTV. Đối với các mẫu thanh tra, kiểm tra do cơ quan quản lý nhà nước gửi tới, các đơn vị thử nghiệm cần tập trung nguồn lực để phân tích, thử nghiệm và trả kết quả sớm để có thể xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về chất lượng thuốc BVTV, phân bón…