| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi yến [Bài 2]: Còn yếu khâu kỹ thuật và thị trường

Thứ Hai 30/10/2023 , 14:12 (GMT+7)

Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng ngành nuôi yến tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng cũng đang đối mặt khó khăn về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm bấp bênh.

Nhận thấy tiềm năng phát triển ngành yến, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý rất quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nghề nuôi yến tại Đắk Lắk còn nhiều khó khăn.

Ông Trần An Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Yến tổ DAKNET cho biết, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi yến vì có thời tiết thuận lợi, không khí trong lành nên chất lượng yến cao hơn một số địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi yến tại Đắk Lắk đi sau các nước hơn 10 năm nên chất lượng yến và giá thành không thể cạnh tranh lại.

Ngoài ra, người dân tại Đắk Lắk hiện nay đang nuôi yến tự phát mà không có chương trình tập huấn về kỹ thuật. Do đó, sau này nghề nuôi yến có phát triển lớn về quy mô nhưng kỹ thuật không có dẫn đến chất lượng không đảm bảo khó khăn cho việc xuất khẩu.

“Khi không có kỹ thuật tổ yến rất dễ nhiễm độc. Hiện nay tại Việt Nam cũng chưa có kỹ thuật nuôi yến chuẩn. Do đó cơ quan chức năng cần đào tạo sinh viên chuyên về ngành nuôi yến.

Hiện nay Đắk Lắk chưa quy hoạch khu vực nuôi yến nên gây khó khăn cho quản lý. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay Đắk Lắk chưa quy hoạch khu vực nuôi yến nên gây khó khăn cho quản lý. Ảnh: Quang Yên.

Ngành yến phát triển lâu nay nhưng chưa có kỹ sư về nuôi yến mà chủ yếu kinh nghiệm được truyền từ người nuôi trước sang người sau. Người dân chưa có kỹ thuật nên khi làm ra tổ yến thì được nhưng tạp chất trong tổ còn nhiều. Đây là hàng cao cấp, tiềm năng phát triển, lợi nhuận cao. Khi làm tốt thì giá trị yến sẽ được nâng cao”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, tại Đắk Lắk hiện nay ngoài những cơ sở bước đầu có hiệu quả kinh tế, một số hộ nuôi không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, vùng sinh thái và tập tính của chim yến nên khi xây nhà xong thì chim không về làm tổ hoặc chim về nhưng bị chết do thời tiết thay đổi. Hoạt động của các cơ sở nuôi chim yến cũng tồn tại nhiều vi phạm so với quy định.

Cụ thể, tình trạng vi phạm của các chủ cơ sở nuôi yến thì công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng chưa được siết chặt. Các cơ quan chức năng chưa tiến hành kiểm tra các điều kiện, quy định nuôi chim yến như công tác bảo vệ môi trường, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành việc sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến và quy định của Luật Chăn nuôi.

Việc xây dựng nhà yến hoặc cơi nới nhà ở để nuôi yến cũng chưa được kiểm tra, xử lý nghiêm. Nguyên nhân của tình trạng này là do tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch vùng nuôi chim yến nên địa phương không thể cấp phép cho các hộ nuôi chim yến, các cơ sở đều hoạt động tự phát.

Bên cạnh đó, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định điều kiện về xây dựng chuồng trại, quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh, quy cách chuồng trại nuôi yến. Do đó, cơ quan chức năng gặp khó khăn, lúng túng trong việc quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm.

Do chưa có quy chuẩn cụ thể nên việc nuôi yến tại Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Do chưa có quy chuẩn cụ thể nên việc nuôi yến tại Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định; việc đầu tư vào khâu chế biến sâu để đa dạng hóa, tăng giá trị còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị kinh tế chưa cao.

Tình trạng nuôi chim yến tự phát trong khu dân cư không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn phá vỡ quy hoạch xây dựng, nguy cơ phát sinh ô nhiễm, dịch bệnh gia cầm. Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, nghề nuôi yến của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn như ngoài những doanh nghiệp, cơ sở nuôi yến đã tham gia vào các chuỗi liên kết trong và ngoài tỉnh thì còn một bộ phận lớn các cơ sở nuôi yến hình thành tự phát, theo phong trào, chưa có định hướng phát triển mang tính chiến lược. Việc quản lý, kiểm soát số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm còn khó khăn.

Hiện nay, Sở NN-PTNT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý nhà nước đối phát triển nuôi yến trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua việc quản lý mới được thực hiện trên một số cơ sở có kê khai nhà yến. Các cơ sở không kê khai khiến việc quản lý khó khăn.

Việc quản lý, kiểm soát đoàn yến tại Đắk Lắk còn nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Việc quản lý, kiểm soát đoàn yến tại Đắk Lắk còn nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

“Trung ương vẫn chưa bàn hành được quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn nhà yến, quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh cho phù hợp với từng vùng, từng giai đoạn vì vậy cũng gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương. 

Việc săn bắt chim yến sử dụng vào mục đích khác như phóng sinh đang diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh gây nguy cơ làm suy giảm nguồn chim yến giống, quần thể chim yến trong tự nhiên, gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, thất thoát nguồn lợi thiên nhiên và gây thiệt hại lớn về kinh tế”, ông Côn nói.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.