| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi yến [Bài 3]: Xuất khẩu vẫn vướng

Thứ Ba 31/10/2023 , 08:31 (GMT+7)

Nghị định thư đã ký hơn một năm nhưng các doanh nghiệp tại Đắk Lắk vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu yến theo đường chính ngạch vì vướng.

Hiện nay thủ tục xuất khẩu yến còn gặp nhiều khó khăn vì vướn thủ tục. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay thủ tục xuất khẩu yến còn gặp nhiều khó khăn vì vướn thủ tục. Ảnh: Quang Yên.

Ông Trần An Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Yến tổ DAKNET cho biết, doanh nghiệp bắt đầu nuôi yến từ năm 2015 ở huyện Krông Pắc. Đến năm 2019, thành lập công ty thu mua của người dân để xuất khẩu.

“Từ khi có thông tin xuất khẩu chính ngạch, Công ty cũng xây dựng hồ sơ, nhưng hiện việc hoàn thiện các thủ tục còn nhiều khó khăn. Trung Quốc muốn truy xuất nguồn gốc nhưng Việt Nam hiện chưa cấp được mã số nhà yến, thủ tục còn rườm rà, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Đối tác muốn khi nhập hàng họ có thể truy xuất nguồn gốc xem đây có phải là yến Việt Nam hay mua của các nước khác. Hiện nay, các thủ tục đã hoàn thiện, chỉ chờ cơ quan chức năng cấp giấy cho các nhà nuôi yến có thể xuất khẩu”, ông Thịnh nói và cho biết, khi xuất khẩu chính ngạch sẽ nâng được giá trị của yến sào Việt Nam.

Tương tự, ông Hồ Nhật Vỹ, Chủ hộ kinh doanh yến sào Sơn Hải (TP Buôn Ma Thuột) cho rằng, hiện nay mặc dù Nghị định thư đã ký với Trung Quốc nhưng còn vướn mắc từ đầu vào đến đầu ra. Khi nắm được thông tin yến sẽ xuất khẩu chính ngạch Công ty đã thuê một đơn vị bên ngoài làm các thủ tục liên quan.

“Doanh nghiệp bắt đầu làm thủ tục xuất khẩu từ hơn 2 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Bây giờ đơn vị vẫn đang xuất khẩu yến bằng đường tiểu ngạch. Đầu mối khách hàng bên Trung Quốc nhiều, tuy nhiên do chất lượng yến hiện nay chưa đạt nên số lượng xuất không được lớn. Do không có kỹ thuật nên người dân nuôi yến cho ra sản phẩm không tốt, không đủ điều kiện xuất khẩu", ông Vỹ chia sẻ.

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu yên qua đường tiểu ngạch. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu yên qua đường tiểu ngạch. Ảnh: Quang Yên.

Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk cho biết, Nghị định thư đã ký hơn một năm trước, đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng hồ sơ, nhưng đến nay mới có một doanh nghiệp ký kết xuất khẩu, song chưa biết khi nào được xuất lô hàng đầu tiên. Để sản phẩm của các thành viên được tiêu thụ, Hiệp hội đã kết nối rất nhiều chuỗi để các thành viên tham gia, bán hàng.

Trước giờ, đầu ra yến chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khoảng 20 - 30%, sản lượng còn lại được tiêu thụ trong nước. Nếu yến xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp đẩy giá bán sản phẩm được nâng lên. Khi nhu cầu tăng giá sẽ tăng.

"Hiện tại, giá yến đang rớt do một số nước bị tước giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc vì bị phát hiện ra một số chất độc hại trong sản phẩm. Do đó lượng yến của một số quốc gia này nhập về Việt Nam khá nhiều cộng với kinh tế sụt giảm nên giá yến cũng giảm sâu, khoảng 30% so với giá trước đây. Các doanh nghiệp, người dân đang chờ xuất khẩu chính ngạch để kéo giá bán yến quay trở lại như trước”, ông Hậu chia sẻ.

Theo ông Hậu, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ hỗ trợ người chăn nuôi về kỹ thuật. “Người dân cần nâng cao chất lượng tổ để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện chỉ có khoảng 10-20% sản lượng yến đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Trung Quốc. Việc xuất khẩu còn nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, đến hồ sơ thủ tục", ông Hậu nói.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký và có hiệu lực, đơn vị đã chủ động cử cán bộ tham gia các Hội nghị, Hội thảo do Bộ NN-PTNT tổ chức.

Sau đó, Sở NN-PTNT đã chủ động tuyên truyền, phổ biến Nghị định; phối hợp với Hiệp hội Yến sào tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm tổ yến và tinh chế tổ yến; Quy trình vận hành nhà yến hiệu quả; vệ sinh thú y nhà yến”

Đắk Lắk đang xây dựng đề án phát triển ngành yến sào của địa phương. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk đang xây dựng đề án phát triển ngành yến sào của địa phương. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Côn, hiện một số doanh nghiệp sản xuất yến tại tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện hoàn thiện các điều kiện để đăng ký xây dựng mã định danh, sản xuất sản phẩm theo chuỗi truy xuất được nguồn gốc đáp ứng tiêu chuẩn hướng tới phục vụ cho xuất khẩu.

"Sở NN-PTNT đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Thú y Vùng V tổ chức thực hiện nhiều đợt lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại các nhà yến của tỉnh Đắk Lắk trong chuỗi liên kết của các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa; Công ty CP XNK Yến sào Thành Dung để hướng tới phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy trình để đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ trương xây dựng Đề án phát triển ngành hàng Yến sào tỉnh Đắk Lắk”, ông Côn chia sẻ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.