| Hotline: 0983.970.780

Thả… tiền trong thung

Thứ Ba 27/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

Từng là một trong những người nghèo nhất bản, ông Phàng A Của (SN 1958) đã biết tận dụng lợi thế nơi núi rừng để nuôi trâu. 

Từ con trâu ban đầu mà bố mẹ cho khi ở riêng, giờ ông đã có đàn trâu hơn 40 con. Ông Của còn ấp ủ quyết tâm biến bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La trở thành trang trại nuôi trâu lớn nhất cao nguyên Mộc Châu.

Gói muối, tiếng hú và đàn trâu

Ngôi nhà gỗ chắc chắn của gia đình ông Của nằm cuối bản. Nhà ông Của có ti vi, xe máy đầy đủ. So với những gia đình khác trong bản, gia đình ông thuộc diện khá. Ông thích sắm gì cũng được, chỉ cần vào rừng dắt theo vài con trâu ra là có khối tiền.

Gặp khách lạ muốn thăm đàn trâu của mình, ông Của phải đắn đo mãi mới chịu dẫn đi. Không phải ông ngại đường xa, mà lo là nhiều khi vào lũng cũng không gặp được đàn trâu của mình.

Chúng tôi phải thuyết phục mãi, ông Của mới đồng ý. Năm nay đã gần 60 tuổi, nhưng nom ông Của còn rắn rỏi lắm. Minh chứng là ngày mưa ông vẫn cuốc bộ 20 cây số đường rừng để lên kiểm tra đàn trâu của mình.

Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn với con đường mòn xuyên qua tán rừng, chúng tôi mới đến được lũng Sáng Nhu. Cả một miền rừng rộng lớn giữa bốn bề mây núi. Nói là trang trại, chứ đất thả trâu của ông rộng cả trăm ha. Ông Của đứng bên mỏm đá nhìn trời, nhìn đất rồi nhìn vết chân trâu in trên nền đất, tủm tỉm: “May cho anh nhé, đàn trâu ăn gần đây thôi, chứ chưa đi xa đâu”.

Ở bản, ông Của chậm chạp, ít nói là vậy, nhưng khi đến lũng, ông lại vui tươi như người đi xa lâu ngày mới được trở lại quê hương.

Ông để túi muối bên mỏm đá rồi dùng cái loa tay đưa lên miệng hú một hồi dài. Tiếng hú của ông già người Mông to và vang tới tận dãy núi Pha Luông rồi đập lại nghe thật vui tai.

Hú xong, ông dừng lại nhìn về phía rừng già như đón đợi một điều gì đó. Thời gian khi đó trôi như chậm hơn. Đợi một lúc chưa thấy động tĩnh gì, ông Của lại hú tiếp, tiếng hú lần này mạnh và vang xa hơn.

Quả nhiên sự điều chỉnh của ông đã phát huy tác dụng, từ phía rừng xa các lùm cây bụi bỗng nhiên chuyển động. Tiếng động đó cứ nhằm thẳng chỗ ông đứng mà tiến về.

Lát sau đàn trâu đã tề tựu bên ông Của. Với túi muối dưới chân, ông cho chúng vào bàn tay, đám trâu tranh nhau ăn hết chỗ muối. Chúng quấn quýt lấy ông như không muốn rời. Khi tôi tiến đến gần, chúng bỗng chạy thục mạng vào rừng ẩn nấp. Hóa ra, chúng đã đánh hơi thấy mùi lạ nên đề phòng và chạy mất dạng.

Ông Của lại đưa cái loa tay lên miệng mà hú. Tiếng hú lần này không sâu và nặng âm lượng như lần trước mà nó dè dặt, dịu dàng như vỗ về đàn trâu. Chỉ đợi có thế, một số con trâu ló đầu ra cửa rừng như còn trông chừng điều gì đó.

Từ lúc đàn trâu trở về, ông Của vui ra mặt. Những nếp nhăn trên khuôn mặt ông bỗng giãn ra như vừa nhận ra một sự thay đổi trong đàn trâu này. “Lần này tôi có thêm 4 con nghé đấy. Bữa trước, tôi đếm mới chỉ có 42 con tất thảy, nay con số này đã lên 46 con. Có mấy con trâu cái vừa đẻ được khoảng nửa tháng. Thảo nào, chúng sợ người lạ. Hóa ra là vậy. Hóa ra là vậy”, ông Của tự thưởng thức niềm vui mà đàn trâu mang lại.

Ông Của bảo: Ở đây tôi không phải làm chuồng trại cho chúng. Nắng, mưa, chúng đều ở trong rừng. Nuôi đám này nhàn lắm, chỉ vất vả khi gây dựng đàn thôi, chứ giờ mỗi tuần tôi chỉ cần lên lũng cho chúng ăn muối là chúng quen đường về.

Kế hoạch táo bạo

Giờ đây đường nhựa đã vào đến bản Khò Hồng. Dãy núi đá cao ngất trời Pha Luông đã không thể ngăn nổi con đường thương mại với bên ngoài của bà con bản Khò Hồng. Tự nhiên đàn trâu của ông Của có giá cao gấp 2-3 lần so với trước đây.

Mỗi khi nhớ lại những ngày gian nan đã trải qua, ông Của chưa hết ngậm ngùi. Bà con người Mông trước đây nghèo khổ lắm, cái đói, cái nghèo bủa vây. Bố mẹ ông lại sinh nhiều con vì thế cuộc sống của gia đình càng thêm gian khổ.

img-1365164501350
Nuôi trâu, bò là lợi thế của cao nguyên Mộc Châu

“Bát cơm, củ sắn anh em tôi phải chia đều cho mấy người. Tôi nhớ nhất là nhà có chiếc áo mà bố tôi bán trâu mua được, 4 anh em chia nhau mặc. Ai có việc gì ra thị trấn hay ra xã thì mới diện vào. Về nhà thay ra phải giặt ngay để cho nó mới”, ông Của nhắc lại một thời đầy gian khó mà khuôn mặt đượm buồm.

Ngày ông Của lấy vợ, được bố mẹ cho ra ở riêng. Tài sản duy nhất là mà bố mẹ cho đôi vợ chồng trẻ là con 1 con ghé. Cũng như bao đời trước, vợ chồng ông Của lại lần hồi kiếm ăn bên mảnh nương, thửa ruộng. Nhớ lời bố dạy, ông Của đã kiên trì chăm bẵm con ghé, dần dần nó lớn thành con trâu. Mỗi mùa qua đi, con trâu cái này lại đẻ được 1 con ghé con. Không như những gia đình khác, nuôi ghé con được vài tháng rồi họ bán, ông Của giữ lại nuôi.

Sau chục năm, đàn trâu của ông Của đã lên đên 12 con. Đàn trâu mỗi năm lại bổ sung thêm được 1-2 con. Có những lúc đàn trâu của ông lên đến 70 con. Khi đó, ông mới bán tỉa dần. Một con trâu dắt ra khỏi lũng là mua được 1 cái xe máy. 5 con trâu to bán đi là dựng được một ngôi nhà. Chẳng thế mà ông Của dựng vợ, gả chồng cho con hay dựng nhà mới nhẹ tựa lông hồng. Của ở ngoài núi, ông chỉ việc hú hồi dài là đám trâu khắc tề tựu về đông đủ.

Suốt mấy chục năm chăm bẵm và tìm tòi cách chăm sóc đàn trâu, một điều ông Của nhận thấy rằng nuôi đám động vật “ăn cỏ uống nước lã” này là dễ kiếm tiền nhất. Rừng Chiềng Xuân rộng mênh mông, có thể nói rộng nhất nhì tỉnh Sơn La. Bản lại nằm cạnh Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, ông trời đã trao cơ hội làm giàu từ chăn nuôi cho bà con người Mông nơi đây. Chẳng thế mà bản Khò Hồng luôn là đơn vị có nhiều trâu, bò nhất huyện Vân Hồ.

Nói về cách làm của ông Của, ông Di, Trưởng bản Khò Hông, không giấu nổi niềm tự hào, từ cách làm của ông Của, các hộ gia đình cũng biết rào lũng để thả trâu, thả bò. Đến giờ toàn thôn có trên 400 trâu bò, so với trồng ngô, trồng lúa, nuôi trâu bò cho lợi nhuận cao gấp hàng chục lần. Con trâu, con bò đang giúp bà con nơi đây xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu.

Con mắt nhìn xa trông rộng của ông Của đã và đang giúp bà con nơi đây tìm được con đường thoát nghèo nhanh nhất. Theo ông Của, hiện giờ lũng thả trâu, bò của ông đã trở nên chật chội. Muốn nhân rộng đàn cần phải mở rộng vùng chăn thả ra.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha rộng cả mấy ngàn ha, nếu như bà con người Mông nơi đây mà đồng thuận cùng nhau làm rào, đoàn kết để chăn nuôi, chắc chắn số lượng trâu, bò trong bản không dừng lại ở con số hơn 400 con như bây giờ.

“Quan trọng là sự đồng thuận giữa bà con với nhau. Mỗi gia đình chỉ cần nuôi được 40-50 trâu bò, chắc chắn khi đó cái nghèo sẽ không còn đất sống ở nơi này. Giờ chỉ là cách làm của bà con thôi, chỉ khi nào bà con người Mông biết nắm tay nhau đoàn kết mới hy vọng “dự án” thả trâu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên mới thành hiện thực”, ông Của tự tin khẳng định.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm