| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình tăng tốc sản xuất vụ đông

Thứ Năm 30/09/2021 , 21:00 (GMT+7)

Thái bình đã gieo trồng được gần 10.000 ha cây vụ đông các loại. Tỉnh khuyến khích nông dân thuê mượn ruộng để sản xuất nhằm hạn chế tối đa tình trạng bỏ hoang ruộng.

Kế hoạch vụ đông 2021, tỉnh Thái Bình sẽ gieo trồng hơn 36.000ha cây rau màu các loại. Trong đó có 18.245ha cây trồng ưa ấm như, ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt… và 18.212ha cây ưa lạnh như khoai tây, cà chua, bắp cải, su hào, các cây rau ăn lá cùng một số loại rau gia vị khác.

Rau su hào trồng vụ sớm ở huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: H.Tiến.

Rau su hào trồng vụ sớm ở huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: H.Tiến.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết: Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp đảm bảo sản xuất:

Về kỹ thuật:

Ngay khi bước vào sản xuất vụ mùa, tỉnh đã chủ động cơ cấu hơn 30% diện tích các chân ruộng vàn, giàu dinh dưỡng, chủ động tưới tiêu cho gieo cấy các giống lúa năng suất chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn để thu hoạch lúa sớm, giải phóng đất sớm, trồng các cây vụ đông ưa ấm.

Một số giống rau màu đưa vào gieo trồng chính, gồm: Ngô nếp HN88, VN556, TBM18, VN559; ngô ngọt ĐL20, ĐL668; ngô bao tử (ngô rau) ĐK 49, LVN 23; các giống ngô sinh khối trồng làm thức ăn chăn nuôi như LCH9, ĐH17-5, VN172. Khoai tây có các giống Marabel, Solara, Atlantic, Diamant; bí xanh HN999; bí đỏ Gotal 999, Gotal 998; dưa chuột Thái Lan Chiatai 336... Ưu tiên sử dụng các giống khoai tây bảo quản trong kho lạnh, các giống dưa, bí và ớt lai (f1) năng suất chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Về thời vụ: Các giống ngô nếp, ngô ngọt, ngô rau có thời gian sinh trưởng ngắn, cho phép gieo trồng tới 15/10. Ngô sinh khối gieo hạt trước ngày 15/9, trồng bầu trước 10/10. Cây khoai tây tập trung trồng từ 15/10-05/11. Bí xanh trồng bầu gối vụ trong ruộng lúa trước ngày 10/9.

Bí xanh trồng xen canh gối vụ trong ruộng lúa mùa. Ảnh: H.Tiến.

Bí xanh trồng xen canh gối vụ trong ruộng lúa mùa. Ảnh: H.Tiến.

Để gieo trồng kịp thời các cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân cần tiêu rút nước sớm trên các chân ruộng lúa đã chín đỏ đuôi nhằm tạo thuận lợi cho máy móc vận hành thu hoạch lúa và làm đất trồng cây vụ đông.

Với cây ngô, nên xuống giống trong bầu, kết hợp trồng bầu theo phương pháp làm đất tối thiểu hoặc không làm đất. Bí xanh, bí ngô cũng gieo hạt trong bầu và trồng bầu giống xen trong ruộng lúa mới chín chắc xanh.

Mở rộng diện tích gieo trồng các cây vụ đông có giá trị cao, có đầu ra bao tiêu ổn định. Sản xuất theo hướng VietGAP và đạt chuẩn VietGAP. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh. Tưới nước tiết kiệm bằng sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác (rau, dưa, đỗ, lạc) để giữ ẩm đất, chống rửa trôi dinh dưỡng và khống chế cỏ dại phát triển.

Tổ chức thực hiện

Để thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế nói chung, mở rộng sản xuất vụ đông nói riêng, vừa phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh Covid-19, Thái Bình đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với quy định của Nhà nước, nhất là với các mặt hàng phân bón, thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng.

Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội nghề nghiệp sản xuất vụ đông trên cơ cở, tạo thuận lợi cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chứng nhận VietGAP và xây dựng thương hiệu.

Lạc thu đông trồng ở huyện Kiến Xương. Ảnh: H.Tiến.

Lạc thu đông trồng ở huyện Kiến Xương. Ảnh: H.Tiến.

Các ban ngành và tổ chức đoàn thể như Sở KH-CN, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và Chi cục BVTV tỉnh tổ chức được hàng 100 lớp chuyển giao tiến bộ sản xuất vụ đông cho nông dân các huyện, thành phố.

Sở NN-PTNT cũng phối hợp với địa phương, rà soát số hộ không có nhu cầu gieo trồng vụ đông, chuyển cho các tổ chức, cá nhân khác thuê mượn để sản xuất nhằm hạn chế tối đa tình trạng bỏ hoang ruộng.

Hiện nay, Thái Bình đã bước đầu đã hình thành được một số mô hình liên doanh, liên kết trồng cây vụ đông gắn với doanh nghiệp bao tiêu. Tiến độ gieo trồng được gần 10.000ha cây vụ đông các loại, bao gồm: 2.500ha ngô, 3.000ha đậu đỗ, dưa leo, bí xanh, bí ngô và 4.400ha cây rau màu khác.

Các huyện trồng được nhiều cây vụ đông nhất là Quỳnh Phụ 3.500ha, Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương, Vũ Thư mỗi huyện trồng được gần 1.500ha. Tỉnh cũng đã cơ bản thu hoạch xong 9.134ha cây rau màu hè thu các loại.

“Trong đợt mưa do ảnh hưởng của bão số 6 mới đây, một số ruộng trồng cây vụ đông sớm  bị ngập úng cục bộ. Sở NN-PTNT đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở, chỉ đạo bà con nông dân, tiêu rút nước kịp thời, gieo trồng bổ sung những cây bị hư hại, tích cực chăm sóc giúp các cây đã trồng sớm hồi phục.

Đồng thời tranh thủ thời vụ còn cho phép, mở rộng diện tích trồng các cây vụ đông ưa ấm trên nền đất ướt hoặc trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu ”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết thêm.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.