| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên cơ giới hóa nông nghiệp nhiều nơi đạt 80%

Thứ Ba 23/02/2021 , 11:08 (GMT+7)

Ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp giúp những lễ hội xuống đồng năm Tân Sửu tại Thái Nguyên rộn ràng tiếng động cơ thay vì hình ảnh con trâu quen thuộc.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp bà con đưa cánh đồng Dộc, Phú Bình, Thái Nguyên vốn hoang hóa, lầy thụt vào sản xuất. Ảnh: D.V.T.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp bà con đưa cánh đồng Dộc, Phú Bình, Thái Nguyên vốn hoang hóa, lầy thụt vào sản xuất. Ảnh: D.V.T.

Chuyển đổi mạnh

Song hành với tốc độ công nghiệp hóa cao, huyện Phú Bình vẫn giữ được vị trí là vựa sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, thành quả đó có vai trò lớn của việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Thống kê, huyện Phú Bình có 265 máy cày, máy kéo các loại, 1.250 máy phun trừ sâu có động cơ, trên 2.500 máy bơm nước, 196 máy tẽ ngô, 230 máy cắt cỏ, 24 máy gặt đập liên hợp, 5 máy gieo hạt, 160 máy sao chè (tăng gần 20% số thiết bị so với năm 2014).

Người dân tích cực sử dụng máy móc trong sản xuất đã góp phần đưa tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp trong toàn huyện được áp dụng cơ giới lên trên 80% và khoảng 85% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy.

Đưa chúng tôi đến thăm đồng Dộc, chị Vũ Thị Tình, Kế toán HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, huyện Phú Bình giới thiệu, cánh đồng lầy thụt này vốn bỏ hoang nhiều năm. Khi HTX dịch vụ nông nghiệp được thành lập cùng với việc được hỗ trợ máy cày để khai khẩn, bà con đã phá bỏ bờ vùng bờ thửa vốn chỉ là giữ đất để chuyển sang canh tác, sản xuất. Chị Tình khẳng định, máy móc áp dụng vào sản xuất mang đến hiệu quả cao và đặt ra yêu cầu về việc thay đổi hình thức sản xuất.

Xã Tân Đức (huyện Phú Bình) được coi là địa phương đi đầu áp dụng tỷ lệ cơ giới hóa đạt cao. Toàn xã có 32 máy kéo, 60 máy cày bừa, 600 máy bơm, 10 máy tuốt, 5 máy gặt đập liên hợp... Phối hợp với Công ty Quế Lâm, Tân Đức thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đồng ruộng được quy hoạch, chỉnh trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đưa máy móc vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Đức cho biết, hiệu quả từ cánh đồng 50 a được nhìn thấy ngay. Người dân áp dụng đồng bộ các bước, cùng gieo trồng 1 giống lúa và thu hoạch đồng loạt bằng máy móc, qua đó giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm 50% giống, giảm chi phí khâu làm đất và khâu thu hoạch từ 2,5 đến 2,7 triệu đồng/ha. Kết quả, năng suất lúa tăng 5,5tạ/ha, giá trị sản xuất tăng 41,7 triệu đồng/ha.

Triển khai trên quy mô rộng

Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp cũng tương xứng với Thái Nguyên, địa phương vốn được coi là trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc. Các máy móc cơ giới thông dụng đã và đang phát huy hiệu quả cao. Ngoài ra, một số mô hình áp dụng công nghệ cao như hệ thống phun tưới tự động, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái... đã được ứng dụng.

Tốc độ, tỷ lệ cơ giới hóa cũng làm thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi bản đồ kinh tế nông nghiệp đối với các địa bàn vùng cao, vùng xa. Chỉ trong 5 năm qua, xã Văn Hán (Huyện Đồng Hỷ) từ vị trí thấp về sản lượng, chất lượng sản xuất chè đã vươn lên thành vựa chè của địa phương.

Bà Phạm Thị Nhi (xóm Long Giàn, xã Văn Hán, Đồng Hỷ) cho biết, trước đây, vào mùa khô, gia đình phải nối đường ống nước khắp nương chè để bơm nước tưới, nay chỉ cần đóng cầu dao điện và bơm bất cứ lúc nào, rất tiện lợi mà không mất nhiều công sức, vừa có thể làm chè vụ đông, cho thu nhập cao gấp 1,5 lần.

Ngoài ra, công đoạn sao chè, vò chè, đóng gói hút chân không cũng được thực hiện bằng máy, giữ hương vị chè được lâu. Tại vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), một số hộ dân cũng đã tự mày mò, thiết kế những chiếc máy phun thuốc trừ sâu có cần dài gần 10m và có thể điều khiển tự động để phun mà người dân không cần khoác bình thuốc sâu trên vai.

Anh Vũ Quốc Hưng, Giám đốc HTX chè Hưng Thịnh (Xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) cho biết, trước kia, HTX chủ yếu hoạt động thương mại, bao tiêu sản phẩm. Nhận được hỗ trợ về máy móc, thiết bị sản xuất từ Chi cục Phát triển nông thôn, HTX đã mạnh dạn liên kết với 17 thành viên để tổ chức sản xuất chè VietGap. So với trước, giá trị sản xuất tăng lên 1,5 lần.

Có máy móc, hiệu quả sản xuất chè của HTX Chè Hưng Thịnh (TP. Thái Nguyên) tăng cao. Anh: Đ.V.T.

Có máy móc, hiệu quả sản xuất chè của HTX Chè Hưng Thịnh (TP. Thái Nguyên) tăng cao. Anh: Đ.V.T.

Ở các huyện miền núi như Định Hóa, Võ Nhai, bà con đã từng bước đầu tư các loại máy như: Máy tách hạt ngô, máy cắt cỏ, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy sấy nông sản… để phục vụ sản xuất.

Bà Nông Thúy Hạnh, Trưởng phòng Cơ điện ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.500 máy kéo các loại, hơn 3.000 xe vận chuyển nông sản nhỏ, hơn 50.000 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ điện và động cơ xăng, gần 9.000 máy đốn chè, máy bơm nước, máy sao chè… và nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp khác. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ sử dụng máy móc đạt 80 - 90% so với tổng diện tích đất canh tác.

Theo ông Dương Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên, việc áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất không chỉ giải phóng sức lao động cho người nông dân mà còn làm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, bảo đảm về diện tích gieo trồng và đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ.

Nhờ đó, sản lượng lương thực cây có hạt, giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt đều tăng qua các năm. Từ năm 2016 đến nay, Chi cục đã hỗ trợ bà con mua các loại máy như: máy nghiền thức ăn, máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy cắt cỏ… với tổng số trên 150 chiếc.

Để thúc đẩy phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu suất  trong sản xuất.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm