| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Đột phá trồng cây ăn quả theo VietGAP

Thứ Ba 21/07/2020 , 10:46 (GMT+7)

Mô hình trồng cây ăn quả gồm bưởi và nhãn theo quy trình VietGAP của anh Nguyễn Quang Thuận ở xã Phúc Thuận, TX Phổ Yên, Thái Nguyên mang lại nguồn kinh tế ổn định.

Chúng tôi có dịp ghé thăm vườn trồng cây ăn quả với các loại nhãn, bưởi sai quả, quả nào quả nấy đều căng mọng của gia đình anh Nguyễn Quang Thuận đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

Ở tuổi 40 nhưng trông anh Thuận già dặn, cứng cáp hơn rất nhiều, có lẽ do sương gió và bươn trải quá sớm. Anh Thuận cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất nổi tiếng với đặc sản nhãn lồng Hưng Yên. Đến năm 1996 tôi rời quê lên Thái Nguyên làm công nhân rồi lập gia đình và gắn bó với mảnh đất Phúc Thuận từ đó. Do lập gia đình khi còn trẻ nên thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa người dân nơi đây chủ yếu sống với nghề trồng chè nên thu nhập không cao”, anh Thuận giãi bày.

Vườn cây 200 gốc nhãn và 400 gốc bưởi của anh Thuận. Ảnh: Kiều Hải.

Vườn cây 200 gốc nhãn và 400 gốc bưởi của anh Thuận. Ảnh: Kiều Hải.

Thế rồi như một cuộc cách mạng, anh Thuận quyết định phải thay đổi cuộc sống hiện tại chứ không thể nào nghèo mãi như vậy được. Sẵn diện tích đất 1ha vườn đồi do bố mẹ để lại, anh tiến hành cải tạo lại rồi trồng lên đó 200 gốc nhãn, đến năm 2000 anh trồng thêm 400 gốc bưởi. Khi vườn cây ăn quả đã ra trái và cho thu hoạch, anh đầu tư mua thêm khoảng 6.000m2 đất canh tác để trồng thêm cây ăn quả và quyết định sẽ phải bứt phá bằng được từ mô hình này.

Lúc đầu mới phát triển mô hình gặp phải không ít khó khăn do vốn ít mà nguồn thu lại chưa có nhưng anh vẫn cố gắng vươn lên không hề nản chí.

Hiện tại vườn cây ăn quả của anh Thuận chủ yếu là bưởi và nhãn. Trong đó, bưởi có 2 loại bưởi là bưởi Diễn và bưởi Hoàng. Sau khoảng 4 năm sẽ cho thu hoạch, còn nhãn thì thời gian cho thu hoạch sẽ ngắn hơn. Trung bình mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 15 tấn nhãn.

Những quả bưởi và nhãn căng mọng đang chuẩn bị đến độ thu hoạch. Ảnh: Kiều Hải.

Những quả bưởi và nhãn căng mọng đang chuẩn bị đến độ thu hoạch. Ảnh: Kiều Hải.

Nói về quy trình trồng và chăm sóc nhãn anh Thuận cho biết: Sau khoảng 1 tháng tiến hành thu hoạch nhãn thì lúc này là thời điểm chăm cây, cung cấp chất dinh dưỡng để cây phục hồi và phát triển và chuẩn bị ra trái cho vụ sau. Đối với cây nhãn, mỗi năm sẽ tiến hành bón phân 4 lần. Hiện tại anh Thuận sử dụng 2 loại phân để bón cho cây là phân hóa học và phân gà ủ mục. Đồng thời ứng với mỗi lần bón phân là phải tưới nước cho cây. Toàn bộ công đoạn phun thuốc đều được thực hiện bằng máy phun.

Anh Thuận chia sẻ, so với việc trồng chè thì trồng nhãn chỉ phải làm thời vụ nên đỡ tốn công hơn mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Ngược lại, trồng bưởi thì vất vả hơn nhiều so với trồng nhãn nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để bưởi đạt số lượng quả nhiều thì cần phải tính toán bón kali nhiều hơn đạm. Thời điểm thu hoạch nhãn thường diễn ra vào tháng 7 hàng năm, còn bưởi Hoàng sẽ thu hoạch vào tháng 8 và bưởi Diễn sẽ kéo dài đến hết năm.

Đến nay anh Thuận đã thực hiện việc trồng bưởi và nhãn theo quy trình VietGAP được 3 năm nên chất lượng quả rất đảm bảo an toàn. Theo anh Thuận, làm VietGAP đòi hỏi sự tỉ mỉ, sản phẩm phải sạch tuyệt đối, công bỏ ra lớn nhưng đầu ra ổn định mà giá trị kinh tế lại cao hơn.

Anh Thuận cho biết hiện nay việc trồng bưởi và nhãn của gia đình anh đều được thực hiện theo quy trình VietGAP. Ảnh: Kiều Hải.

Anh Thuận cho biết hiện nay việc trồng bưởi và nhãn của gia đình anh đều được thực hiện theo quy trình VietGAP. Ảnh: Kiều Hải.

Tuy nhiên khó khăn hiện nay là mặc dù khu vực này là vùng sản xuất cây ăn quả tập trung nhưng việc vận động nhiều hộ cùng sản xuất cây ăn quả theo VietGAP vẫn chưa nhận được sự đồng thuận. Hơn nữa, do chưa có nguồn hỗ trợ và đầu tư nên mong muốn thành lập Tổ hợp tác, tiến tới thành lập Hợp tác xã với mục đích sản phẩm bán ra có thương hiệu trên thị trường vẫn chưa đủ điều kiện.

Đến thời điểm này thị trường bán các loại trái cây của gia đình anh Thuận tại Thái Nguyên đã cơ bản ổn định và mang lại nguồn lợi nhuận mỗi năm khoảng 300 – 400 triệu đồng. Cuộc cách mạng trong thay đổi cách nghĩ, cách làm đã giúp anh Thuận có hướng đi đột phá, đưa kinh tế gia đình thoát khỏi khó khăn mà trước đây anh vẫn luôn cảm thấy bế tắc.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.