| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên gấp rút chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2024

Thứ Sáu 12/01/2024 , 09:44 (GMT+7)

Nhờ vụ mùa 2023 được mùa, được giá, bà con nông dân Thái Nguyên đang phấn khởi bước vào sản xuất vụ xuân năm 2024 với kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái thắng lợi.

Bà con nông dân tỉnh Thái Nguyên khẩn trương thu hoạch rau màu vụ đông để chuẩn bị giải phóng đất cho vụ xuân 2024. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà con nông dân tỉnh Thái Nguyên khẩn trương thu hoạch rau màu vụ đông để chuẩn bị giải phóng đất cho vụ xuân 2024. Ảnh: Phạm Hiếu.

Khẩn trương thu hoạch cây vụ đông

Tại cánh đồng xã Huống Thượng (TP Thái Nguyên), người dân đang tập trung vệ sinh đồng ruộng, gia cố bờ bao và làm đất để gieo mạ. Vụ xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm cấy 1,5 mẫu lúa. Cách đây gần 1 tháng, gia đình bà đã chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón và vật tư cần thiết để phục vụ sản xuất vụ xuân. “Tôi vừa gieo mạ xong, để chống rét cũng như chống chuột phá hại, tôi đã mua nilon che phủ cho mạ”, bà Tâm chia sẻ.

Tại cánh đồng xã Phấn Mễ (huyện Phú Lương), người dân đang khẩn trương thu hoạch nốt khoai lang vụ đông để vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sản xuất vụ xuân. “Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 1 sào khoai lang, đến nay đã thu hoạch được một nửa. Tôi đang cố gắng thu hoạch xong trong một hai ngày tới, sau đó vệ sinh ruộng, làm đất và vận chuyển phân chuồng đã ủ hoai mục xuống ruộng để chuẩn bị cấy lúa xuân trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn”, bà Nguyễn Thị Hồng, một người dân địa phương cho biết.

Hiện một số nơi ở Thái Nguyên bà con đã bắt đầu triển khai cấy lúa vụ xuân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện một số nơi ở Thái Nguyên bà con đã bắt đầu triển khai cấy lúa vụ xuân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vụ xuân 2024, huyện Phú Lương dự kiến gieo cấy hơn 2.300ha lúa, phấn đấu sản lượng đạt trên 12.900 tấn. Phòng NN-PTNT huyện đã cùng với các xã, thị trấn huy động lực lượng và người dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu hoạch nhanh gọn cây vụ đông để có thời gian làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế sinh vật gây hại.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Lương, cơ quan chuyên môn đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, gieo cấy tập trung cùng giống và trà lúa theo vùng, xứ đồng để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch; tích cực ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) trong sản xuất.

“Chủ động về giống lúa, nước phục vụ sản xuất là yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng. Chính vì thế, các đơn vị cung cấp nước tưới và vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có phương án tích trữ nước và nguồn hàng từ sớm để phục vụ cho sản xuất của bà con nông dân”, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.

Theo các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên, dự báo sản xuất vụ xuân năm nay sẽ gặp một số khó khăn như rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc phổ biến cao hơn khoảng 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm... Vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân năm nay nhằm đạt năng suất, sản lượng cao nhất theo kế hoạch đề ra.

Cấm tự ý tháo nước các ao, hồ, đầm để đánh bắt cá

Theo đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn, lượng mưa năm nay ít hơn so với mọi năm, một số hồ chứa nhỏ ở các địa phương của tỉnh Thái Nguyên có mực nước thấp, nguy cơ thiếu nước cục bộ trong thời kỳ tưới dưỡng nên cần chủ động điều tiết nguồn nước cho vụ xuân.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên được UBND tỉnh giao quản lý 93 hồ chứa, 103 đập dâng, 7 trạm bơm, phục vụ nước tưới cho hơn 40.000ha lúa và cây trồng khác. Nhìn chung, nguồn nước trong các hồ chứa hiện cơ bản đảm bảo cấp nước cho vụ đông xuân sắp tới nhưng do nguồn nước phân bố không đều nên tình trạng hạn, thiếu nước tưới dưỡng cục bộ vẫn có khả năng xảy ra ở những vùng có hồ chứa nhỏ, mực nước thấp.

Sản xuất vụ xuân 2024 được dự báo sẽ gặp một số khó khăn về nước tưới dưỡng nếu các địa phương không có giải pháp quản lý, sử dụng tốt nguồn nước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sản xuất vụ xuân 2024 được dự báo sẽ gặp một số khó khăn về nước tưới dưỡng nếu các địa phương không có giải pháp quản lý, sử dụng tốt nguồn nước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên), để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2024, Công ty đã tổ chức kiểm tra các công trình, máy móc, thiết bị, đồng thời tập trung nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi, tu sửa các công trình bị hư hỏng.

“Hiện nay, qua kiểm tra tình hình trữ nước tại 90 hồ thủy lợi do đơn vị quản lý cho thấy các hồ đã cơ bản tích đủ nước phục vụ sản xuất. Công ty cũng đã thông báo đến các khu dân cư chủ động lấy nước theo lịch mở nước, thời vụ gieo cấy”, ông Thiêm thông tin.

Cùng với đó, Công ty đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tích nước ở các hồ chứa khi có mưa, tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hồ chứa, đặc biệt là với những hồ nhỏ có lượng nước trong hồ thấp, có nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất.

Công ty cũng yêu cầu các đơn vị chỉ mở nước phục vụ sản xuất. Trạm khai thác thủy lợi ở các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, chi tiết cho từng công trình, xứ đồng, thông báo kịp thời lịch cấp nước cho các địa phương để địa phương và người dân chủ động lấy nước.

Song song đó, Công ty đã quán triệt các đơn vị quản lý chặt chẽ nguồn nước, tăng cường kiểm tra, rà soát các hồ đập để sẵn sàng cấp đủ nước cho gieo cấy, nghiêm cấm tự ý tháo nước tại các ao, hồ, đầm để đánh bắt cá.

Ngành nông nghiệp Thái Nguyên chủ động triển khai kế hoạch sản xuất để vụ xuân 2024 đạt năng suất, sản lượng cao theo kế hoạch đề ra. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngành nông nghiệp Thái Nguyên chủ động triển khai kế hoạch sản xuất để vụ xuân 2024 đạt năng suất, sản lượng cao theo kế hoạch đề ra. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để sản xuất vụ xuân diễn ra thuận lợi, Công ty đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm ngay từ đầu vụ, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn nước. Cùng với đó, các huyện, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch gieo cấy, bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng phù hợp...

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch gieo cấy hơn 28.100ha lúa, tăng 50ha so với vụ xuân năm 2023, phấn đấu năng suất bình quân đạt hơn 55 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 157.000 tấn.

Theo khung thời vụ, trà lúa xuân trung chiếm 2 - 3% trong tổng diện tích, gieo mạ từ ngày 15/12/2023 đến 25/12/2023, cấy xong trước ngày 30/1/2024.

Trà lúa xuân muộn chiếm 97 - 98% trong tổng diện tích, gieo mạ xung quanh Tiết Lập xuân (ngày 4/2/2024, tức ngày 25 tháng Chạp âm lịch), cấy tập trung trong tháng 2/2024 và kết thúc trước ngày 10/3/2024.

Về cơ cấu giống lúa, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên khuyến khích bà con nông dân đưa vào gieo cấy các giống lúa lai như L8H-GS9, TH3-7, TH3-5, B-TE1, Syn98, TEJ vàng, HKT99, MHC2, VT404 và các giống lúa thuần như J02, J01, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, Dự hương 8, TH8, Hương thuần 8, Hương thơm số 7, BG6, HDT10...

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên lưu ý các địa phương cần bố trí lựa chọn những giống lúa phù hợp với điều kiện đất đai, đảm bảo tỷ lệ lúa lai, lúa thuần thích hợp, tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, làm đất sớm, bảo đảm về hệ thống thủy lợi…

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Bắt chó thả rông trên tinh thần không đánh trống bỏ dùi

ĐỒNG NAI Trước diễn biến bệnh dại phức tạp, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ chặt đứt nguồn lây bệnh từ chó thả rông, chó dại.

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.