| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên phát huy hiệu quả chương trình nước sạch

Thứ Năm 27/05/2021 , 08:51 (GMT+7)

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thái Nguyên là một trong 21 tỉnh được chọn để triển khai chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả.

Khai thác hiệu quả công trình cũ

Hiện nay, Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh Thái Nguyên đang quản lý 24 công trình nước, cung cấp nước sạch cho trên 100 nghìn người dân nông thôn trên địa bàn. Song hành với hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác an toàn, hiệu quả các công trình.

Bà Trần Thị Duyên, Trạm trưởng trạm dịch vụ xây dựng công trình nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Thái Nguyên, cho biết, vừa vận hành lại vừa làm dịch vụ nên các tổ, đội quản lý công trình ngoài đảm bảo hiệu quả thì vẫn phải đặt công tác an toàn lên hàng đầu.

Với đặc trưng vị trí công trình ở vùng nông thôn, địa hình phức tạp nên hệ thống đường ống thường xảy ra bục vỡ. Nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan. Thực tế đó làm thất thoát, lãng phí nguồn nước. Công trình sẽ không phát huy được tối đa công suất trong khi chi phí hoạt động vẫn phải duy trì thường xuyên. Ngược lại, khi phương tiện máy móc đã hoạt động ổn định thì đơn vị vẫn phải thường xuyên kiểm định chất lượng nước một cách chặt chẽ.

Công nhân công trình cấp nước xã Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ) vận hành hệ thống bơm cung cấp nước sinh hoạt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Công nhân công trình cấp nước xã Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ) vận hành hệ thống bơm cung cấp nước sinh hoạt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổ trưởng tổ vận hành công trình cấp nước xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, cho biết, công trình được đầu tư xây dựng năm 2003, chính thức đưa vào sử dụng năm 2005. Công trình được thiết kế với công suất 150 mét khối/ngày đêm,  cung cấp nước cho 2600 hộ dân.

Mặc dù được đầu tư khá sớm song đây lại là công trình đang có số thu cao nhất của toàn bộ hệ thống với trên 200 triệu đồng/tháng. Có được kết quả đó, tổ quản lý, vận hành thường xuyên kiểm tra nâng cấp, bảo dưỡng phương tiện máy móc; kiểm tra chất lượng nước hàng ngày để đảm bảo cung cấp nguồn nước tiêu chuẩn. Thống kê từ các công trình của Trung tâm, doanh thu từ dịch vụ cấp nước sinh hoạt năm 2020 đạt trên 12 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát giảm xuống còn dưới 30%.

Nâng cao hiệu suất công trình mới

Trong giai đoạn 2016 - 2020, với nguồn vốn khoảng hơn 100 tỷ đồng từ chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn theo kết quả và chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Thái Nguyên đã thực hiện đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng 34 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Thực tế trên làm tăng khoảng 13.000 hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Được giao nhiệm vụ quản lý vận hành công trình mới, chị Trần Thị Thư, Tổ trưởng tổ vận hành công trình cấp nước xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên), cho hay, ngay khi nhận bàn giao, công trình đã đáp ứng tối đa công suất 290 mét khối/ngày đêm để đảm bảo cung cấp đủ và ổn định nước cho 475 hộ dân thuộc 3 xóm của xã Linh Sơn sử dụng.

Học sinh trường mầm non xã Huống Thượng sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Học sinh trường mầm non xã Huống Thượng sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Thái Nguyên, cho biết, năm 2021 là năm đầu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2021-2025, đơn vị sẽ tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98% vào năm 2025. Ngoài thực hiện các dự án theo kế hoạch, Trung tâm sẽ triển khai lập dự án xây dựng chiến lược cấp nước nông thôn và phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.