| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Thác Dài đổi mới nhờ VietGAP

Thứ Ba 11/05/2010 , 10:36 (GMT+7)

Kể từ khi dân bản xây dựng làng nghề sản xuất chè theo hướng GAP thì tính độc canh lại được coi là mũi nhọn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Bao đời nay, người dân bản Thác Dài, xã Tức tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, sống bằng nghề độc canh cây chè. Kể từ khi dân bản xây dựng làng nghề sản xuất chè theo hướng GAP thì tính độc canh lại được coi là mũi nhọn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Nho Hưởng (Trưởng phòng NN - PTNT huyện Phú Lương) cho biết, khi chọn địa bàn để xây dựng làng nghề chè thì cách thức sản xuất của người dân ở bản Thác Dài hoàn toàn không đảm bảo các yếu tố cận chuẩn. Chính vì vậy, mong muốn của các cơ quan khi lựa chọn chính là nỗ lực xây dựng thành công mô hình ở bản Thác Dài sẽ tạo được hiệu ứng, tính lan toả. Bản Thác Dài có 60 hộ dân. Với tổng diện tích chè 27 ha, trung bình mỗi gia đình có gần 5.000 mét vuông chè. Bà Lê Thị Thu Thuỷ (Trưởng bản Thác Dài) nhận xét, nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội đòi hỏi người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn bền vững.

Thu hái chè

Từ lâu, mỗi người dân của bản đều ý thức được thực tế đó song chưa bao giờ họ nhận được cơ hội trao tay như thời điểm cuối năm 2007. Khi cán bộ phòng NN - PTNT huyện về đặt vấn đề xây dựng làng nghề sản xuất chè theo hướng GAP đã được tất thảy bà con dân bản phấn khích đón nhận. Đúng một năm sau, tháng 12/2008, bản Thác Dài được công nhận đạt các tiêu chuẩn làng nghề. Bà Trưởng bản tự hào nói, chúng tôi đã đi thăm nhiều mô hình nhưng không có nơi nào sự đoàn kết, đồng tâm xây dựng mô hình lại được cả bản nhất trí cao như ở Thác Dài này. Thông qua các lớp tập huấn, dân bản Thác Dài đều cụ thể hoá nhận thức của mình về phương thức thực hành sản xuất tốt.

Bà Thuỷ nói, trước đây, đường làng ngõ xóm lầy lội, chỉ cần vào đến đầu bản đã ngửi thấy mùi thuốc sâu, mùi phân, thôi thì đủ cả. Bản thân người làm chè còn cảm thấy khó chịu nhưng làm gì biết cách làm khác. Gia đình bà Thuỷ có 7.000 mét vuông chè, cứ mỗi trận mưa là cả nhà lại sấp ngửa lao lên đồi bón đạm cho chè; cứ 5 ngày một lượt phun thuốc sâu với nồng độ tuỳ ý, thuốc thì có cả những loại "nổi tiếng" độc như vonfatox, monitơ... Nay phân bón cho chè đã được dùng thêm phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật an toàn sinh học.

Ông Trần Nho Hưởng (Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Phú Lương): Trên cơ sở thành công của dự án xây dựng mô hình làng nghề chè Thác Dài, huyện Phú Lương sẽ tiếp tục triển khai xây dựng mô hình ở một số địa bàn trọng điểm nhằm nâng cao vị trí, thương hiệu của chè Phú Lương.

Nói về hiệu quả khi xây dựng làng nghề, ông Liêu Văn Phương cho hay, sản xuất chè theo hướng GAP là cần thiết, là hợp với xu thế, với trào lưu phát triển chung. Ông Phương khẳng định chỉ có mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm mới mong thay đổi được giá trị trên những nương chè. Hộ ông Phương được coi là đi đầu trong bản khi thực hiện làm chè an toàn.

Ông đã tìm hiểu và đầu tư mua sắm công cụ sản xuất đảm bảo an toàn từ khi chưa có dự án xây dựng làng nghề. Ông nói, chè của gia đình tôi bao giờ cũng bán được giá hơn của bà con trong bản, không phải tại đất, tại nước mà là do cách làm thôi. Học theo cách làm của gia đình ông Phương, bây giờ cả bản không còn hộ nào đổ chè nguyên liệu xuống đất, dùng chân vò chè...

Nếu gia đình nào thực hiện sai các quy cách sản xuất mà bị phát hiện thì BQL dự án xây dựng mô hình làng nghề sẽ rút giấy chứng nhận. Bà Cao Thị Ninh (thành viên của BQL gồm 7 người) cho biết, buôn có bạn, bán có phường, người dân Thác Dài ý thức rất cao về hậu quả của việc thực hiện sai quy trình đã được tập huấn. Nếu bị rút giấy chứng nhận thành viên làng nghề thì coi như tuyệt đường làm ăn rồi. Vả lại, nói về sản xuất chè theo hướng GAP thì ai mà chả thích, chả tự giác thực hiện. Cái lợi mà ai cũng nhìn thấy ngay là giá bán chè đã được đội lên gần gấp 2, thậm chí có hộ thâm canh sản xuất giỏi còn bán với giá gấp 3 lần những năm trước. Bà Ninh nói, bản Thác Dài chúng tôi thật may mắn, dân Thác Dài đổi đời nhờ GAP rồi.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.