| Hotline: 0983.970.780

Cô gái sở hữu 6 trại nấm, thu nhập ổn định 20 - 25 triệu đồng/tháng

Thứ Tư 17/04/2024 , 06:41 (GMT+7)

BẾN TRE Qua 7 năm khởi nghiệp từ nghề trồng và kinh doanh nấm các loại, gia đình chị Mai Thị Ánh Xuân đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập khá.

Trồng và kinh doanh nhiều loại nấm, mô hình khởi nghiệp của chị Mai Thị Ánh Xuân (sinh năm 1991, ở ấp Phước Khánh, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã mở ra hướng đi mới, làm phong phú thêm cho ngành hàng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản theo hướng sạch, thân thiện với môi trường.

Chị Xuân kiểm tra trại nấm dược liệu. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Xuân kiểm tra trại nấm dược liệu. Ảnh: Minh Đảm.

Thuở bé, Ánh Xuân rất thích ăn nấm. Lớn lên, chị thường xuyên trồng nấm để phục vụ cho các bữa ăn của gia đình. Năm 2017, niềm đam mê với cây nấm đã thôi thúc chị đầu tư mô hình trồng và kinh doanh nấm. Ánh Xuân xin nghỉ việc để khởi nghiệp với cây nấm.

Ban đầu, chị trồng thử nghiệm 5.000 túi phôi nấm rơm và bào ngư tại khuôn viên của gia đình. Nhờ cần cù chăm sóc và và tích cực học hỏi kinh nghiệm thông qua báo chí, mạng xã hội nên cây nấm phát triển tốt, mô hình mang lại hiệu quả, tạo động lực để chị dần mở rộng.

Theo Ánh Xuân, nghề trồng nấm lắm công phu, người trồng phải có đức tính tỉ mỉ, thường xuyên theo dõi, chăm sóc để phát hiện, xử lý ngay khi có các bệnh hại nấm. Trong trại, môi trường phải mát mẻ, độ ẩm phải giữ ổn định ở mức phù hợp thì cây nấm mới phát triển tốt.

Đến nay, chị Xuân đang sở hữu 6 trại nấm với diện tích trên 400m2, với gần 30.000 túi phôi sản xuất quanh năm các loại nấm như bào ngư, hồng ngọc, hoàng kim, sò Thái, nấm mối đen, linh chi... Ngoài ra, còn có nấm hoàng đế, kim cúc, nấm được sản xuất theo mùa. Đặc biệt, khoảng 3 năm gần đây, chị học được kỹ thuật trồng nấm mối đen. Loại nấm này đang được thị trường rất ưa chuộng và có giá cao (300.000 đồng/kg). Ngoài ra, nấm linh chi (loại khô) cũng có giá trị khá cao, dao động từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg.

Đóng gói nấm chuẩn bị giao cho khách hàng. Ảnh: Minh Đảm.

Đóng gói nấm chuẩn bị giao cho khách hàng. Ảnh: Minh Đảm.

Khi thu hoạch xong, các túi phôi tiếp tục được tái sử dụng để sản xuất nấm rơm. Sau đó, chúng còn được dùng ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Quá trình sản xuất nấm tại trang trại của chị Ánh Xuân không sử dụng hóa chất trong tất cả các khâu, đạt tiêu chuẩn VietGAP

Để phục vụ sản xuất, 5 thành viên trong gia đình chị Xuân đã hỗ trợ trong khâu chăm sóc lẫn thu hoạch nấm. Hiện chị còn liên kết với nhiều trại nấm ở TP.HCM, Lâm Đồng để có nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ nhu cầu khách hàng, đồng thời mở một cửa hàng bán nấm tại TP.HCM.

Gần đây, chị còn sáng tạo ra các sản phẩm tạo hình từ các loại nấm rất độc đáo để phục vụ thị hiếu khách hàng. Tiêu biểu như giỏ hoa nấm làm quà tặng cho chị em phụ nữ nhân ngày 8/3 và 20/10.

Tùy thời điểm, thời tiết mà trại sản xuất, cung ứng các loại nấm khác nhau cho thị trường. Hiện mỗi tháng chị Xuân cung ứng cho thị trường các nơi từ 500 – 600kg nấm, đặc biệt tháng ăn chay sản lượng đến 1 tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP.HCM và các tỉnh lân cận. Thu nhập từ nghề trồng và kinh doanh nấm của chị Xuân khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng.

Chị Xuân thường xuyên cung cấp phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho người dân, nhất là chị em phụ nữ có nhu cầu trồng để phục vụ bữa ăn trong gia đình. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Xuân thường xuyên cung cấp phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho người dân, nhất là chị em phụ nữ có nhu cầu trồng để phục vụ bữa ăn trong gia đình. Ảnh: Minh Đảm.

Tại địa phương, chị Xuân còn thường xuyên cung cấp phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho người dân, nhất là chị em phụ nữ có nhu cầu trồng để phục vụ bữa ăn trong gia đình.

Chị Trần Thị Lệ, khách hàng sử dụng nấm tại cơ sở sản xuất nấm của chị Ánh Xuân cho biết, gia đình thường sử dụng nấm trong bữa ăn hàng ngày. Chị Lệ cảm thấy nấm ở đây sản xuất rất ngon, chất lượng đảm bảo, giá cả cũng phù hợp với người tiêu dùng. “Ăn nấm có nguồn gốc, chất lượng như thế này người dân rất yên tâm”, chị Lệ vui vẻ nói.

Mô hình trồng nấm sạch của chị Ánh Xuân vừa đoạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Bến Tre tổ chức. Hiện nay, chị đã tạo được nhóm sở thích trồng nấm cho nhiều chị em phụ nữ nông thôn trong và ngoài tỉnh với hơn 200 thành viên. Đây là nhóm chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, buôn bán và hỗ trợ đầu vào, đầu ra trong sản xuất nấm.

Khởi nghiệp thành công với cây nấm không chỉ giúp chị Xuân ổn định cuộc sống gia đình mà chị còn tích cực hỗ trợ nông dân, chị em ở địa phương nhân rộng mô hình này.

Người dân mua phôi nấm của chị Ánh Xuân Ảnh: Minh Đảm.

Người dân mua phôi nấm của chị Ánh Xuân Ảnh: Minh Đảm.

Hiện tại, chị Xuân đã rất thành thạo trong việc trồng các loại nấm. Chị cho biết, xu hướng của khách hàng là sản phẩm phải sạch, giá cả phải chăng. Do đó thời gian tới chị không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô, nhất là sản xuất bằng nhà lạnh, ứng dụng công nghệ sấy, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm.

“Hướng đến tôi đang tìm công nghệ bảo quản, ứng dụng công nghệ sấy, làm salad nấm, bột nấu canh chay. Sau này có cơ hội tôi sẽ kết hợp với các trại nấm mà tôi đang bao tiêu các sản phẩm như nấm đùi gà, kim châm, nấm mối đen... để mở nhà lạnh”, chị Xuân chia sẻ.

Xem thêm
Nâng tầm chăn nuôi vùng ven biển: [Bài cuối] Lộ trình chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao

HẢI PHÒNG Là thành phố Cảng năng động, đô thị hóa mạnh mẽ, diện tích canh tác thu hẹp, lĩnh vực chăn nuôi của Hải Phòng đã có lộ trình, giải pháp để phát triển hiệu quả.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 5] Sức khỏe đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh

TS Lương Đức Toàn - Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thông tin về kết quả kiểm tra chất lượng đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh.