| Hotline: 0983.970.780

Thảm cảnh của nông nghiệp châu Âu giữa khủng hoảng Covid-19

Thứ Năm 26/03/2020 , 14:49 (GMT+7)

Nông dân khắp châu Âu đang kêu gọi thành lập một “đội quân nông nghiệp” trong bối cảnh hàng nghìn cánh đồng không thể thu hoạch vì khủng hoảng nhân lực do dịch gây ra.

Nông dân trên một cánh đồng gần thành phố Bethune, Pháp. Ảnh: AFP.

Nông dân trên một cánh đồng gần thành phố Bethune, Pháp. Ảnh: AFP.

Andrea Fasoli, nông dân ở tỉnh Verona, miền bắc Italy, không thể thu hoạch nông sản vì đại dịch Covid-19. Chính phủ Italy phong tỏa toàn quốc khiến việc đi lại trở nên khó khăn, đặc biệt là từ Đông Âu tới nước này, dẫn đến tình trạng thiếu lao động thời vụ. Tính đến ngày 25/3, Italy ghi nhận hơn 69.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 6.800 trường hợp tử vong.

Fasoli trồng măng tây trắng, nông sản có tiếng của Verona. Măng tây trắng cần được thu hoạch bằng tay và sử dụng công cụ riêng, đồng nghĩa ông cần rất nhiều nhân lực.

“Hàng năm, tôi thuê 25 lao động, đều đến từ Romania. Họ đến đây vào vụ thu hoạch, từ tháng 3 đến cuối tháng 5. Năm nay, chỉ có 5 người kịp đến Italy trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực”, Fasoli chia sẻ với World Crunch.

“Gia đình, tôi và vài lao động mùa vụ phải cố gắng hết khả năng. Tôi không biết chúng tôi có thể duy trì bao lâu nữa. Chúng tôi có thể buộc phải để măng tây thối rữa ngoài ruộng”.

Trường hợp giống như của Fasoli không phải hiếm.

Năm nay, khoảng 370.000 người lao động, chủ yếu từ Romania, Bulgaria và Ba Lan, không thể đến Italy, Coldiretti, hiệp hội nông dân lớn nhất Italy, ước tính.

“Tình cảnh của chúng tôi chính là điềm báo trước”, theo Fasoli. “Hôm nay, chúng tôi thiếu nhân lực thu hoạch măng tây, ngày mai sẽ đến lượt các vườn táo. Mọi thứ sẽ ngày càng xấu thêm”.

Giuseppe De Filippo, giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Futuragri, thành phố miền nam Foggia, cảnh báo các chuỗi cung ứng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi có thể phải dừng kinh doanh vào tháng 4”, De Filippo nói. Ông bán măng tây, súp lơ, bông cải xanh, cà chua và dưa do các thành viên Futuragri trồng.

“Ngoài thiếu nhân lực, chúng tôi còn gặp vấn đề trong khâu đóng gói. Chúng tôi đang áp dụng mọi tiêu chuẩn an toàn cần thiết. Tuy nhiên, nếu một công nhân dương tính với virus corona, các cơ sở sẽ phải đóng cửa”.

Ngành nông nghiệp Italy đang chịu thiệt hại đáng kể. Dù đảm bảo được chuỗi cung ứng thực phẩm, nguồn thu từ ngành lại giảm do nhiều yếu tố. Các nhà hàng đóng cửa, nhu cầu thực phẩm tươi giảm bởi người tiêu dùng tích trữ và chọn mua đồ khô.

Chính phủ Italy ra sắc lệnh khẩn cấp Cura Italia để hỗ trợ, chi 100 triệu euro cho các công ty nông nghiệp hoặc ngư nghiệp phải dừng hoạt động, 100 triệu euro để tiếp cận tài chính, tạm ứng thanh toán từ Chính sách Nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu (EU) và 50 triệu euro cho ngân sách Quỹ châu Âu trợ giúp người nghèo (FEAD).

“Tình hình hiện nay cần sớm có các biện pháp khẩn cấp”, Romano Magrini, trưởng phòng chính sách lao động tại Coldiretti, nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đề nghị thuê lao động từ các lĩnh vực đang tê liệt như du lịch và dịch vụ thực phẩm”.

Tuy nhiên, đây chỉ là “biện pháp tạm thời nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp”. Một phương án tiềm năng khác là hàng nghìn người đang xin tị nạn vào Italy.

Pháp và Đức tương tự Italy. Tại Anh, mùa thu hoạch dâu tây và các loại quả mọng sắp tới. Ngành nông nghiệp các nước này cũng phụ thuộc đáng kể vào lao động thời vụ.

Liên đoàn Nông dân Quốc gia Anh (NFU) hy vọng có thể thiết lập được lực lượng lao động nòng cốt giúp tránh được khủng hoảng thu hoạch.

Minette Batter, chủ tịch NFU, nói ưu tiên hiện nay là thu hoạch.

“Đây là vấn đề rất lớn. Chúng tôi chỉ còn cách vụ thu hoạch dâu và quả mọng 6 tuần”, bà Batter trả lời BBC. “Chúng tôi có thể tự cung nhiều thứ cho đến tháng 11 nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo của đôi tay và cần có lực lượng lao động. Chúng tôi hy vọng nhân lực ở Romania, Bulgaria có thể trở lại Anh”.

Cơ quan việc làm thời vụ Anh, Hops Labour Solutions, đang kêu gọi sinh viên lấp vào khoảng trống nhân lực. Sarah Boparan, giám đốc của cơ quan, cho biết họ đã nhận hơn 6.000 đơn xin việc trong vòng vài ngày qua.

Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume kêu gọi những người phải nghỉ việc vì lệnh phong tỏa để ứng phó virus corona hãy giúp nông dân đang cần lao động.

“Ngành nông nghiệp cần 200.000 lao động”, chủ yếu do nhân công thời vụ từ Tây Ban Nha hoặc Đông Âu không thể đến Pháp, theo ông Guillaume.

Nhu cầu của nông dân Pháp là khẩn cấp bởi măng tây, dâu tây và nhiều loại cây trồng khác sắp vào mùa thu hoạch. Trong khi đó, hàng loạt nhà hàng, khách sạn, hãng bán lẻ ở Pháp phải đóng cửa, ảnh hưởng đến kinh tế nước này.

Măng tây trắng cần được thu hoạch bằng tay và sử dụng công cụ riêng. Ảnh: 123 RF.

Măng tây trắng cần được thu hoạch bằng tay và sử dụng công cụ riêng. Ảnh: 123 RF.

Jean-Baptiste Lemoyne, Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp, cảnh báo ngành du lịch của Pháp có thể thiệt hại tới 40 tỷ euro nếu khủng hoảng Covid-19 kéo dài 3 tháng.

Henning Hoffheinz, nông dân ở gần thủ đô Berlin, sắp phải thu hoạch lượng lớn măng tây nhưng lao động thời vụ hàng năm hiện không thể vào Đức.

“Đó là thảm họa”, ông chia sẻ. Hoffheinz xoay xở thuê được 25 người Romania nhưng ông cần gấp đôi con số này. Ông sẽ cố tìm thêm những người Đức có thể đảm nhiệm hậu cần, như đưa măng tây từ nơi thu hoạch đến điểm phân loại. “Chắc chắn sẽ không thuê được lao động Đức thu hoạch măng tây với mức lương tối thiểu”.

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner nói nước này cần xử lý khoảng 23.000 hecta măng tây. “Chúng phải được thu hoạch. Chúng tôi cần 30.000 lao động mùa vụ vào tháng 3 và lên tới 85.000 lao động vào tháng 5”.

Nội các Đức hôm 23/3 nới lỏng quy định đối với lao động thời vụ, cho phép họ ở lại nước này lâu hơn, và triển khai website giúp kết nối nông dân với những người mất việc vì khủng hoảng Covid-19.

Tây Ban Nha phụ thuộc vào 15.000 lao động, chủ yếu từ Morocco, để cho vụ thu hoạch dâu tây vào tháng 3 hàng năm. Năm nay, con số này chỉ có thể đạt một nửa. Thụy Sĩ cũng không phải ngoại lệ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất