| Hotline: 0983.970.780

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: Xử lý dứt điểm vụ gỗ keo tự phát

Thứ Tư 31/07/2024 , 18:59 (GMT+7)

Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng có liên quan đã kiểm tra, xử lý vi phạm 64 cơ sở thu mua, chế biến gõ keo, phạt tiền hơn 800 triệu đồng.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn công tác vừa đi kiểm tra, làm việc với huyện Như Thanh về việc chấp hành pháp luật của các điểm, cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Như Thanh.

Trước khi làm việc với UBND huyện Như Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất, chế biến keo tại các xã Hải Long, Tân Khang, Phú Nhuận và thị trấn Bến Sung. Tại đây, một số cơ sở hoạt động kinh doanh gỗ keo tự phát, vi phạm quy định về sử dụng đất vẫn hoạt động.

Ông Lê Đức Giang cùng đoàn công tác thị sát các cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo tự phát. Ảnh: CTV.

Ông Lê Đức Giang cùng đoàn công tác thị sát các cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo tự phát. Ảnh: CTV.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, qua kiểm tra, trên địa bàn tỉnh hiện có 156 điểm, cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn 8 huyện. Trong đó, huyện Thường Xuân 49 cơ sở, Như Thanh 31 cơ sở, Như Xuân 5 cơ sở, Lang Chánh 20 cơ sở, Thạch Thành 13 cơ sở, Cẩm Thủy 14 cơ sở, Ngọc Lặc 19 cơ sở, Triệu Sơn 5 cơ sở. Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng có liên quan đã kiểm tra, xử lý vi phạm 64 cơ sở, phạt tiền hơn 800 triệu đồng.

Đến ngày 25/6/2024, UBND các huyện Như Thanh, Như Xuân, Triệu Sơn, Lang Chánh đã chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm của cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng vi phạm trên địa bàn. Còn lại các huyện Thạch Thành 3 cơ sở, Cẩm Thủy 6 cơ sở, Ngọc Lặc 3 cơ sở, Thường Xuân 14 cơ sở chưa xử lý xong.

Qua kiểm tra, tổng hợp báo cáo của các huyện cho thấy các chủ cơ sở, cá nhân vi phạm chủ yếu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm về môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, an toàn giao thông trong vận chuyển keo nguyên liệu.

UBND các huyện cơ bản đã chấp hành chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong kiểm tra, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng vi phạm trên địa bàn. Tuy nhiên, một số chủ cơ sở, cá nhân vi phạm bị xử lý chưa tháo dỡ công trình, lợi dụng sự thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền cơ sở vẫn lén lút hoạt động thu mua, chế biến gỗ nguyên liệu.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tại cuộc họp với các sở, ngành và UBND huyện Như Thanh. Ảnh: CTV.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tại cuộc họp với các sở, ngành và UBND huyện Như Thanh. Ảnh: CTV.

Tại huyện Như Thanh, qua rà soát, kiểm tra có 31 cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng, trong đó 10 cơ sở không vi phạm; 4 cơ sở đã dừng hoạt động trước khi kiểm tra và 17 cơ sở vi phạm. Trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có 11 cơ sở vi phạm; 11 cơ sở vi phạm hoạt động trên đất nông nghiệp. Đến ngày 15/6/2024 các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng vi phạm trên địa bàn huyện Như Thanh đã chấp hành nộp tiền phạt và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, việc khắc phục vi phạm về sử dụng đất của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát chưa triệt để. Sau một thời gian bị dừng hoạt động, nhiều cơ sở thu mua tự phát đã hoạt động trở lại bất chấp sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, nguyên nhân của tình trạng trên là do các chủ cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng nhận thức pháp luật hạn chế, không hiểu biết pháp luật về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng, đầu tư, kinh doanh; vay vốn ngân hàng đầu tư lớn xây dựng cơ sở chế biến khi chưa đầy đủ thủ tục.

Khi kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm theo pháp luật buộc tháo dỡ công trình vi phạm, thiệt hại lớn kinh tế, tìm mọi cách để trốn tránh, gây khó khăn cho công tác xử lý dứt điểm tại địa phương. Một số chính quyền cấp xã chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng vi phạm ngay khi mới phát sinh; khi chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các chủ cơ sở chưa dứt điểm.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang chỉ đạo, đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện phải xử lý dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài; rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đối với các cơ sở đủ điều kiện theo quy định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Như Thanh thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Huyện ủy làm trưởng đoàn, tổ chức rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, vận chuyển gỗ rừng trồng để có biện pháp chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm các tồn tại và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/8/2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Công an tỉnh và các ngành có liên quan của tỉnh phối hợp với huyện Như Thanh kiểm tra các đơn vị sản xuất, chế biến về các thủ tục, các điều kiện về môi trường, an toàn cháy nổ để có biện pháp xử lý. Công an tỉnh tổ chức lực lượng nắm bắt tình hình trên địa bàn huyện Như Thanh, xử lý nghiêm tình trạng “tranh mua, tranh bán” bảo đảm an ninh, trật tự.

Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tổ chức họp đối với 31 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện để có phương án xử lý dứt điểm vi phạm. Trường hợp các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo không đáp ứng điều kiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương thì phải dừng hoạt động.

Xem thêm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cần giải quyết sớm việc xen ghép, ổn định dân cư

Ngày 18/9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Tuyên Quang về khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Gỡ thẻ vàng IUU: Phải truy trách nhiệm người đứng đầu

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu như vậy khi kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Quảng Trị.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

'Cấp cứu' đê điều, thủy lợi sau bão: [Bài 2] Trắng đêm tiêu úng cứu cây trồng

Vượt qua hiểm nguy từ mưa bão, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, những công nhân thủy lợi thuộc Công ty Bắc Nam Hà ngày đêm cứu lúa, hoa màu.