Đến nay, chủ trương tích tụ đất đai, tái cơ cấu nông nghiệp đang được các địa phương cụ thể hóa trong từng mùa vụ.
Vụ đông xuân 2021-2022, Thanh Hóa phấn đấu gieo trồng 195.250 ha, sản lượng lương thực đạt 796.300 tấn. Trong đó, lúa 114.000 ha (sản lượng 729.600 tấn); ngô 14.500 ha (sản lượng 66.700 tấn); rau đậu các loại 14.500 ha (sản lượng 181.250 tấn)... Các cây trồng dài ngày (mía, sắn, gai...) và cây trồng khác 45.750 ha.
Để hoàn thành mục tiêu này và hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, Thanh Hóa đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trồng trọt và tích tụ tập trung đất đai theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII).
Theo Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết 13 tạo ra động lực lớn cho tái cơ cấu nông nghiệp. Tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp công nghiệp lớn, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất đã giúp nhà nông vượt qua những khó khăn do biến đổi khí hậu và đại dịch covid-19.
Những năm qua, nông dân Thanh Hóa mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thời vụ, cơ cấu giống phù hợp theo hướng chuyển sang cây trồng có lợi thế phát triển, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, mía, sắn,…
Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho hay, tích tụ tập trung đất đai tạo đà thuận lợi cho đổi mới phương thức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với hộ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Chủ trương tích tụ đất đai đã khắc phục dần tình trạng ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún; hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Đây là những yếu tố giúp Thanh Hóa đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh phát triển.
Thông qua tích tụ đất đai, nhiều sản phẩm lợi thế và chủ lực của địa phương được đưa vào tổ chức sản xuất với quy mô lớn, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tích tụ đất đai cũng đã khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tập trung vào các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, mía, cây ăn quả, rau quả, cây thức ăn chăn nuôi, cây gai xanh.
Theo ông Chọn, cùng với quá trình tích tụ đất đai, các địa phương, cơ sở cần lựa chọn đối tượng cây trồng chủ lực và có lợi thế, lựa chọn địa điểm và tổ chức sản xuất phù hợp, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ gia đình có khả năng đầu tư để xây dựng các mô hình gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngành nông nghiệp Thanh Hóa sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao và các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm trồng trọt an toàn. Trong đó, việc xây dựng, mở rộng các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty có nhà máy chế biến sản phẩm lúa gạo, lúa giống trên địa bàn huyện là yếu tố rất quan trọng để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Hiện nay, tại Thanh Hóa đang triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để kịp thời hỗ trợ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Bên cạnh đó, tùy điều kiện thực tế, các địa phương ban hành thêm các chính sách khuyến khích sản xuất trồng trọt trên địa bàn.
Thông tin tại Hội nghị Triển khai phương án sản xuất vụ đông xuân 2021-2022, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, vụ đông xuân 2020 – 2021, Thanh Hóa chuyển đổi linh hoạt trên 1,6 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Các sản phẩm trồng trọt chủ lực và có lợi thế tiếp tục duy trì phát triển gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn với tổng diện tích trên 225 nghìn ha. Sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị tiếp tục được triển khai mở rộng, các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm các loại cây trồng với tổng diện tích liên kết trên 33,5 nghìn ha. Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến lúa gạo, thu mua lúa tươi tại bờ cho nông... đã làm tăng giá trị nông sản, bù đắp lại những thiệt hại do dịch Covid -19 và biến đổi khí hậu gây ra.